Vì mục tiêu xây dựng thành phố Cảng văn minh, hiện đại

 Phát huy trí tuệ và trách nhiệm của đảng viên, các đồng chí nguyên lãnh đạo thành phố và lãnh đạo sở, ban, ngành đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, làm rõ hơn các giải pháp, định hướng phát triển thành phố những năm tới.

Thường trực Thành ủy vừa tổ chức lấy ý kiến của các đồng chí nguyên lãnh đạo thành phố các thời kỳ và lãnh đạo các sở, ban, ngành tham gia xây dựng các văn kiện Đại hội 11 của Đảng và Báo cáo chính trị trình Đại hội 14 Đảng bộ thành phố. Phát huy trí tuệ và trách nhiệm của đảng viên, các đồng chí nguyên lãnh đạo thành phố và lãnh đạo sở, ban, ngành đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, làm rõ hơn các giải pháp, định hướng phát triển thành phố những năm tới.

Cơ cấu lại nền kinh tế
Phó chủ tịch UBND thành phố Đan Đức Hiệp cho rằng, ngoài các giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, cần hướng đến mục tiêu tăng trưởng bền vững và thể hiện rõ nét, xuyên suốt nội dung này trong quá trình phát triển kinh tế. Ở lĩnh vực công nghiệp, thành phố nên ưu tiên cho phát triển công nghiệp phụ trợ, bởi trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, nước ta phát triển công nghiệp theo chiều rộng quá lâu, ngành công nghiệp phụ trợ chưa được quan tâm đúng mức. Do đó, nhiệm vụ trong giai đoạn 2010-2020, công nghiệp cần phát triển theo chiều sâu. Muốn vậy cần quan tâm đến chất lượng tăng trưởng, giải quyết tốt vấn đề phát triển điểm và diện. Thực tế, Chính phủ thực hiện thí điểm thành lập một số tổng công ty, tập đoàn kinh tế Nhà nước. Đây là chủ trương đúng, nhưng do chưa đánh giá, tổng kết rút kinh nghiệm đã triển khai trên diện rộng, dẫn tới hậu quả  nhiều tổng công ty, tập đoàn làm kinh tế hoạt động không hiệu quả, thua lỗ, gây hậu quả, lãng phí lớn, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân. Do đó, khi tiến hành thí điểm cần tập trung chỉ đạo thật tốt mới triển khai trên diện rộng. Việc tái cơ cấu nền kinh tế, cùng với tái cấu trúc ngành, vùng, cần quan tâm đến tái cấu trúc doanh nghiệp nhằm bảo đảm phát triển cân bằng, tránh tình trạng phát triển ồ ạt, không hiệu quả. Việc tái cơ cấu đầu tư cần được xem xét, nên ưu tiên dự án đầu tư có công nghệ hiện đại, sử dụng nhiều chất xám.
Phó giám đốc Sở Công Thương Phạm Văn Phương đồng tình với quan điểm ưu tiên phát triển công nghiệp phụ trợ và cho rằng, thành phố nên ưu tiên đầu tư các ngành công nghiệp điện, điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin, sản xuất thiết bị y tế, nghiên cứu khoa học, kiểm tra chất lượng sản phẩm, công nghiệp phụ trợ, công nghệ na-nô, vật liệu nhẹ, siêu nhẹ, không nung... vì đây là những ngành công nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường, giá trị kinh tế lớn. 

Quá nhiều trung tâm
Ông Nguyễn Đức Vịnh, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy nêu ý kiến: Trong định hướng phát triển kinh tế-xã hội của thành phố, Hải Phòng phấn đấu xây dựng quá nhiều trung tâm tầm cỡ vùng, khu vực và cả nước như: Trung tâm tài chính, Trung tâm nghiên cứu-ứng dụng và chuyển giao công nghệ, trung tâm kinh tế biển, trung tâm tài chính-ngân hàng, trung tâm du lịch, trung tâm sản xuất giống, trung tâm thể thao… Tuy nhiên, dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội 11 của Đảng chỉ ghi “hình thành 4 trung tâm thương mại, dịch vụ lớn, vừa là trung tâm giao thương trong nước, vừa là cửa ngõ giao thương với nước ngoài tại thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ”. Như vậy, Hải Phòng-thành phố lớn thứ 3 cả nước, là cửa ngõ chính ra biển của khu vực phía Bắc, từng có thời kỳ đi đầu, điểm sáng về thương mại, xuất khẩu… không được Trung ương chọn là trung tâm thương mại-dịch vụ lớn, trong khi đó xét về mọi mặt Hải Phòng không thua kém Đà Nẵng, Cần Thơ mà có những mặt còn thuận lợi hơn. Để Hải Phòng thực sự trở thành trung tâm không thể tự mình suy tôn mà phải được Trung ương đặt trong quy hoạch, có sự đầu tư mạnh về nhiều mặt mới khả thi.
Ông Vịnh đề nghị thành phố nên tập trung nguồn lực đầu tư cho một vài trung tâm lớn, tránh dàn trải. Bên cạnh đó, thành phố cần kiến nghị với Trung ương đưa Hải Phòng vào danh sách địa phương xây dựng trung tâm dịch vụ-thương mại lớn của cả nước. Như vậy mới có điều kiện phát huy hết tiềm năng, thế mạnh, vị trí địa chính trị của Hải Phòng, 1 trong 5 đô thị trực thuộc Trung ương.

Quy hoạch phát triển nông thôn theo hướng hiện đại
Ông Trần Trọng Sót, nguyên Giám đốc Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn cho rằng: Sản xuất nông nghiệp của Hải Phòng năng suất thấp, giá thành cao nên nông nghiệp không phát triển. Do đó, để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, thành phố cần có chương trình đưa cơ khí hóa vào nông nghiệp. Nên khuyến khích các hộ dân thực hiện việc tích tụ ruộng đất phát triển trang trại hoặc nuôi trồng thủy sản, áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật để nâng cao năng suất và hiệu quả đầu tư. Có như vậy, việc liên kết “4 nhà” mới hiệu quả. Với truyền thống thành phố công nghiệp lâu đời, Hải Phòng có điều kiện thực hiện cơ khí hóa nông nghiệp. Bên cạnh đó, để thực hiện CNH-HĐH nông nghiệp-nông thôn cần sớm thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp, nông thôn Hải Phòng theo hướng hiện đại. Thành phố nên giao ngành NN-PTNT và Xây dựng chủ trì, ngành Khoa học-Công nghiệp tham gia.
Liên quan đến thực hiện CNH-HĐH nông thôn, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Dương Đức Tùng đề nghị, dự thảo báo cáo chính trị cần đưa ra chỉ tiêu cụ thể, bởi dự thảo Báo cáo chính trị của Trung ương ghi rõ chỉ tiêu đến năm 2015 có 20% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới và tăng lên 50% vào năm 2020. Để thực hiện mục tiêu này, cần bám sát 19 tiêu chí do Bộ NN-PTNT ban hành.          

Hoàng Dũng

Đọc thêm