Đội giá, mất khách...
Thông tin từ ngành Đường sắt cho biết, từ 1/1/2018, ngành này sẽ phối hợp với Công ty CP Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco) thí điểm đưa suất ăn theo tiêu chuẩn hàng không lên tàu, thay cho việc nấu trên tàu như hiện nay.
Cụ thể, Sasco sẽ cung cấp suất ăn nấu sẵn đến các ga với giá đề xuất ban đầu như sau: suất ăn chính 35.000 đồng/phần, suất ăn phụ 25.000 đồng/phần. Chi phí suất ăn sẽ được gộp vào giá vé đi tàu tùy theo từng hành trình. Các suất ăn được lên tàu tại các ga lớn như Sài Gòn, Đà Nẵng và Hà Nội.
Theo giá cả đề xuất như trên, nếu một hành khách đi hành trình Hà Nội - Sài Gòn, theo cách bán vé gộp suất ăn như nhà tàu đã định thì giá vé đội lên 170.000 đồng với 2 bữa ăn phụ, 3 bữa ăn chính. So với giá vé tàu thấp nhất (ghế cứng 554.000 đồng) thì khách hàng phải trả thêm hơn 30% so với trước đây. So với giá vé tàu cao nhất ở khoang điều hòa (1.283.000) thì chi phí phải tăng thêm khoảng 14%.
Được biết, ban đầu, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam dự định sẽ thí điểm tuyến Sài Gòn - Nha Trang, nếu thành công mới áp dụng rộng ra nhiều đoàn tàu khác. Nhưng sau khi tính toán lại thấy tuyến tàu này có quãng đường ngắn, khách ít ăn cơm nên phải chuyển sang tuyến Sài Gòn - Hà Nội trên các đôi tàu SE3/4 và SE5/6.
Tuy nhiên, dù chuyển sang chuyến tàu mà hành trình kéo dài đến hơn 1 ngày 1 đêm thì đa phần khách hàng vẫn không đồng tình. Nhiều ý kiến cho rằng, khách chọn đi tàu đồng nghĩa với việc họ không dư dả gì về tài chính, do đó, việc “ép” khách ăn theo suất trên tàu là một điều vô lý. Đặc biệt, trong bối cảnh, thị phần của Đường sắt đang ngày một giảm đi, thì việc cung cấp dịch vụ trên được dự đoán sẽ tiếp tục có những tác động không thuận lợi đến hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành này, thậm chí còn khiến hành khách quay lưng lại với loại hình vận tải từng được coi là truyền thống này?
Theo khảo sát ở các phương thức vận tải khác, hiện chỉ còn Vietnam Airlines là đang phục vụ suất ăn kèm theo vé, Vietjet đã quyết định bỏ suất ăn để giảm tối đa chi phí giá vé cho hành khách, thì không có lý gì mà đột nhiên, Đường sắt Việt Nam lại muốn tăng giá vé?
“Ép” ăn không phải là “diệu kế”
Trao đổi với phóng viên, anh Hoàng Thế Anh (quận 12, TP.Hồ Chí Minh) cho hay, giá vé một suất ăn trên tàu 35.000 đồng không cao nhưng chất lượng bữa ăn trên tàu không chắc là ổn.
“Tôi đã từng ăn trên tàu nhiều năm trước, không thể nuốt được vì cơm nhão, vài miếng thịt ba chỉ rang mỏng tang, canh thì lõng bõng... cộng thêm cái cảm giác không được vệ sinh cho lắm. Do đó, nếu nhà tàu tin tưởng bữa ăn liên doanh với Sasco của mình đủ chất lượng, ngon lành thì hãy để khách hàng tự lựa chọn. Bắt chúng tôi mua suất ăn kèm giá vé như thế này khác gì ép khách hàng ăn, khác gì hình thức cơm tù của xe khách Bắc Nam ngày xưa”, anh Thế Anh bày tỏ.
Một cán bộ ngành Đường sắt cũng thẳng thắn cho biết, áp dụng bán vé kèm suất ăn chỉ có lợi cho ngành Đường sắt, không mang lại lợi ích gì cho khách hàng; thậm chí, nếu chỉ áp dụng trên các đôi tàu SE3/4, SE5/6 sẽ khiến cho các tàu này vắng khách bởi sẽ rất ít khách hàng chịu chi thêm cho các suất ăn trên tàu nếu họ vẫn còn sự lựa chọn từ các mác tàu SE khác.
Đường sắt Việt Nam cần phải xem xét việc thí điểm này, bởi chưa chắc đây là “kế” hay để kéo khách hàng quay trở lại mà có khi còn gây “phản ứng phụ” và mất khách.
Hãy để khách hàng tự lựa chọn!
“Tôi đã từng ăn trên tàu nhiều năm trước, không thể nuốt được vì cơm nhão, vài miếng thịt ba chỉ rang mỏng tang, canh thì lõng bõng... cộng thêm cái cảm giác không được vệ sinh cho lắm. Do đó, nếu nhà tàu tin tưởng bữa ăn liên doanh với Sasco của mình đủ chất lượng, ngon lành thì hãy để khách hàng tự lựa chọn. Bắt chúng tôi mua suất ăn kèm giá vé như thế này khác gì ép khách hàng ăn, khác gì hình thức cơm tù của xe khách Bắc Nam ngày xưa”, anh Hoàng Thế Anh (quận 12, TP.Hồ Chí Minh) bày tỏ.