Vì một mùa lễ hội văn minh, lành mạnh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhiều lễ hội mùa xuân đã tưng bừng khai hội. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhận định, trong mùa lễ hội năm nay, nhiều bất cập đã được chấn chỉnh nhờ sự vào cuộc tích cực của các địa phương...
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu các địa phương chủ động tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội. (Ảnh minh họa internet).
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu các địa phương chủ động tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội. (Ảnh minh họa internet).

Mùa lễ hội, “mùa vàng” du lịch

Ghi nhận tại các di tích tại Hà Nội năm nay ít xảy ra tình trạng “chặt chém”, thương mại hóa. Tại chùa Hà, phủ Tây Hồ, tổ chức trông xe miễn phí cho khách, áp dụng hình thức không sử dụng tiền mặt tại các bãi trông giữ xe ô tô và xe máy… Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, vẫn còn không ít nơi tăng giá vé trông xe dịp Tết, cần chấn chỉnh kịp thời.

Tín hiệu đầu mùa lễ hội cho thấy, công tác quản lý lễ hội năm nay đổi mới hơn so với mọi năm. Các tỉnh, thành phố đã chủ động đưa ra các phương án trọng tâm, trọng điểm, có dự báo đối với hoạt động lễ hội tại địa phương. Nhiều địa phương đã ban hành kế hoạch tổng thể cho các hoạt động lễ hội chung, từ đó chỉ đạo trực tiếp các cấp chính quyền xây dựng các kịch bản, kế hoạch, trong đó đưa ra nhiều phương án khả thi cho hoạt động lễ hội.

Điều đáng nói, với hàng nghìn lễ hội lớn, nhỏ được tổ chức trong suốt ba tháng đầu năm, thu thút đông đảo khách thập phương, mùa lễ hội là cơ hội vàng cho du lịch Việt. Tại danh thắng Tràng An, ngay những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, lượng khách đổ về rất đông. Một số điểm di tích tại Ninh Bình như khu vực đền thờ Vua Đinh, Vua Lê cũng tấp nập du khách, cả người Việt và khách nước ngoài. Nhiều nhà hàng đặc sản Ninh Bình không kịp phục vụ vì khách quá đông.

Tại Hà Nội, các điểm du xuân nổi tiếng như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, đền Ngọc Sơn, chùa Trấn Quốc, đền Quán Thánh, phủ Tây Hồ, di tích Nhà tù Hỏa Lò, khu danh thắng Hương Sơn… đều thu hút rất đông du khách.

Có thể thấy, so với nhiều mùa lễ hội trước đó, các điểm đến này có nhiều đổi mới tích cực, từ đa dạng các hoạt động văn hóa cho đến công tác đón tiếp, phục vụ khách du xuân. Một số địa điểm có tăng giá vé giữ xe hơn thường ngày nhưng chưa đến mức “chặt chém” và không có tình trạng nhiều ăn xin chèo kéo khách hay xả rác bừa bãi.

Ngày nay, xu hướng du lịch tự túc, nhóm nhỏ, gia đình, tự đặt dịch vụ tại điểm đến gia tăng, đặc biệt là ở các điểm đến gần với các thị trường nguồn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Khách du lịch có xu hướng chọn lựa các điểm đến di sản, tâm linh, văn hóa nổi tiếng tại các địa phương. Các điểm đến ở vùng núi phía Bắc thu hút đông khách vì khu vực này bắt đầu vào mùa đẹp nhất, hoa mận, hoa mơ, đào rừng nở rộ.

Thống kê của nhiều địa phương cũng cho thấy, lượng khách du lịch tăng cao trong dịp Tết. Ước tính, TP Hồ Chí Minh đón 1,8 triệu lượt khách, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2023; Hà Nội đón 653.000 lượt khách, tăng 21,6%; Ninh Bình đón 580.000 lượt khách, tăng 46%; Quảng Ninh đón khoảng 803.570 lượt khách, tăng 56%; Đà Nẵng đón 402.000 lượt khách, tăng 37%; Thanh Hóa đón 635.000 lượt khách, tăng 48,7%; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 588 tỷ đồng, tăng 51,2%…

Theo đó, dịp Tết Nguyên đán, ngành Du lịch đón 10,5 triệu lượt khách nội địa, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó có khoảng 3,5 triệu lượt khách lưu trú (tăng 75% so với cùng kỳ năm 2023). Công suất phòng trung bình ước đạt khoảng từ 45 - 50% tại hệ thống cơ sở lưu trú du lịch. Về khách quốc tế, ghi nhận ở một số địa phương cho thấy, số lượng khách tăng cao. Đà Nẵng đón gần 177.000 lượt; Hà Nội đón gần 103.000 lượt; Ninh Bình đón gần 100.000 lượt; Quảng Nam là 97.000 lượt; Quảng Ninh đón 89.767 lượt; TP Hồ Chí Minh đón 75.000 lượt… Đây là những tín hiệu vui, vì mùa lễ hội còn dài. Như vậy, mục tiêu đón 17 - 18 triệu khách quốc tế, 110 triệu khách nội địa của du lịch Việt Nam trong năm 2024 đang bắt đầu với những tín hiệu vui từ các lễ hội mùa xuân.

Không lợi dụng lễ hội để trục lợi

Mùa lễ hội 2024 đánh dấu lần đầu tiên “Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống” do Bộ VH - TT&DL ban hành ngày 3/8/2023 được triển khai tại các địa phương nhằm hướng tới một mùa lễ hội an toàn, văn minh, lành mạnh.

