Khuấy động sợ hãi tiềm thức của người xem
Phim kinh dị “Ma đói: Mật mã 45” của đạo diễn nổi tiếng Lương Đình Dũng sẽ phát hành năm 2021 kì vọng sẽ tạo ra một bộ phim gây ám ảnh không chỉ đơn thuần là do hù dọa hay với những hình ảnh ghê rợn. Lương Đình Dũng chia sẻ, “Ma đói: Mật mã 45” sẽ đưa người xem vào sống trong một thế giới sợ hãi giữa đời thực.
“Ma đói: Mật mã 45” của Lương Đình Dũng xoay quanh một gia đình nọ khi họ quyết định dành cả mùa hè để tham gia vào chuyến du lịch khám phá con tàu bỏ hoang. Một chuyến đi tưởng chừng vui vẻ lại hóa địa ngục kinh hoàng khi những người trên tàu bắt đầu có những biểu hiện kỳ lạ. Muốn sống sót, họ bắt buộc phải tìm ra quy luật sinh tồn. Trong quá trình đó, họ dần nhận ra một bí mật kinh khủng đang ẩn phía sau…
Đạo diễn Lương Đình Dũng cho biết, phương Đông là nơi còn ẩn chứa nhiều điều bí ẩn, phần còn lại của thế giới khán giả chưa thể khám phá đến tận cùng. “Ma đói: Mật mã 45” là phim kinh dị có lẽ là đầu tiên lấy chủ đề về ma đói, nó là sự nổi trội trong dòng phim kinh dị hiện nay.
“Có nhiều hướng tiếp cận để làm phim kinh dị, tôi sẽ chọn cách đi khác và đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về chủ đề này. Có thể nói, tôi đã tìm ra một khoảng trống lớn để đưa bộ phim của tôi vào trong đó”, theo đạo diễn.
Phim kinh dị luôn là món ăn tinh thần giúp khán giả thoát ly hoàn toàn khỏi thế giới thực tại, quên bẵng đi những căng thẳng, vất vả thường nhật, dù chỉ là trong chốc lát. Nó đã khuấy động những sợ hãi tiềm thức của người xem. Đơn giản con người ta luôn muốn thấy những thứ mà mình sợ, càng sợ càng muốn xem mà tò mò vốn là thứ bản năng lâu đời nhất của con người.
Phim kinh dị Việt Nam đã xuất hiện vào những năm 70 của thế kỷ 20. Khi đó, từng có một vài bộ phim thực sự kéo người xem đến rạp như “Lệ đá” (1971), “Con ma nhà họ Hứa” (1973). Vào đầu thập niên 1990, khán giả yêu điện ảnh Việt bắt đầu được chứng kiến sự trở lại của thể loại phim kinh dị với “Ngôi nhà oan khốc” và “Chiếc mặt nạ da người” của đạo diễn Nguyễn Chánh Tín.
Đầu những năm thế kỷ XXI, những bộ phim kinh dị đua nhau “trình làng” để hù dọa người xem mà gần đây nhất là "Thất sơn tâm linh", "Pháp sư mù"… Các bộ phim kinh dị vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Nhiều thử thách, gian khổ
Đối với các nhà sản xuất, phim kinh dị chưa bao giờ là dễ làm. Cái khó đầu tiên là truyền được nỗi sợ hãi đến với khán giả vì xem phim kinh dị mà không sợ là thất bại. Có nhiều cách để làm, chẳng hạn như hiệu ứng quay phim, cách kể chuyện, diễn xuất của diễn viên, thắt nút các sự kiện…
Dù nhiều bộ phim kinh dị đã “lên tay” nhưng vẫn rơi vào những "hạt sạn" không đáng có. Một số đạo diễn đã lạm dụng thủ pháp gây giật mình một cách bừa bãi gây nhàm chán cho người xem. Đó là chưa kể mạch phim rời rạc, cốt truyện lủng củng, khó hiểu, bất hợp lý.
Trong khi tại Hollywood rất nhiều phim kinh dị được xây dựng trên các câu chuyện có thực. Những câu chuyện này hoặc đã được đưa lên báo chí, hoặc được chính người trong cuộc viết thành tự truyện. Yếu tố này trước hết đảm bảo cho tính chân thực. Và qua bàn tay nhào nặn của các nhà sản xuất, đạo diễn họ có thể “thêm, bớt” để câu chuyện cuốn hút hơn mà không hề vi phạm nguyên tác. Nhưng tại Việt Nam, hầu hết phim kinh dị, các con ma chỉ xuất hiện ở… những giấc mơ.
