Về Yên Hồng hôm nay

Xã Yên Hồng (Ý Yên) có vị trí chiến lược về quân sự. Trên địa bàn xã có quốc lộ 10 chạy qua ở phía nam; phía đông là trục đường 57 nối từ quốc lộ 10 với quốc lộ 1A; phía bắc là đường 12 nối từ thành phố Nam Định với quốc lộ 1A và tỉnh Ninh Bình. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, Yên Hồng là vị trí trọng điểm để địch lập các đồn bốt, tề ngụy với mục tiêu chiến lược chia cắt.
Thôn Hoàng Nê, xã Yên Hồng (Ý Yên) trong công cuộc đổi mới.
Ảnh: Tuấn Anh

Xã Yên Hồng (Ý Yên) có vị trí chiến lược về quân sự. Trên địa bàn xã có quốc lộ 10 chạy qua ở phía nam; phía đông là trục đường 57 nối từ quốc lộ 10 với quốc lộ 1A; phía bắc là đường 12 nối từ thành phố Nam Định với quốc lộ 1A và tỉnh Ninh Bình. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, Yên Hồng là vị trí trọng điểm để địch lập các đồn bốt, tề ngụy với mục tiêu chiến lược chia cắt. Với truyền thống yêu nước và cách mạng, từ năm 1930 xã Yên Hồng đã có người tham gia tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội. Năm 1947 chi bộ Đảng của xã được thành lập đã lãnh đạo nhân dân kiên cường bám trụ xây dựng làng xã, tổ chức các cuộc chống càn và chủ động đánh địch. Cùng với thành lập và củng cố các hội: Phụ lão cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc…, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, tích lũy lương thực, thành lập các quỹ nuôi quân, hũ gạo kháng chiến, tuần lễ vàng…, xã còn tập trung xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh. Toàn xã đã thành lập 13 trung đội, trong đó có 1 trung đội du kích tập trung, 8 trung đội bán tập trung ở các thôn, 3 trung đội Bạch đầu quân và 1 trung đội nữ du kích với tổng số 215 người. Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, nhân dân và lực lượng vũ trang xã Yên Hồng đã chiến đấu 93 trận, diệt 130 tên địch, làm bị thương 170 tên, gọi hàng hàng chục tên, trong đó có nhiều lính Âu Phi; phá hủy 21 xe quân sự, thu giữ được nhiều vũ khí đạn dược của địch… Chỉ riêng trong 2 năm (1951-1952) toàn xã đã rào 8.750m lũy quanh làng, huy động 3.000 cây tre vót nhọn cắm khắp cánh đồng chống quân địch nhảy dù; đào đắp trên 500 hầm hố, hầm bí mật, ụ chiến đấu, đặt trên 1.000 hầm chông; đóng góp 100 tấn rơm rạ phục vụ tiêu thổ kháng chiến; huy động trên 1.200 lượt người phá đường giao thông ngăn chặn xe cơ giới của địch trên quốc lộ 10, đường sắt, đường 57… Tiêu biểu là trận chống càn diệt địch đầy mưu trí, sáng tạo của du kích ở thôn Hoàng Nghị ngày 13-3-1950 đã chặn đứng cuộc càn, tiêu diệt 5 tên, làm bị thương 13 tên địch, thu 1 súng lục, 3 tiểu liên và 5 súng trường. Trận đánh diệt xe cơ giới và đội quân cơ động của địch trên quốc lộ 10 ngày 20-4-1950 tại thôn Cao Bồ; ngoài 1 trung đội du kích, còn có công an xã và tiểu đội nữ du kích đã gài chông, đặt mìn và phục kích ngay trên quốc lộ 10; sau hơn 1 giờ chiến đấu, địch đã tháo chạy, lực lượng của ta đã phá hủy 2 xe quân sự, diệt và làm bị thương 32 tên địch, thu nhiều súng đạn và quân trang quân dụng. Trận công đồn nhổ bốt ngụy tại thôn Đằng Động ngày 21-12-1952 chỉ diễn ra chưa đầy 1 giờ đồng hồ, du kích xã đã bắt sống đồn trưởng và 15 lính Bảo Hoàng, xóa bỏ bốt nhà thờ thôn Đằng Động. Trận đánh lớn phối hợp với trung đoàn 52 của bộ đội chủ lực (Quân khu Ba) đánh xe cơ giới trên quốc lộ 10 ngày 25-12-1953. Trận đánh này ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 2 đại đội địch, phá hủy 17/22 xe quân sự… Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, xã Yên Hồng đã có 157 người đi bộ đội, 120 người tham gia dân công hỏa tuyến, 290 chiến sỹ du kích và 60 người con của Yên Hồng đã ngã xuống vì Tổ quốc, trong đó có 31 liệt sỹ là du kích; 25 thương binh, 5 bệnh binh… Miền đất chiêm trũng cũng đã đóng góp 21 tấn gạo, 13 tấn thực phẩm, mua trên 10 nghìn công phiếu (có nhiều công phiếu trị giá 1 cây vàng), ủng hộ 1,3 tấn đồng để đúc vũ khí, huy động hơn 1 vạn ngày công đào đắp hầm hào và rào làng kháng chiến… Xã Yên Hồng đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba, Quân khu Ba tặng danh hiệu: “Cao Minh anh dũng”, 50 gia đình được tặng Bằng có công với nước; 302 người được thưởng Huân chương các loại, 150 người được Thủ tướng tặng Bằng khen, 11 bà mẹ được Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lực lượng vũ trang Yên Hồng đã xây dựng lực lượng phòng không nhân dân gồm 2 trận địa pháo cao xạ 12,7 ly, 30 tổ bắn máy bay bằng súng bộ binh với 30 đợt nổ súng đã ngăn chặn máy bay địch phá hoại quê hương, bảo vệ tính mạng cho nhân dân, tài sản và phát triển sản xuất, đóng góp 3.500 tấn thóc, 175,2 tấn thịt, hơn 10 tấn lạc… Tổng kết 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, xã Yên Hồng đã có 1.405 người nhập ngũ, 185 thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến…; trong đó có 178 liệt sỹ, 82 thương binh, 52 bệnh binh, 11 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 1.931 người được tặng thưởng Huân, Huy chương các loại, 207 gia đình được tặng Bảng vàng danh dự 1.015 gia đình được tặng Bảng Gia đình vẻ vang; Đảng bộ, chính quyền và các tổ chức đoàn thể đều đạt đơn vị tiên tiến xuất sắc của huyện. Với những đóng góp to lớn và thành tích đặc biệt xuất sắc, Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang xã Yên Hồng đã được Nhà nước phong tặng “Đơn vị Anh hùng LLVTND thời kỳ chống Pháp”.

