“Đốm lửa” – đó là cách dạy con của người Do Thái, còn “tử cung” là cách dạy con của người Việt. Tất cả đều xuất phát từ tấm lòng của những người mẹ, người cha và tư duy xã hội đặc thù. Nhưng trong một thế giới phẳng với những công dân toàn câu như hiện nay, đã đến lúc cần phải trả lời câu hỏi “đốm lửa” hay “tử cung” - cách nào sẽ cho ra đời những công dân tốt, những con người thành đạt?.
|
Cô giáo Nguyễn Tường Lan trong buổi nói chuyện chuyên đề “Vai trò của gia đình trong việc giáo dục con trẻ”. |
Tiến sĩ chưa hẳn là chồng tốt
Nhân ngày Gia đình Việt Nam vừa qua, cô giáo Nguyễn Tường Lan (Giáo viên, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cha mẹ học sinh trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành, Hiệu phó trường THCS-THPT Hà Thành - Hà Nội) đã chia sẻ rất nhiều vấn đề về cách dạy con trong buổi nói chuyện chuyên đề “Vai trò của gia đình trong việc giáo dục con trẻ”.
Nhưng có một câu chuyện của cô khiến tôi nhớ mãi. Đó là một người bạn của cô giáo Tường Lan đã đề nghị cô chắp nối chuyện tình cảm của con gái cô với con trai người bạn ấy, vốn là tiến sĩ đào tạo ở nước ngoài về. Vì thân nhau nên hai bà mẹ cũng có nhiều kế hoạch để cho hai gia đình thân càng thêm thân. Cho đến một lần…
Khi cô giáo Tường Lan đến thăm người bạn ở cơ quan, thấy bạn mình đang cuống quýt gọi điện chỉ dẫn con trai. Hóa ra, chàng tiến sĩ ở nhà bị đứt tay, thấy máu chảy hoảng quá… gọi điện cho mẹ cầu cứu vì không biết phải làm gì (!). Người mẹ phải chỉ dẫn con lấy cồn sát trùng vết thương ra sao, băng ơ – gâu là gì, dán như thế nào khỏi tuột…
Khi người bạn đặt máy xuống, cô giáo Tường Lan bảo với bạn: “Thôi chị ạ, mình chỉ là bạn thôi chứ không thể làm thông gia được đâu. Con gái em cần một người chồng chứ không cần một tiến sĩ”.
Chàng tiến sĩ trong câu chuyện mà cô giáo Tường Lan kể là một “nạn nhân” điển hình của cách dạy con kiểu "tình yêu tử cung" của phần lớn các bà mẹ Việt. Luôn đem đến cho con cảm giác an toàn, bao bọc, họ đã quên mất rằng, rồi đây con mình sẽ phải lớn, phải đối diện với đời.
Cách đây không lâu, một nghiên cứu đã chỉ ra rằng hơn 70% số người lớn hiện nay đều có một tuổi thơ lý thú, được vui chơi thoải mái ở ngoài trời, thỏa sức khám phá những trò chơi hấp dẫn. Trong khi đó, chỉ 29% trẻ em thời hiện đại là con em của họ có được may mắn đó.
Không tin bạn cứ thử nhìn lại mình xem, những buổi tối mất điện ngày bạn còn nhỏ, bạn đã tụ tập lũ bạn cùng phố, cùng xóm đi chơi vui như thế nào, những trò chơi trong bóng tối như trốn tìm, bịt mắt bắt dê… Nhưng giờ đây, kể cả khi sáng đèn, ban ngày ban mặt con bạn cũng bị nhốt trong nhà hoặc chỉ được chơi loanh quanh ngoài ngõ.
Không những vậy, bạn còn ra sức ngăn cấm con cái không được chơi những trò chơi mà họ cho rằng sẽ có nguy cơ gây thương tích như trốn tìm, đuổi bắt thậm chí chỉ đơn giản là chạy nhảy đùa nghịch cũng không được. “Yêu con chính là nhốt chúng trong nhà và chăm lo từng li từng tí – đó là "slogan" của các ông bố bà mẹ thời hiện đại!
3 không của bà mẹ Do Thái
Mới đây, các cha mẹ Việt Nam đã được tiếp cận với bí quyết để tạo nên các thiên tài Do Thái trong hội thảo về phương pháp nuôi dạy con của các bà mẹ Do Thái. Câu trả lời cho câu hỏi: “Tại sao chỉ hơn 13 triệu dân nhưng chiếm gần 40% tỷ lệ người đoạt giải Nobel, người Do Thái được xem là dân tộc thông minh nhất thế giới?” lại rất ư là đơn giản. Đó là kết quả của bí quyết dạy con biết vượt khó, làm việc nhà, liên tục đặt câu hỏi ngay từ nhỏ.