Cái khó của các nhà làm phim kinh dị Việt đó là để qua được cửa kiểm duyệt. Luật Điện ảnh không cho phép những cảnh quay gây sợ hãi, bạo lực, hoang mang, truyền bá tệ nạn mê tín dị đoan. Bộ phim phải khẳng định ma quỷ không có thật, tất cả chỉ là ảo giác con người tạo ra. Vì những hạn chế này, hầu hết các phim chọn hướng pha lẫn nhiều thể loại, giảm nhẹ độ kinh dị hoặc sử dụng các thủ pháp khác nhau.
NSƯT Nguyễn Chánh Tín (Hãng phim Chánh Tín) từng thốt lên: “Làm phim kinh dị ở Việt Nam quá phức tạp và gian khổ, do phải trải qua quá nhiều khâu xét duyệt từ khi xin giấy phép cho đến khi hoàn tất hậu kỳ. Đó là chưa kể khi phim ra rạp lại bị cắt xén những hình ảnh, phân đoạn hấp dẫn, gây khó hiểu cho người xem”.
Để qua cửa kiểm duyệt, các phim kinh dị gần đây cho thấy các nhà làm phim Việt có vẻ đã biết né luật một cách thông minh, khôn khéo “bước qua lời nguyền” mà không lo bị “thổi còi”, để dần chinh phục khán giả Việt.
Ví như : "Chung cư ma", “Ngủ với hồn ma” đều có một con ma “ngang nhiên” tồn tại trên phim, nhưng để giải quyết đến cùng câu chuyện thì nhà làm phim luôn phải chấp nhận rằng con ma ấy là sản phẩm của sự ám ảnh, của nỗi khiếp sợ chứ không hề có thật. Chọn cách này có lẽ cũng là cách nửa vời của cái sợ, nửa vời hù dọa.
Dù khó khi qua cửa ải kiểm duyệt nhưng các đạo diễn thích làm phim kinh dị bởi đó là dòng phim… siêu lãi. Theo một đạo diễn, làm phim kinh dị không quá tốn tài chính hay phức tạp về bối cảnh như phim về chiến tranh, lịch sử… Một phim kinh dị, nếu đạo diễn giỏi, hóa trang tốt, một kịch bản thông minh thì với mức kinh phí khiêm tốn cũng có thể làm cả rạp phim... gào lên vì sợ!
Đạo diễn Lương Đình Dũng cũng tiết lộ nguồn cảm hứng của anh một phần lớn đến từ lợi nhuận khổng lồ mà dòng phim này mang lại. Phim kinh dị luôn nằm trong top những thể loại phim ăn khách và có doanh thu cao trong khi kinh phí sản xuất không đòi hỏi quá lớn.
Có thể kể đến một vài cái tên nổi bật như “Paranormal Activity” (Hiện tượng siêu nhiên) với kinh phí sản xuất là 15 nghìn USD nhưng doanh thu lên tới 193 triệu USD, “Phù thủy rừng Blair” (kinh phí sản xuất 60 nghìn USD và doanh thu 248 triệu USD); “Ringu” của Nhật Bản với kinh phí là 1,2 triệu USD và doanh thu là 137 triệu USD)…
Còn ở Việt Nam, không ít bộ phim hốt bạc như: “Đoạt hồn” của đạo diễn Hàm Trần chỉ trong 4 ngày trình chiếu đã có doanh thu 12 tỷ đồng. Sau 10 ngày công chiếu, “Quả tim máu” đã thu về 55 tỉ đồng, với hơn 700.000 lượt người xem. Ba bộ phim đạt doanh thu cao năm 2019: “Pháp sư mù” “chốt sổ” phòng vé được 59 tỷ đồng, “Thất sơn tâm linh” 50 tỷ, “Bắc kim thang” 42 tỷ đồng…
Có thể thấy phim kinh dị đang là mảnh đất màu mỡ của các nhà sản xuất. Dù khó nhưng các nhà sản xuất vẫn muốn sáng tạo nhiều bộ phim để đáp ứng nhu cầu thưởng thức phim kinh dị của khán giả Việt cũng như mong muốn phá vỡ kỷ lục doanh thu phòng vé.