Làm nghề vì đam mê, tìm thấy ong là vui
|
|
Phóng viên theo chân anh Huỳnh Vũ Hoàng vào rừng “săn” ong mật. |
Anh Huỳnh Vũ Hoàng (ngụ tại xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) vừa dẫn phóng viên cùng đoàn du khách đi sâu vào rừng tràm, vừa chia sẻ: “Hôm nay, tôi bị mệt, định đi không nổi nhưng rồi cái niềm đam mê với ong, với nghề lấy mật rừng, với đất rừng U Minh Hạ, nên lại gắng gượng để đi. Tôi theo cha đi gác ong từ năm 15 tuổi, làm nghề này cực khổ lắm nhưng đam mê nên đi tìm gặp ong là vui”.
Anh Hoàng tiết lộ những bí quyết chỉ những người dày dặn kinh nghiệm đi lấy mật mới biết: “Lúc xưa ông cha dùng “rễ phụ cây gừa” đập dập phơi khô bó lại thành đuốc, nhưng vì khói rễ gừa làm ong nhát nên chuyển qua làm đuốc bằng sơ dừa (là vỏ của quả dừa đem phơi khô - PV), mang đi đánh mịn làm đuốc. Do loại đuốc này có sơ nhỏ và mịn nên khi tàn rơi xuống đất nó tắt liền, rất an toàn trong phòng, cháy chữa cháy rừng. Hơn nữa khói của sơ dừa nhẹ, không cay con ong, rất dễ chịu”.
“Khi gặp tổ ong, người thợ bắt đầu lấy phải đi phía sau tổ ong. Không đi từ trên đầu cây kèo đi xuống vì đầu kèo là đường ong bay rất nguy hiểm đối với những người xung quanh xem trải nghiệm. Theo một kinh nghiệm khác nữa là vạch cây sậy nhẹ nhàng đi từ phía sau tổ ong, thổi khói cho ong bay thẳng lên sau đó tiến hành cắt mật thu hoạch mật. Chỉ cắt một lượng 80% mật, để lại 20% để cho con ong non chưa tự đi kiếm ăn được hút phần mật còn lại để sống” - anh Hoàng chia sẻ kinh nghiệm.
Anh Hoàng chia sẻ: “Tôi đi thu hoạch chỉ buổi sáng vì con ong lúc này đi tìm nguồn thức ăn, hút phấn hoa. Nếu thu hoạch buổi chiều thì tổ ong dễ bỏ đi vì cạn nguồn thức ăn. Nếu thu hoạch buổi chiều phải để lại một phần mật để ong sinh sống trong vài ngày tới. Đối với nghề ong là khai thác phải dưỡng tổ, để cho ong ở lâu dài, không khai thác theo hướng tận diệt vì nghề ong này mình quý dữ lắm, nó đem lại kinh tế thu nhập cho gia đình”.
|
|
Đoàn khách du lịch trải nghiệm ngồi trên võ lãi vào rừng tràm U Minh Hạ lấy ong và thưởng thức vị mật ong thơm ngon. |
Em Trần Phương Khôi (khách du lịch đến từ Quận 1, TP Hồ Chí Minh) phấn khởi nói: “Lần đầu tiên em đến đây, đặc biệt được trải nghiệm là ngồi trên những chiếc võ lớn đi xuyên rừng. Tuy giữa trời nắng và xen kẻ cái mưa nhưng chúng em vô cùng thích thú và phấn khởi khi tìm gặp tổ ong, sau đó chúng em cùng với thợ săn ong và ăn ong tại chỗ rất thú vị”.
Khi bóng xế chiều xuống, em Trần Phương Khôi cùng đoàn khách du lịch trải nghiệm rừng tràm U Minh Hạ chia tay chúng tôi về lại TP Hồ Chí Minh, trên gương mặt của em còn lộ rõ niềm vấn vương, nuối tiếc và hứa hẹn sẽ giới thiệu bạn bè gần xa đến đây trải nghiệm.
