Đọc bài viết “Cải cách để có một nền giáo dục trung thực” của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đăng trên báo Tuổi Trẻ TP. Hồ Chí Minh (ngày 20-9-2010) và những tâm tư của bà khi nói chuyện với CLB Cán bộ trẻ thành phố Đà Nẵng (bài viết “Chọn cán bộ theo năng lực” - Báo Đà Nẵng ngày 6-9-2010) về sự kỳ vọng thay đổi diện mạo nền giáo dục Việt Nam mới hiểu hết tâm huyết, trăn trở của người từng giữ vị trí lãnh đạo đất nước.
Cải cách giáo dục Việt Nam không phải là vấn đề mới được đặt ra mà các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý giáo dục, các nhà giáo, các chuyên gia đã đề cập từ hơn 10 năm trước. Song đến nay, theo nhận định của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, những đổi mới vừa qua chẳng những không khắc phục được các yếu kém, bất cập của nền giáo dục mà còn làm tăng thêm tình trạng lạc hậu… Nguyên nhân là thiếu một tầm nhìn tổng thể, một kế hoạch đồng bộ dẫn đến cách đổi mới chắp vá.
Năm 1992, Đại hội lần thứ VII của Đảng đã khẳng định: “Cùng với khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo phải được coi là quốc sách hàng đầu”. Theo khẩu hiệu thì “giáo dục là quốc sách”, nhưng thực tế, giáo dục chưa thật sự được xem là quốc sách khi chương trình dạy - học không phù hợp với yêu cầu hiện đại, chế độ đãi ngộ dành cho giáo viên kém, nạn bằng cấp giả báo động... Cải cách giáo dục đã và đang được thực hiện một cách chậm chạp và không mang lại hiệu quả, khiến không ít người phải thốt lên rằng “Sao nền giáo dục Việt Nam càng được cải cách thì càng rối!”.
Cuộc vận động “2 không” (Nói không với bệnh thành tích và tiêu cực trong thi cử) của Bộ Giáo dục - Đào tạo dường như chỉ là “màn dạo đầu” cho việc cải cách, trong khi xã hội kỳ vọng vào những thay đổi mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn. Bởi lẽ, cải cách ở đây - theo bà Nguyễn Thị Bình - là thay đổi về quan điểm và chính sách, đồng thời có tầm nhìn cho 10-15 năm sau, chứ không chỉ đơn thuần chống căn bệnh thành tích trầm kha của ngành Giáo dục. Quả thật, có quá nhiều vấn đề đặt ra cho một cuộc cải cách giáo dục cơ bản và toàn diện trong thời gian tới như: nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy, chế độ cho giáo viên, yêu cầu đối với học sinh, yêu cầu thi cử, tiêu chí đánh giá, giáo dục học sinh về lý tưởng và kỹ năng sống...
Phát biểu với CLB Cán bộ trẻ của thành phố Đà Nẵng vào ngày 3-9 vừa qua, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cũng nhấn mạnh đến tính cấp thiết của việc cải cách giáo dục. Theo đó, cấp thiết phải cải cách giáo dục lạc hậu của Việt Nam, trước hết cải cách ở bậc phổ thông rồi đến bậc đại học, làm sao đào tạo được các thế hệ hội đủ kiến thức và nhân cách, không để sự gian dối trong ngành Giáo dục. Bà cho rằng, việc cải cách giáo dục không thể chậm trễ hơn được nữa bởi con người là yếu tố quyết định. Các nước đang phát triển muốn đi lên chỉ bằng những con người có trình độ, lòng quyết tâm, khao khát vươn lên.
Góp ý cho dự thảo văn kiện Đại hội lần thứ XX Đảng bộ thành phố Đà Nẵng, ông Nguyễn Quang Long - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú - cũng đầy tâm huyết khi cho rằng, ngành Giáo dục - Đào tạo của Đà Nẵng đang có những thành công nhưng muốn chống bệnh thành tích “không phải cứ hô hào, kêu gọi chung chung mà phải chống ở gốc. Cần đặt câu hỏi rằng, tại sao có nạn chạy trường, cả giáo viên và học sinh đều muốn dạy và học ở trường tốt, trường điểm…
Cần xem xét nguyên nhân cốt lõi chính là do sự đầu tư không công bằng. Trong 5 năm tới, làm sao để mặt bằng giáo dục chung của thành phố ở mức tương đối để mọi người thấy rằng, sự chênh nhau giữa trường này hay trường kia là ở khu vực trung tâm hay ngoại ô, chứ không chênh nhau về chất lượng” (Báo Đà Nẵng ngày 20-9-2010). Phát biểu của ông Long không chỉ là vấn đề của riêng Đà Nẵng mà đây chính là tình trạng của nhiều địa phương trên cả nước khi nạn chạy trường, chạy thành tích vẫn còn khá phổ biến.
Ở tuổi 84, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình vẫn còn phải đau đáu cho thế hệ tương lai của đất nước. Kỳ vọng của bà vào sự thay đổi giáo dục cũng là kỳ vọng của cả xã hội. Hầu hết mọi người đều hiểu rằng, đầu tư cho giáo dục tuy tốn kém nhưng là sự đầu tư bền vững và là gốc rễ của tương lai. Hiểu là một chuyện, còn hành động như thế nào lại là chuyện khác. Để thực hiện cải cách giáo dục cơ bản và toàn diện hoàn toàn không đơn giản. Một ngành Giáo dục - Đào tạo đơn lẻ sẽ không thực hiện nổi cuộc cách mạng to lớn này mà rất cần sự chung tay của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, các ngành, các địa phương cũng như các đơn vị giáo dục và mỗi giáo viên, học sinh, phụ huynh.
TÚ PHƯƠNG