Theo chuyên gia giáo dục Lại Thị Hải Lý, người đã trực tiếp đến Isarel - đất nước của người Do Thái - để tìm hiểu về phương pháp giáo dục trẻ tại đây cho biết, cách nuôi dạy con của các bà mẹ Do Thái khá đặc biệt. Họ dành cho con "tình yêu đốm lửa" - tức là sự nhen nhóm, khích lệ chứ không phải chỉ là cảm giác an toàn, bao bọc kiểu "tình yêu tử cung" như phần lớn các bà mẹ Việt.
Có ba điều mà người mẹ Do Thái không bao giờ làm cho con mình là: Không thỏa mãn trước; Không thỏa mãn tức thời; Không thỏa mãn quá mức yêu cầu của con. “Căn bệnh 421” (4 ông bà nội ngoại, 2 bố mẹ vây quanh 1 đứa trẻ) cũng là căn bệnh mà người Do Thái tuyệt đối không để cho con mình nhiễm phải.
Làm việc nhà là một cách để cha mẹ Do Thái rèn giũa con mình nên người, bởi theo một nghiên cứu của Tạp chí giáo dục Gia đình tại Israel thì tỷ lệ thất nghiệp của người không biết làm việc nhà cao hơn 15 lần người biết làm việc nhà, thu nhập bình quân của họ cũng thấp hơn 20% so với người thạo việc gia đình. Trẻ con Do Thái 2 tuổi đã có thể tự phục vụ bản thân.
Dạy trẻ trong con mắt người Do Thái đó là giấu bớt yêu thương và tăng lý trí. Một chỉ số được các vị phụ huynh Do Thái đánh giá cao ở trẻ là AQ - chỉ số vượt khó với công thức: 20% IQ + 80% (AQ + EQ) = 100% thành công (IQ:chỉ số thông minh, EQ: chỉ số cảm xúc).
Điểm số tốt, tấm bằng đẹp sẽ có công việc tốt, nhưng công việc tốt khác với người có sự nghiệp thành công. Đặc biệt, đối với người Do Thái, thất bại cũng rất quan trong với đứa trẻ vì để trẻ hiểu rằng không phải mọi điều đều thành công. Khi con cái làm sai, bố mẹ Do Thái thay vì phán xét, sẽ để con học hỏi từ thất bại của chính mình và tìm ra cách có thể làm khác vào lần sau.
Lúc ở nhà mẹ cũng phải là cô giáo
Quay lại với câu chuyện của cô giáo Tường Lan, trong tư cách là một nhà giáo, một người mẹ cô khẳng định trong giáo dục trẻ không thể thiếu vai trò chân kiềng nhà trường- gia đình-xã hội. Tuy nhiên, có một thực trạng đáng buồn ở Việt Nam hiện nay là cuộc sống hiện đại đã lấy của phụ huynh quá nhiều thời gian, sức lực và tâm trí đến nỗi họ không có thời gian hoặc có rất ít thời gian dành cho con cái mình. Điều này dẫn đến một hệ lụy là rất nhiều trẻ hiện nay cảm thấy cô đơn ngay trong chính gia đình của mình.
Rất nhiều bậc phụ huynh, vì sự cách biệt thế hệ, vì bận rộn mà đã tự từ bỏ vị trí “người thầy” của chính mình đối với con trong gia đình. Trong họ có rất nhiều nỗi sợ: sợ nói ra con không còn phục mình nữa, sợ nói ra con không nghe, không hiểu…, mà đã quên mất rằng gia đình chính là môi trường giáo dục đầu tiên của trẻ. Ở đó, bố mẹ chính là những người thầy, người cô đầu tiên và cũng chính là người thầy, người cô đi suốt cuộc đời cùng con cái.
Mới đây, trước sự kiện “Bà Tưng” trên mạng, Tiến sỹ tâm lý Nguyễn Lệ Hằng (GĐ Trung tâm Phát triển trẻ em và kỹ năng sư phạm gia đình) đã đặt câu hỏi: “Trong 20 năm đầu tiên của đời người, đời sống tâm lý phát triển của trẻ chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất từ gia đình. Vậy, vị trí của những người làm cha, làm mẹ là ở đâu trong câu chuyện này?”
Trả lời cho câu hỏi trên, thiết nghĩ chỉ có thể bằng một câu trả lời duy nhất, theo quan điểm của cô giáo Tường Lan. Đó là các bậc làm cha mẹ phải coi việc dạy dỗ con ở nhà là một trong những nhiệm vụ lớn. Hãy là những người mẹ, người cha, người thầy, người cô và là những người bạn tốt nhất của con mình, mỗi ngày, mỗi giờ.
Hồng Minh