Vì sao Bộ Y tế quyết liệt chống thuốc lá thế hệ mới?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những tranh luận xung quanh khung pháp lý của thuốc lá thế hệ mới vẫn chưa có hồi kết khi ý kiến giữa các bộ, ngành vẫn chưa thống nhất. Trong đó, Bộ Y tế kiên trì bảo vệ quan điểm cần cấm nhập khẩu và sản xuất các sản phẩm này tại Việt Nam. 

Trong năm 2020 và đầu năm 2021, với sự tài trợ và hợp tác của tổ chức Nhịp cầu Sức khỏe của Canada (HealthBridge), Bộ Y tế liên tục tổ chức các hội thảo và chuyên đề về chính sách kiểm soát đối với thuốc lá thế hệ mới. 

Chẳng hạn, ngày 01/7/2020, Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) tổ chức Hội thảo tập huấn, trao đổi thông tin báo chí về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Tại Hội thảo này, đại diện Bộ Y tế khuyến nghị ban hành các văn bản, quy định cấm mọi loại thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng tại Việt Nam.

Bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Y tế phát biểu tại Hội thảo.
Bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Y tế phát biểu tại Hội thảo. 

Tiếp đó, ngày 10/8/2020, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo chuyên đề về tình hình vi phạm quảng cáo, buôn bán và kinh doanh thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha. 

Bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Y tế phát biểu tại Hội thảo ngày 10/8/2020.
Bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Y tế phát biểu tại Hội thảo ngày 10/8/2020.

Tại Hội thảo, bà Trang cũng đại diện Bộ Y tế đề nghị Chính phủ không cho phép kinh doanh các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha. Bà Trần Thị Trang mong muốn, thông qua Hội thảo, các đại biểu cùng thảo luận để đưa ra các giải pháp cũng như tuyên truyền để người dân hiểu được những tác hại của thuốc lá gây ra, làm sao để các thế hệ người Việt Nam hiện nay và thế hệ sau không bị ảnh hưởng bởi tác hại của thuốc lá.

Ngày 25/9/2020, Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá và HealthBridge Việt Nam tiếp tục phối hợp tổ chức hội thảo trao đổi thông tin về các kiến nghị liên quan đến quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng dưới sự chủ trì của Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế Nguyễn Huy Quang.

Theo thông tin tại Hội thảo, Bộ Công thương đã đề xuất thí điểm cho phép các công ty đa quốc gia có thể nhập khẩu các loại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để sử dụng tại Việt Nam. Tuy nhiên, Bộ Y tế đã có công văn gửi Văn phòng Chính phủ đề xuất không nên thí điểm đối với trường hợp này và cần có các biện pháp mạnh để cấm nhập khẩu, sản xuất cũng như sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tại Việt Nam.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế Nguyễn Huy Quang phát biểu khai mạc hội thảo ngày 25/9/2020.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế Nguyễn Huy Quang phát biểu khai mạc hội thảo ngày 25/9/2020.

Ngày 12/11/2020, Bộ Y tế tiếp tục phối hợp với Tổng Hội Y học Việt Nam tổ chức Hội thảo cung cấp thông tin về Thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng tại Việt Nam với sự đồng hành của HealthBridge. 

 

Mới đây nhất, ngày 08/4/2021, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo cập nhật thông tin về tác hại của sản phẩm thuốc lá mới. TS. Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế tham dự và chủ trì Hội thảo dưới sự đồng hành của tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam. 

 

Tại Việt Nam, từ năm 2007, Quỹ từ thiện Bloomberg đã hỗ trợ dự án đầu tiên cho Văn phòng Chương trình PCTH của thuốc lá (VINACOSH) để triển khai các nghiên cứu, đánh giá ban đầu để vận động và xây dựng Luật PCTH của thuốc lá. Bên cạnh các nhà tài trợ khác như Alantic Philanthopies, Tổ chức y tế Thế giới, Quỹ từ thiện Bloomberg là nhà tài trợ lớn nhất về phòng, chống tác hại của thuốc lá tại Việt Nam.

Việc Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá mạnh mẽ và toàn diện, cho phép thành lập Quỹ PCTH của thuốc lá là một trong những thành công nổi bật với sự hỗ trợ của Quỹ Bloomberg.

