Kịp thời xử lý nghiêm những vi phạm
Từ trước Tết Nguyên đán Quý Mão, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã có Công văn 5256/BVHTTDL-VP nêu rõ: Thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 18/11/2022 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Quý Mão năm 2023 và Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 23/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Quý Mão vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, Bộ VHTTDL yêu cầu các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, Sở VHTTDL; Sở Văn hóa và Thể thao; Sở Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai một số nội dung. Trong đó, Cục Văn hóa cơ sở cần hướng dẫn các địa phương tăng cường các biện pháp nhằm ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực, lợi dụng lễ hội thu lợi bất chính, mê tín dị đoan; theo dõi, tổng hợp tình hình tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tuyên truyền cổ động, lễ hội.
Thanh tra Bộ tiến hành tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, lễ hội trước, trong và sau Tết Nguyên đán bảo đảm vui tươi, lành mạnh, phù hợp với thuần phong, mỹ tục, ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực, lợi dụng lễ hội để hoạt động mê tín dị đoan, thu lợi bất chính.
Tổng cục Du lịch chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch triển khai biện pháp nhằm đảm bảo an toàn cho khách du lịch; tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng kinh doanh dịch vụ du lịch và phương tiện phục vụ khách du lịch, kịp thời xử lý nghiêm các vi phạm…
Cùng với sự vào cuộc tích cực từ các địa phương, Cục Văn hóa cơ sở - Bộ VHTTDL cũng đã có văn bản gửi các đơn vị quản lý văn hóa các tỉnh, thành trên cả nước về việc tăng cường công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2023 và Tết Nguyên đán Quý Mão. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; đề nghị ngành văn hóa các địa phương chỉ đạo Ban tổ chức lễ hội bố trí lực lượng thu gom kịp thời các loại tiền lễ, tiền giọt dầu đặt không đúng nơi quy định…. Xây dựng và triển khai các phương án bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cho người tham gia lễ hội, có phương án xử lý kịp thời tình huống phát sinh.
Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương cho biết, với mùa lễ hội 2023, Bộ VHTTDL khuyến khích các địa phương tổ chức theo hướng thiết thực, hiệu quả, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc, thuần phong mỹ tục; ngăn chặn biểu hiện tiêu cực, lợi dụng lễ hội thu lợi bất chính; hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc, cờ bạc trá hình, ăn xin, dịch vụ đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch… diễn ra trong lễ hội. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nét đẹp văn hóa và ý nghĩa biểu trưng của các thực hành lễ hội đến cộng đồng; kịp thời động viên, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp tích cực cho công tác quản lý và tổ chức lễ hội.
Bà Ninh Thu Hương nhấn mạnh: “Thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở việc thực hiện các nhiệm vụ được giao; phát hiện xử lý kịp thời và có biện pháp chấn chỉnh những trường hợp vi phạm” .
Về vấn đề văn minh lễ hội theo PGS.TS. Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam nhấn mạnh, cần phải đảm bảo yếu tố gốc của lễ hội. Lễ hội không nên tổ chức dài ngày, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó cũng có nhiều quan điểm khác cho rằng ban tổ chức các lễ hội cần thường xuyên kiểm tra các hoạt động văn hóa, xử lý nghiêm vi phạm, phòng ngừa các tệ nạn xã hội như bói toán, bán thẻ, sách báo ngoài luồng, thuốc nam giả không rõ nguồn gốc, đồ chơi trẻ em nguy hiểm…
Vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh khi đi lễ hội
Sau Tết Nguyên đán Quý Mão ngày 31/1/2023, Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở Ninh Thị Thu Hương đã ký ban hành Công văn số 46/VHCS-NSVH gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Văn hóa, Thể thao; Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý nhà nước về lễ hội năm 2023.
Cụ thể, tổ chức hoạt động lễ hội năm 2023 bảo đảm trang trọng, tiết kiệm, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá của dân tộc, thuần phong mỹ tục, tập quán tốt đẹp của địa phương; chấp hành nghiêm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực, lợi dụng lễ hội thu lợi bất chính; hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc trá hình, ăn xin, dịch vụ đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch, xóc thẻ, xin quẻ; di dời “hiện vật lạ” không phù hợp với thuần phong mỹ tục ra khỏi khuôn viên di tích; không đốt đồ mã; quản lý việc đặt hòm công đức theo quy định, phân công lực lượng thu gom tránh để xảy ra tình trạng rải (đặt, cài) tiền lẻ, tiền công đức không đúng nơi quy định.
Triển khai các phương án bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người tham gia lễ hội, không để xảy ra các hành vi chen lấn, tranh cướp; có phương án xử lý kịp thời những tình huống phát sinh trong lễ hội, trường hợp xảy ra mất an ninh trật tự phải yêu cầu tạm ngừng việc tổ chức theo quy định hiện hành. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc quản lý và tổ chức lễ hội. Kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép; lôi kéo đông người tại lễ hội để tuyên truyền, quảng bá các hoạt động có dấu hiệu tà đạo, mê tín dị đoan, trái với thuần phong mỹ tục, vi phạm quy định về thực hiện nếp sống văn minh. Thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở việc thực hiện các nhiệm vụ được giao; phát hiện xử lý kịp thời và có biện pháp chấn chỉnh những trường hợp vi phạm…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 23/12/2022 về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Theo đó, Bộ vhttdl chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch triển khai biện pháp nhằm bảo đảm an toàn cho khách du lịch; ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực, lợi dụng lễ hội thu lợi bất chính, mê tín dị đoan; tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng kinh doanh dịch vụ du lịch và phương tiện phục vụ khách du lịch, kịp thời xử lý nghiêm các vi phạm;Tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, lễ hội trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh, an toàn, tiết kiệm cho người dân, bảo đảm nhân dân được đón Tết vui tươi, đầm ấm, phù hợp với nếp sống văn minh, phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Theo Bộ VHTTDL, Sở Văn hóa và Thể thao; Sở Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội, cần thực hiện tốt công tác quản lý và tổ chức lễ hội theo quy định, bảo đảm các hoạt động lễ hội, vui xuân, kỷ niệm ngày truyền thống... thiết thực, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục, tập quán tốt đẹp của từng địa phương.
Việc tổ chức lễ hội truyền thống phải theo đúng bản chất, ý nghĩa lịch sử văn hóa, phù hợp với thuần phong mỹ tục; loại bỏ hoặc thay thế những tập tục không còn phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển. Mặt khác, các đơn vị chức năng cần phát huy tính tích cực, sáng tạo của nhân dân trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống; tuyên truyền về giá trị, ý nghĩa giáo dục của lễ hội, di tích; vận động, thuyết phục người dân, du khách thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội.
Các địa phương cần quản lý chặt chẽ hoạt động đăng ký và thông báo tổ chức lễ hội trên địa bàn; đồng thời chủ động xây dựng kế hoạch, phương án chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng mọi điều kiện để lễ hội diễn ra đảm bảo an toàn, không để xảy ra sai sót; bảo đảm yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng, chống cháy, nổ, vệ sinh môi trường; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông; an toàn sông nước; đấu tranh phòng, chống các tệ nạn xã hội. Lực lượng chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội, tín ngưỡng để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc; tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm tràn lan gây tốn kém, lãng phí.