Nhiều ưu đãi cho “con cưng”
Theo các quy định, hướng dẫn hiện hành, cơ cấu tính giá xăng E5 hiện nay có nhiều ưu đãi hơn so với xăng A95. Thứ nhất, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng A95 là 10% trong khi đó xăng E5 chỉ 8%. Thứ hai, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng A95 là 3.000 đồng/lít, trong khi xăng E5 là 2.850 đồng/lít. Thứ ba, mức trích lập Quỹ Bình ổn giá đối với xăng A95 là 300 đồng/lít trong khi đó xăng E5 không áp dụng việc trích lập Quỹ...
Theo đại diện của Cty TNHH MTV Dầu khí TP Hồ Chí Minh (Saigon Petro) điều ưu đãi thứ 3 đối với xăng E5 thực sự là điều bất cập. Bởi xăng khoáng phải trích nộp Quỹ bình ổn giá nhưng không được trích dùng trong khi đó xăng E5 không phải nộp quỹ thì lại đương nhiên được trích dùng ở mức khá cao.
Cụ thể, kể từ ngày chính thức ngừng bán xăng A92, xăng E5 được nhận từ nguồn trích quỹ Bình ổn giá như sau: kỳ điều hành thứ nhất vào ngày 04/01/2018, Liên bộ Công thương - Tài chính quyết định chi sử dụng 857 đồng/lit; kỳ điều hành thứ hai (vào ngày 19/01) tiếp tục chi 857 đồng/lit; kỳ điều hành thứ ba (ngày 03/02) giảm chi, còn 600 đồng/lit nhưng đến kỳ điều hành thứ tư (ngày 21/02), mức trích quỹ tăng gần gấp đôi, lên 1.141 đồng/lit và kỳ điều hành gần đây nhất, ngày 08/3 mức trích quỹ giảm còn 704 đồng/lit.
Như vậy, có thể nói, xăng A95 hiện nay đang có nhiệm vụ… gánh bớt giá cho xăng E5 để giá xăng E5 luôn được duy trì ở mức thấp hơn khoảng ít nhất từ 1.600 đồng so với giá xăng A95. Nói một cách đơn giản hơn “đứa con ghẻ A95” đang phải lo cho “đứa con cưng E5” để E5 có thể hoàn thành “sứ mệnh” của mình.
Nhưng dường như các công ty đầu mối nhập khẩu và phân phối xăng dầu vẫn chưa cảm thấy hài lòng với mức giá này khi mới đây, sau khi viện dẫn rất nhiều số liệu cho thấy xăng E5 chưa tiêu thụ được như Chính phủ đã từng kỳ vọng, Saigon Petro đã gửi lên Bộ Công Thương một kiến nghị đầy táo bạo. Theo đó, Saigon Petro đề nghị tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng A95, giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng E5 để xăng E5 có giá tốt hơn nữa mới có thể được tiêu dùng nhiều hơn như mong muốn.
Giá bán có phải là lý do duy nhất?
Tuy nhiên, phải nhắc lại rằng, trước khi đề án thay thế toàn bộ xăng A92 bằng xăng E5 được triển khai, rất nhiều doanh nghiệp đầu mối phân phối đều cho rằng, mức chênh lệch giữa 2 loại xăng cần luôn giữ ở mức trên 1.000 đồng/lit. Thực tế, kể từ thời điểm chính thức dừng bán xăng A92, giá xăng A95 luôn cao hơn xăng E5 trên 1.600 đồng/lit. Nhưng rồi doanh nghiệp đầu mối vẫn kêu và đòi phải giảm thuế để mức chênh lệch cao hơn nữa mới mong xăng E5 được người tiêu dùng lựa chọn nhiều hơn. Vậy, vấn đề của xăng E5 có phải bắt nguồn từ giá cả?
Tổng giám đốc một công ty phân phối xăng dầu đã từng cho rằng, khi tiêu dùng người dân thường ít để ý đến việc đấy là loại xăng nào, họ chỉ nhìn vào giá cả để đổ xăng và khi mức chênh lệch ở mức trên 1.500 đồng/lit thì chắc chắn người tiêu dùng sẽ lựa chọn xăng E5. Tuy nhiên thực tế lại không đơn giản như vậy.
Theo khảo sát của báo PLVN, hiên nay, rất nhiều cửa hàng xăng dầu của Petrolimex chỉ bán xăng E5 và những cửa hàng còn lại chỉ xuất hiện thêm 1 cây xăng A95 bên cạnh 3-4 cây xăng E5. Vì vậy nhiều người tiêu dùng khẳng định, chỉ khi không còn sự lựa chọn nào khác họ mới phải đổ xăng E5 để đi. Giá cả chênh lệch không phải là sự lựa chọn của khách hàng mà chất lượng xăng E5 mới chính là điều mà người tiêu dùng e ngại.
Trên diễn đàn otofun đã từng xuất hiện những đề nghị cần phải công khai thử nghiệm chất lượng xăng E5 để người tiêu dùng yên tâm lựa chọn. Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cũng đề xuất “Cần phải thử nghiệm chất lượng xăng E5, nếu có vấn đề thì thay đổi, nếu không phải có chế tài để tăng lượng tiêu dùng xăng E5”. Nhiều chuyên gia khác cũng đã nêu ý kiến cần nghiên cứu và khắc phục sớm những nghi ngại của người tiêu dùng về chất lượng xăng E5.
Chắc hẳn đây cũng là mong muốn của nhiều người dân. Bởi chỉ khi làm được công việc này thì những lo ngại về xăng E5 mới có thể chấm dứt và người tiêu dùng sẽ lựa chọn xăng E5 dù lúc ấy mức giá chênh lệch không nhiều như hiện nay.