Tổ chức HealthBridge được cho là có mối liên hệ thân thiết với quỹ Bloomberg tháng 11/2015, lãnh đạo của tổ chức này đã tham gia Đoàn công tác Việt Nam do PGS. TS. Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế làm trưởng đoàn tham dự Hội nghị thường niên của Quỹ từ thiện Bloomberg, Hoa Kỳ về phòng chống tác hại của thuốc lá (PCTH của thuốc lá).

HealthBridge là một trong những tổ chức phi chính phủ lớn tại Canada. Tại Việt Nam, HealthBridge bắt đầu hoạt động từ năm 1993. HealthBridge đã có nhiều đóng góp đối với Việt Nam thông qua các dự án về xây dựng luật phòng chống thuốc lá, rượu bia, chương trình dinh dưỡng và bình đẳng giới... HealthBridge đã tham gia tích cực cùng Bộ Y tế trong việc đưa ra đánh giá về Luật kiểm soát thuốc lá và cung cấp khuyến nghị dựa trên bằng chứng để sửa đổi quy định liên quan đến thuốc lá tại Nghị định 176 của Chính phủ.

Theo các chuyên gia, thực tế cho thấy, tổ chức phi chính phủ này đã và đang làm thay vai trò của Chính phủ trong việc lập hành lang pháp lý đối với thuốc thế hệ mới. Một chuyên gia cho tằng lẽ ra, các tổ chức chỉ nên dừng ở nhiệm vụ tuyên truyền phòng chống tác hại thuốc lá và đưa ra các cảnh báo dựa trên khoa học. Việc liên tục đồng hành tài trợ các hội thảo do Bộ Y tế đăng cai là một chỉ dấu cho thấy tổ chức này đang can thiệp sâu vào công tác thiết kế chính sách của Chính phủ Việt Nam.

Các chuyên gia cho rằng quan điểm cứng rắn của Bộ Y tế đối với các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới vì muốn bảo vệ sức khỏe cộng đồng là đáng hoan nghênh, tuy nhiên việc Bộ kiên quyết bài trừ sản phẩm này của mà không đếm xỉa đến các quy định pháp luật hiện hành cũng như không thừa nhận các tiến bộ công nghệ trên thế giới nhằm giảm thiểu tác hại của thuốc lá có thể là một bước đi sai lầm, nhất là trong bối cảnh Bộ Y tế liên tục tổ chức các diễn đàn bày tỏ quan điểm dựa trên việc hợp tác và tài trợ của một tổ chức nước ngoài như Health Bridge.

Đặc biệt, trong bối cảnh thuốc lá truyền thống được cho là có tác hại hơn vẫn đang hiện hữu trên thị trường, Việt Nam mỗi năm đang thất thu ngân sách 8.500 hàng năm từ thuốc lá lậu, và tình hình thuốc lá thế hệ mới nhập lậu đang hoành hành trên thị trường vì thiếu vắng chính sách quản lý.

Điều này càng trở nên có cơ sở hơn khi dư luận toàn cầu cũng đang đặt ra những nghi ngờ với tổ chức từ thiện Bloomberg Philanthropies của tỷ phú Michael Bloomberg đã sử dụng tiền và ảnh hưởng của mình để hạn chế việc sử dụng vaping (một loại thuốc lá điện tử).

Nhưng những người hoạt động trong nhiều thập kỷ để giảm tử vong do hút thuốc nói rằng chiến dịch chống thuốc lá điện tử đang diễn ra là sai lầm, không có cơ sở khoa học và có khả năng gây hại nhiều hơn lợi.

Các bài báo và báo cáo khoa học chỉ ra rằng mặc dù hoạt động từ thiện của Michael Bloomberg có ý nghĩa quan trọng và có mục đích tốt, nhưng các nhóm nhận số tiền đó để vận động chính sách kiểm soát hạn chế thuốc lá đã mắc phải sai lầm chết người khi đánh đồng thuốc lá điện tử với thuốc lá truyền thống để đưa ra các kiến nghị cấm hoàn toàn.