Việt Nam có rất nhiều lễ hội, đến thời điểm này, theo thống kê của Bộ VH - TT&DL, cả nước có hơn 8.000 lễ hội từ cấp Trung ương đến cấp địa phương. Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các lễ hội của chúng ta được tổ chức rất bài bản, giữ gìn và phát huy được phong tục truyền thống, tạo sự đồng tình, ủng hộ và phấn khởi cho Nhân dân. Tuy nhiên, một số lễ hội cũng đã bắt đầu có dấu hiệu bị biến tướng, có tình trạng lợi dụng lễ hội để thương mại hóa, không đúng với tính chất của lễ hội.

Bộ trưởng Bộ VH - TT&DL Nguyễn Văn Hùng nêu rõ: Lễ hội nào là của nhân dân phải do nhân dân đứng ra tổ chức và phải cam kết trước chính quyền về việc tổ chức lễ hội để không bị biến tướng, không làm xấu đi hình ảnh văn hóa truyền thống. Những lễ hội nào do Nhà nước chủ trì thì phải làm đúng trọng tâm, trọng điểm, có sức lan tỏa.

Trước thềm Tết Nguyên đán 2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có một loạt công văn gửi các địa phương có những lễ hội thu hút đông người tham dự như: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, yêu cầu các địa phương giám sát chặt chẽ các hoạt động lễ hội.

Bên cạnh đó, Bộ tiêu chí góp phần cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; tăng cường đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, tổ chức lễ hội ở cơ sở. Thông qua đó, các địa phương xây dựng môi trường văn hóa lễ hội văn minh, lành mạnh; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc và lan tỏa trong đời sống xã hội.

Đồng thời, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân, du khách về xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh khi tham gia lễ hội. Việc sử dụng Bộ tiêu chí còn nhằm mục tiêu chuẩn hóa xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống. Đồng thời là công cụ, thước đo đánh giá năng lực công tác quản lý nhà nước, hiệu quả tổ chức lễ hội ở địa phương.

Theo bà Ninh Thị Thu Hương - Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH - TT&DL), việc cụ thể hóa các tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa tại di tích, lễ hội là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả tổ chức hoạt động lễ hội theo hướng văn minh, lành mạnh, tiết kiệm, hợp lòng dân. Bài trừ các nghi lễ có tính bạo lực và các hành vi phản cảm, lệch chuẩn. Khi tổ chức các lễ hội cần ngăn chặn và xử lý nghiêm vi phạm. Đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép. Không để việc tổ chức dâng sao giải hạn biến tướng thành dịch vụ mang tính trục lợi. Phát ấn cần đúng với nguồn gốc lịch sử của di tích, lễ hội. Không để các đối tượng lợi dụng, lôi kéo đông người tại lễ hội để tuyên truyền, quảng bá các hoạt động có dấu hiệu tà đạo, mê tín dị đoan, trái với thuần phong mỹ tục, vi phạm quy định về thực hiện nếp sống văn minh. Đặc biệt, cần chú trọng nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các cấp trong việc xây dựng kế hoạch kịch bản, phương án tổ chức lễ hội.

Bà Ninh Thị Thu Hương cho biết, Cục Văn hóa cơ sở đã có văn bản hướng dẫn các địa phương áp dụng những tiêu chí về môi trường văn hóa vào công tác quản lý, tổ chức lễ hội và sẽ tiếp tục tổng hợp, theo dõi công tác tổ chức triển khai bộ tiêu chí của các địa phương trong mùa lễ hội năm 2024.

“Năm 2024, các lễ hội cần được tổ chức trang trọng, thiết thực; phù hợp với quy mô, nội dung của lễ hội. Lễ hội truyền thống sẽ được tổ chức theo đúng bản chất, ý nghĩa lịch sử - văn hóa; xây dựng môi trường văn hóa lễ hội văn minh, lành mạnh; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc và lan tỏa trong đời sống xã hội; từng bước loại bỏ những tập tục, tập quán lạc hậu”, bà Ninh Thị Thu Hương nhấn mạnh.

Quyết liệt chống các hiện tượng lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội để trục lợi

Trước thềm Tết Nguyên đán 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 11/CĐ-TTg ngày 30/1/2024 về việc bảo đảm nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội Xuân 2024. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Tổ chức các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, tiết kiệm.

Theo đó, Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương: Tăng cường công tác quản lý nhà nước, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các tổ chức tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng thực hiện tốt các quy định của pháp luật, tổ chức các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục, tập quán tốt đẹp của từng địa phương. Không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, biến tướng, lệch chuẩn xã hội, lợi dụng các hoạt động tâm linh nhằm trục lợi, không đốt đồ mã, vàng mã tràn lan gây tốn kém, lãng phí hoặc không đúng nơi quy định tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo.

Hướng dẫn, vận động các tổ chức, cá nhân không đốt đồ mã, vàng mã tràn lan gây tốn kém, lãng phí, bảo đảm an toàn, bảo vệ môi trường, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, dâng sao giải hạn, gọi hồn, cúng vong, trục vong, cúng oan gia trái chủ, phản văn hóa, trục lợi tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo; có các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn, phòng, chống cháy nổ tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở thờ tự, cơ sở tôn giáo.

Tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính, không sử dụng xe công đi lễ hội…

Đọc thêm