Trong những năm tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ, nhân dân và LLVT Yên Hồng tích cực thi đua lao động, sản xuất, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ một địa phương thuộc vùng chiêm trũng, đến nay bộ mặt Yên Hồng có nhiều đổi mới. Tuy chưa giàu, bình quân thu nhập mới đạt 7,2 triệu đồng/người/năm, nhưng các đường liên thôn, liên xóm đều đã được nhựa hóa; các đường ngõ trong thôn được đổ bê tông rộng, sạch, đẹp. Các trường học mầm non, tiểu học, THCS đều được xây cao tầng, đều đạt chuẩn quốc gia. Riêng trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, và được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Trạm y tế xã được xây kiên cố, có trang thiết bị đầy đủ chăm lo sức khỏe cho nhân dân; 70% số hộ có nhà kiên cố, cao tầng. Xe máy là phương tiện đi lại phổ thông của nhân dân và toàn xã có 18 ô tô du lịch, 8 ô tô vận tải, 36 máy cày các loại… Cải tạo những cánh đồng chiêm hóa, biến đồng ruộng từ một vụ thành 2-3 vụ trong năm. Toàn xã không còn hộ đói, hộ nghèo giảm theo hàng năm, số hộ giàu có đạt 15% và 65% hộ khá. Phong trào xây dựng nếp sống văn hóa cả 6/6 thôn của xã đều đạt làng văn hóa cấp huyện, trong đó 2 thôn đạt làng văn hóa cấp tỉnh, hàng năm có 90-95% gia đình đạt gia đình văn hóa. Đảng bộ, lực lượng vũ trang và nhân dân xã Yên Hồng đang thi đua lao động sản xuất để xây dựng các “cánh đồng trăm triệu”, với các vùng chuyên canh, luân canh, khu trang trại tập trung… đưa sản xuất nông nghiệp từng bước hiện đại, sản xuất hàng hóa tập trung; xây dựng giao thông, xây dựng hạ tầng cơ sở; phát triển ngành nghề, dịch vụ; xây dựng nếp sống văn hóa… theo 19 tiêu chí nông thôn mới của Chính phủ để đến năm 2015 trở thành xã nông thôn mới./.

Tuấn Anh

Đọc thêm