Ở nơi có những tổ ong mật dài hàng mét
Theo anh Phạm Duy Khanh – Quản lý Khu du lịch cộng đồng Mười Ngọt (xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời) cho biết: “Vào mùa mưa chủ yếu là ong về sinh sống và đẻ con chứ không cho mật. Ong cho mật nhiều nhất là vào tháng đầu tháng 11 đến tháng 3 âm lịch, lúc này mật ong rất sánh, đậm đặc rất thơm ngon. Mỗi tổ ong cho thu hoạch từ 3 đến 4 chu kỳ, khi ong nở hết ong con thì ong sẽ di cư chỗ khác và một thời gian sau ong về chứ ong không đi luôn, do đó mới có câu “Ong đi, ong ở… rồi ong về”. Nếu ong để già quá mới thu hoạch thì rất ít mật, phải thăm thường xuyên vì lượng cây kèo gác ong hơn 1 ngàn cây, do đó khoảng 10 ngày đi thăm 1 lần và ong về làm tổ khoảng 2 tuần là thu hoạch được”.
|
|
Qua tìm hiểu thực tế, trung bình mỗi tổ ong dài khoảng 1,7 mét, được khoảng 5 - 8 lít mật cho mỗi lần thu hoạch, đối với tổ ong dài 1,2 mét cho lượng mật từ 3 -5 lít. |
Qua tìm hiểu thực tế, trung bình mỗi tổ ong dài khoảng 1,7 mét, được khoảng 5 - 8 lít mật cho mỗi lần thu hoạch, đối với tổ ong dài 1,2 mét cho lượng mật từ 3 -5 lít. Đối với mật ong ruồi thu hoạch khoảng 4 tổ sẽ cho 1 lít mật, mật ong ruồi ngon hơn mật ong mật vì nó rất sánh, đậm đặc và thơm hơn. Hiện nay, 1 lít mật ong mật có giá từ 450 - 500 ngàn đồng, mật ong ruồi có giá từ 950 – đến hơn 1 triệu đồng/1 lít.
Thông thường là sử dụng cây tràm làm công cụ để gác kèo nhưng đối với người thợ ong có nhiều kinh nghiệm sẽ chọn và sử dụng cây bình bát (một loại cây sinh sống vùng nước ngọt ở miền Tây – PV) để làm cây kèo ong.Cây bình bát mua về rửa sạch đục lỗ 2 đầu làm kèo tiện lợi hơn khi làm kèo ong, theo đó đỡ tốn thời gian hơn, con ong lại nhanh về hơn, mặt khác nếu sử dụng cây tràm thì thường tốn công bào gọt. Mỗi cây kèo sử dụng được 2 mùa và thường xuyên vệ sinh thật sạch kèo. Khi gác kèo phải theo hướng mặt trời, tránh hướng gió tác động vào tổ ong.
|
Du khách đến trải nghiệm câu cá trong rừng U Minh Hạ. |
Ngoài đặc sản mật ong rừng, rừng U Minh Hạ còn có nguồn lợi thủy sản nước ngọt rất phong phú như: cá lóc, cá rô, cá trê, cá bổi, lươn, rắn, rùa… sinh sống dưới những tán rừng tràm bạt ngàn. Anh Lê Văn Dưỡng (ngụ phường 8, TP Cà Mau) bày tỏ: “Vào những ngày cuối tuần hay lúc rảnh rỗi, tôi thường mang dụng cụ câu, mồi câu vào đây câu cá thư giãn sau những ngày bận rộn với công việc. Tôi thường xuyên gặp những đoàn khách du lịch từ nhiều nơi trên mọi miền đất nước về đây tham quan, trải nghiệm du lịch sinh thái rừng tràm U Minh Hạ, đặc biệt là trải nghiệm đi rừng lấy ong và ăn ong”.
Mật ong đem lại nguồn dinh dưỡng và rất tốt cho cơ thể con người. Loại thức uống này tăng sức đề kháng mỗi khi cơ thể mệt mỏi, hỗ trợ cảm ho, đau họng vì mật ong có tính kháng khuẩn tự nhiên rất mạnh, đồng thời tăng cường trí nhớ,hỗ trợ dạ dày, có khả năng ngăn ngừa ung thư bởi tính chống oxy hóa của mật ong rất cao. Ngoài ra, nhộng ong non còn đem lại nguồn dinh dưỡng cao cho trẻ em còi xương, suy dinh dưỡng và người già yếu. Đối với món cháo nhộng ong non rất tốt cho sức khỏe của mọi người.
Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay còn xuất hiện nhiều mật ong bị pha trộn làm mất đi yếu tố chất lượng, tính nguyên chất. Đến với rừng tràm U Minh Hạ nơi có những tổ ong nhiên nhiên về trú ngụ, sinh sản làm tổ và tự mình đi tìm tổ và tận mắt chứng kiến và sau đó rồi thưởng thức vị mật ong thơm ngon, con ong non bổ dưỡng ngay dưới những tán rừng làm cho du khách không khỏi bịn rịn và để lại dấu ấn, niềm tin nơi đất rừng Cà Mau.