Vì sao các nhà đầu tư nước ngoài không mặn mà mua nợ xấu?

(PLO) - VAMC đã mua hơn 45.000 tỷ đồng nợ gốc với giá trị trái phiếu đặc biệt thanh toán là 37.680 tỷ đồng. Tuy nhiên, số nợ xấu đã thu hồi mới đạt 450 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ thu hồi 1% dư nợ đã mua.

Trong bối cảnh không thể sử dụng tiền từ NSNN để xử lý nợ xấu, một luồng tiền mới cần được đưa vào để xử lý. Tuy nhiên, luồng tiền mới này dường như khó có thể đến từ các nhà đầu tư nước ngoài. Một câu hỏi đặt ra là vì sao?

Nhiều vướng mắc về pháp lý chưa thể gỡ bỏ

Thứ nhất, liên quan đến thế chấp quyền sử dụng đất (QSDĐ), theo quy định tại Luật đất đai và Luật đất đai sửa đổi, chỉ các tổ chức tín dụng (TCTD) được phép hoạt động tại Việt Nam mới được phép nhận thế chấp QSDĐ, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hay doanh nghiệp nước ngoài đều không được phép nhận thế chấp QSDĐ. Trên thực tế, chỉ có các TCTD, VAMC và DATC được phép mua nợ xấu được đảm vảo bằng tài sản thế chấp là QSDĐ, không doanh nghiệp nước ngoài hoặc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nào được phép mua các khoản nợ này.

Thứ hai, liên quan đến hoạt động kinh doanh bất động sản (BĐS), theo quy định của Luật kinh doanh BĐS năm 2006, để tham gia hoạt động kinh doanh BĐS, tổ chức, cá nhân nước ngoài phải thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài không được phép trực tiếp tham gia hoạt động kinh doanh BĐS.

Ngoài ra, phạm vi hoạt động kinh doanh BĐS mà các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được phép thực hiện giới hạn ở: i) đầu tư tạo lập các công trình xây dựng để bán hoặc cho thuê; ii) đầu tư cải tạo đất và đầu tư các công trình hạ tầng trên đất để cho thuê đất đã có hạ tầng; iii) cung cấp các dịch vụ kinh doanh BĐS, bao gồm dịch vụ môi giới BĐS, dịch vụ định giá BĐS và các dịch vụ tư vấn BĐS. Cũng theo Luật kinh doanh BĐS, thậm chí kể cả trường hợp doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có được QSDĐ, họ cũng không được phép chuyển nhượng lại đất.

Với những quy định nêu trên sẽ hạn chế việc chuyển nhượng hay cho thuê QSDĐ hoặc công trình xây dựng của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư nước ngoài không có thể không đổ vào thị trường BĐS, và do đó, thị trường BĐS có thể rơi vào tình trạng đình trệ. Kết quả là quyền đòi nợ được đảm bảo bằng BĐS không thực sự hấp dẫn đối với người mua (đặc biệt đối với nhà đầu tư nước ngoài) và điều này trở thành một trong những yếu tố ngăn cản việc bán nợ xấu có tài sản đảm bảo là BĐS.

Vướng quy định hạn chế về đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp

Một số khoản nợ xấu được đảm bảo bằng cổ phần trong doanh nghiệp nợ. Vì vậy, một số nhà đầu tư có thể mua nợ xấu nhằm sở hữu cổ phần tại doanh nghiệp nợ bằng phương thức chuyển nợ thành cổ phần (DES). Tuy nhiên, do một số ngành nghề kinh doanh chưa mở cửa hoặc chỉ mở cửa một phần cho nhà đầu tư nước ngoài do luật pháp hiện hành quy định hạn chế tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp Việt Nam đối cới một số ngành nghề kinh doanh. Ngoài ra, đối với các công ty đại chúng, tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài bị hạn chế ở tỷ lệ 49%.

Vì vậy, cho dù các nhà đầu tư nước ngoài được mua nợ xấu, trong một số trường hợp, vẫn có những hạn chế đối với nhà đầu tư nước ngoài theo phương thức mua cổ phần của doanh nghiệp nợ bằng phương thức chuyển nợ thành cổ phần hoặc phương thức xử lý tài sản đảm bảo. Những hạn chế này không khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài mua nợ xấu.

Chưa có thị trường mua bán nợ xấu

Hiện tại, có nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài muốn mua nợ xấu. Tuy nhiên, một thị trường mua bán nợ xấu vẫn chưa được hình thành một cách hoàn chỉnh. 

Cụ thể: chưa có một hệ thống trung tâm quản lý thông tin về nợ xấu (bao gồm cả thông tin liên quan đến doanh nghiệp nợ, tài sản đảm bảo, lịch sử thu hồi nợ và lịch sử giao dịch); các quy định về công bố thông tin cho phép các nhà đầu tư dễ dàng và nhanh chóng tiếp cận các thông tin về nợ xấu nói trên; các cơ chế xúc tiến và đơn giản hóa thủ tục đăng lý chuyển nhượng tài sản đảm bảo… Do đó, việc thực hiện các giao dịch mua bán nợ xấu vẫn mới chỉ dừng lại ở mức tiềm năng.

Với những vướng mắc liên quan đến thể chế nêu trên, việc các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào đầu tư, mua, bán các khoản nợ xấu sẽ bị hạn chế rất nhiều, đồng nghĩa với luồng vốn ngoại tham gia vào quá trình xử lý nợ xấu sẽ không nhiều.

Đọc thêm