Sở Tư pháp chỉ “cộp dấu” hay xác nhận nội dung?
Trước đây, theo quy định của Nghị định 61/CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại TP.Hồ Chí Minh thì sau khi lập vi bằng, Thừa phát lại phải gửi một bản cho Sở Tư pháp để đăng ký trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày lập vi bằng. Nghị định 135 ngày 18/10/2013 sửa đổi Nghị định 61 quy định rõ hơn: Trong thời hạn không quá 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được vi bằng, Sở Tư pháp phải vào sổ đăng ký vi bằng Thừa phát lại.
Sở Tư pháp có quyền từ chối đăng ký nếu phát hiện thấy việc lập vi bằng không đúng thẩm quyền, không thuộc phạm vi lập vi bằng; vi bằng không được gửi đúng thời hạn để đăng ký theo quy định. Việc từ chối phải được thông báo ngay bằng văn bản cho Văn phòng Thừa phát lại và người yêu cầu lập vi bằng trong đó nêu rõ lý do từ chối đăng ký. Vi bằng được coi là hợp lệ khi được đăng ký tại Sở Tư pháp.
Như vậy, với quy định trên đây có thể hiểu vi bằng sẽ không được coi là hợp lệ, là không có giá trị pháp lý khi không được đăng ký tại Sở Tư pháp. Xác nhận của Sở Tư pháp quan trọng như vậy nhưng theo phản ánh của nhiều địa phương thì “việc đăng ký có nhiều lúng túng”.
Giám đốc Sở Tư pháp Vĩnh Long Nguyễn Hòa Bình cho biết: Vướng mắc nhất hiện nay là không biết Sở Tư pháp xác nhận như thế nào, chỉ đóng dấu thôi hay xác nhận cả nội dung? Ngay cả chuyện đơn giản như đại diện Ban Giám đốc sẽ ký vào vi bằng hay lãnh đạo cấp phòng ký thôi cũng chưa phân định được. Điều ông Bình lo ngại nhất là “nếu làm không đúng, ra Tòa vi bằng sẽ không còn giá trị”.
Đây cũng là lo lắng của ông Tạ Quốc Hùng, Phó Chánh án TAND TP.Hà Nội. Theo ông Hùng, vi bằng không được công nhận thì cơ hội sử dụng vi bằng đối với người dân không còn nữa, điều này có thể gây ra thiệt hại hoặc rủi ro pháp lý mà khách hàng phải gánh chịu. Vì thế, ông Hùng đề nghị cần quy định rõ vai trò, trách nhiệm của Sở Tư pháp, của người đăng ký cũng như Thừa phát lại trong trường hợp vi bằng không được công nhận. Một số giám đốc Sở Tư pháp cũng băn khoăn: “Có sai sót mà không xác nhận thì Thừa phát lại sẽ bị dân khiếu nại, còn nếu xác nhận thì dẫn đến tình trạng dễ dãi, làm hư Thừa phát lại”.
Quy định rõ để dễ “truy” trách nhiệm
Đánh giá sự tích cực của việc đăng ký vi bằng tại Sở Tư pháp trong thời gian qua, nhưng theo ông Nguyễn Tiến Pháp, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại quận 10, TP.HCM thì việc đăng ký vi bằng chỉ nên mang tính chất quản lý, lưu trữ chứ không nên quy định là điều kiện hợp lệ của vi bằng. Sở Tư pháp chỉ nên kiểm soát hình thức lập vi bằng chứ không nên quản nội dung vì Sở không chịu trách nhiệm về nội dung của vi bằng. “Nếu những vi bằng đã được Sở Tư pháp đăng ký, công nhận vi bằng hợp lệ mà sau này cơ quan khác không chấp nhận nội dung vi bằng thì sao? Sở có phải liên đới chịu trách nhiệm hay không?” - ông Pháp đặt câu hỏi.
Thực tế, việc lập vi bằng ở một số địa phương cũng còn có những bất cập, trong đó tại một số địa phương có tình trạng lập vi bằng không đúng phạm vi, thẩm quyền, vi phạm hoạt động công chứng, chứng thực, còn có trường hợp chạy theo lợi nhuận. Đây cũng là lý do khiến Sở Tư pháp phải từ chối xác nhận vi bằng.
Trong thời gian thực hiện thí điểm Thừa phát lại, nhiều ý kiến cho rằng, duy trì quy định đăng ký tại Sở Tư pháp là cần thiết nhằm góp phần kiểm soát, nâng cao chất lượng của vi bằng, song cần quy định cụ thể thẩm quyền của Sở Tư pháp, trách nhiệm của người thực hiện việc đăng ký. Trong trường hợp Sở Tư pháp từ chối đăng ký không đúng, không được Tòa án chấp nhận mà gây thiệt hại cho khách hàng thì phải có cơ chế xử lý, thậm chí bồi thường.