Và theo các chuyên gia quốc tế, việc hạn chế tiếp cập vào các sản phẩm thuốc lá điện tử sử dụng công nghệ mới trong khi vẫn để thuốc lá truyền thống có tác hại hơn trên thị trường là sai lầm.

* Ông Bùi Quang Nghiêm, Giám đốc Công ty Luật Nghiêm và Chính, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM: 

Quan điểm của Bộ Y tế là trên cơ sở vì lợi ích sức khỏe của chính người dùng và cộng đồng. Tuy nhiên tôi nghĩ nên tiếp cận vấn đề toàn diện hơn, tập trung vào những điều chúng ta có thể làm chứ không phải cái chúng ta mong muốn. 

Một mặt đề nghị cấm kinh doanh mặt hàng này là không phù hợp với luật hiện hành. Mặt khác, chúng ta ai cũng biết thuốc lá không có lợi cho sức khỏe của con người, nhưng thực tế nhiều năm qua cho thấy đây là một nhu cầu của người trưởng thành, nó sẽ luôn tồn tại, và khó có thể biến mất. Đã có cầu chắc chắn sẽ có cung và nếu chặn đứng nguồn cung chính thức, hợp pháp trong nước, người tiêu dùng sẽ tìm đến các nguồn cung bất hợp pháp. Và điều đặc biệt tôi muốn nhấn mạnh là nếu thuốc lá thế hệ mới ít gây tác hại so với thuốc lá điếu, so sánh giá cả bằng nhau hoặc rẻ hơn, tiện dụng hơn, ít ô nhiễm môi trường hơn thì tại sao lại đề nghị cấm dòng sản phẩm này trong khi thuốc lá điếu lại được kinh doanh?

Do đó, chúng ta cần nhìn nhận biện pháp phòng chống thuốc lá lậu thế hệ mới hiệu quả nhất không phải là cấm, mà là kiểm soát nguồn cung trong nước, đảm bảo tiêu chuẩn, an toàn, sản phẩm nguồn gốc rõ ràng cho người sử dụng, tức là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Khi nguồn cung hợp pháp đó được đảm bảo, hàng lậu sẽ giảm, như vậy Nhà nước vừa không thất thu ngân sách vừa đỡ vất vả trong việc chống hàng lậu. Người tiêu dùng nếu vẫn chọn hút thuốc thì ít nhất là cũng được tiếp cận các sản phẩm được sản xuất hợp pháp, thông tin minh bạch rõ ràng về thành phần và các nguy cơ rủi ro, được kiểm soát về chất lượng, độ an toàn như nồng độ tar, nicotine…

* Bà Phan Minh Thủy, Trưởng phòng  Xây dựng Pháp luật, Ban Pháp chế, VCCI:

Theo như ước tính của WHO thì đến 2025 vẫn có hơn khoảng 1 tỷ người sử dụng thuốc lá điếu trên toàn cầu và các chuyên gia cho rằng việc cấm là không khả thi vì nếu cấm lại tạo thêm cơ hội cho các nguồn hàng lậu, bất hợp pháp, các sản phẩm rẻ tiền tồn tại sẽ mang lại nhiều rủi ro cho quốc gia và nhiều nguy cơ cho sức khỏe hơn. Do đó, việc cấm là việc cần hết sức cân nhắc và xem xét. 

Hiện nay tại Việt Nam, Luật Đầu tư có quy định, trong đó có 6 nghề đầu tư kinh doanh phải cấm thì không có nghề kinh doanh thuốc lá, do đó đối với sản phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe như thế này thì chúng ta sẽ đưa vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện và chắc chắn sẽ được quản lý một cách nghiêm ngặt. 

Để kiểm soát tác hại của thuốc lá trên thế giới thì WHO hoặc một số cơ quan như Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ FDA đã đưa ra một loạt các quy định hướng dẫn quản lý, ví dụ như khuyến cáo về tác hại của thuốc lá ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, những quy định ngăn ngừa khả năng tiếp cận sớm của giới trẻ đối với thuốc lá.

(Trích phát biểu tại Tọa đàm về Khung pháp lý cho Thuốc lá Thế hệ mới

do Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức)

Đọc thêm