Vì sao giá gas tăng mạnh?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Các loại hình dịch vụ nhà hàng đã được mở cửa trên toàn quốc nhưng hầu hết đều đang gặp khó khăn khi gas - một chi phí đầu vào quan trọng đang tăng giá đến 25% chỉ trong vòng 4 tháng.
Giá gas tăng tới 25% chỉ trong vòng 4 tháng.
Giá gas tăng tới 25% chỉ trong vòng 4 tháng.

Theo thông tin mới nhất từ các nhà cung cấp gas, từ 01/10, mỗi bình gas loại 12kg đến tay người tiêu dùng tiếp tục tăng thêm khoảng 40.000 đồng/bình.

Cụ thể, Công ty Cổ phần Kinh doanh LPG Việt Nam thông báo giá bán bình 12kg lên từ 436.000 đồng ở khu vực miền Bắc (chênh lệch tăng vài nghìn đồng/bình ở các địa bàn khác nhau, trong đó cao nhất là Điện Biên với mức giá 462.000 đồng/bình), khu vực miền Nam và TP Hồ Chí Minh có mức giá 460.900 đồng/bình;

Công ty TNHH MTV Dầu khí TP Hồ Chí Minh (Saigon Petro) thông báo mức giá duy nhất 461.500 đồng/bình 12kg; Công ty TNHH Sài Gòn Dầu khí Hà Nội cũng thông báo mức giá 461.500 đồng/bình 12kg, tăng đến 42.000 đồng/bình so với tháng 9/2021.

Đây là tháng thứ 5 liên tiếp giá gas “leo thang” với mức tăng cao nhất trong đợt dịch lần thứ tư. Kể từ tháng 6 đến tháng 10, giá mặt hàng này đã tăng 8.375 đồng một kg, tương đương mức tăng 100.500 đồng/bình 12kg. Điều này khiến cho nhiều nhà hàng sau 2 tháng đóng cửa chưa kịp mừng vì được phép mở hoạt động trở lại phải “khóc dở, mếu dở” vì đầu tháng 10 đã gặp phải “cú sốc” giá gas.

Ông Lê Hiếu Trung, quản lý chuỗi nhà hàng Ẩm thực Tây Bắc (Hà Nội) cho biết, hầu như giá tất cả các loại thực phẩm đã ổn định, tất cả các đầu mối cung cấp thực phẩm đã gửi bản chào giá sản phẩm với mức giá trở lại như trước khi có dịch, duy nhất giá gas liên tục tăng lên. Trong thời gian chưa được mở lại nhà hàng, giá gas cũng đã tăng nhưng ông Trung cũng như nhiều chủ nhà hàng khác vẫn hy vọng giá mặt hàng này sẽ “hạ nhiệt”. Nhưng đến thời điểm này, gas vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”.

Đại diện một chuỗi nhà hàng Nhật ở Hà Nội cũng cho biết, hầu hết dịch vụ nhà hàng đều sử dụng gas, chi phí cho loại nhiên liệu này cũng khá cao, chiếm khoảng 10% chi phí đầu vào. Thời gian hiện nay, hầu như mọi người dân đều vất vả hơn do dịch Covid-19 nhưng theo khảo sát của PLVN, chưa nhà hàng nào nghĩ đến chuyện tăng giá, thay vào đó sẽ phải tìm cách tiết giảm các chi phí khác để bù cho phần chi phí nhiên liệu tăng cao trong mấy ngày qua.

Bà Lê Phương Hồng (chủ một cửa hàng chuyên cấp đổi gas ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, rất nhiều người đã gọi đến để hỏi về giá gas và hầu hết đều chưa đặt thay bình gas khi nghe báo giá.

“Cũng phải vài năm rồi tôi mới gặp lại tình trạng người tiêu dùng khảo giá khi thay bình gas. Bởi vài năm nay, giá gas liên tục ổn định, thường thì ít người hỏi mà chỉ thông báo thay gas là mình chuyển đến nhà cho họ thôi. Không biết đến khi nào giá gas mới hạ? Những đơn vị phân phối như chúng tôi rất không muốn tăng giá vào thời điểm này”, bà Hồng nói.

Chưa hết, bà Hồng cũng lo lắng tình hình giá gas “leo thang” như hiện nay sẽ tác động rất lớn đến doanh thu của cửa hàng bởi suốt thời gian qua, do các nhà hàng đóng cửa, nguồn thu chủ yếu của đại lý cũng giảm mạnh theo. Số lượng người tiêu dùng nhỏ lẻ vẫn còn nhưng không đáng kể so với lượng cung cấp cho các nhà hàng số lượng lớn.

Chủ cơ sở này cho biết thêm, các đại lý thời điểm này ở tình trạng “khó khăn nhân đôi” bởi hệ thống cung cấp sỉ căn cứ số lượng tiêu thụ mới được giao giá tốt mà hiện nay số lượng bán ra chưa được 30% so với thời điểm trước dịch. Cùng với đó, các nhà hàng mối quen lại đang mong muốn được hỗ trợ giá vì họ cũng không thể tăng giá bán lên để bù lại chi phí giá gas tăng.

Theo đại diện một công ty chuyên cung cấp gas cho các đại lý, từ khi diễn ra đợt dịch Covid-19 lần thứ tư, giá nhiên liệu này liên tục đi lên, thậm chí tăng cao. Đây cũng không phải là chuyện quá bất ngờ vì loại nhiên liệu này phụ thuộc vào giá thế giới. Trong khi thế giới đang gặp khó về nguồn cung và Việt Nam mới chỉ chủ động được khoảng 60% nhu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, chi phí vận chuyển tăng cao do những khó khăn chung trên toàn cầu thì việc gas tăng giá là điều không thể tránh khỏi của quy luật thị trường.

Khó dự báo giá gas thời gian tới

Liên quan đến việc gas tiếp tục tăng giá từ ngày 1/10, ông Hoàng Văn Quang - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) cho biết, giá gas tại Việt Nam chủ yếu được hình thành và “chạy” theo giá CP của thế giới. Mà giá CP được đưa ra và quyết định bởi những nhà thầu, nhà sản xuất lớn về gas trên thế giới. Họ quyết định và công bố giá CP và được áp dụng hầu như ở khắp các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. “Như vậy, giá CP này không phụ thuộc vào các quyết định ở trong nước mình được”, ông Quang giải thích.

Ông Hoàng Văn Quang

Ông Hoàng Văn Quang

Cũng theo đại diện PV GAS, hiện nay ở trong nước, không có đơn vị nào có đủ căn cứ, dữ liệu, thông tin để dự báo thời gian tới giá gas sẽ tăng hay giảm. “Vì phụ thuộc vào giá gas thế giới nên ở trong nước chưa thể dự báo”, ông Quang nói.

Cũng theo vị này, trong giai đoạn hiện nay, giá khí tự nhiên trên thế giới đang ở mức cao. “Giá khí tự nhiên tăng một cách chóng mặt, so với thời gian cách đây hơn một năm, lúc đó chỉ khoảng 7 - 8 USD/triệu BTU, thế nhưng giao dịch ở tuần trước đã lên 30 USD/triệu BTU”, ông Quang nói và cho biết, giá khí tự nhiên này tăng do nhu cầu thị trường và điều này ảnh hưởng lớn đến việc tăng giá gas.

Theo tìm hiểu của PLVN, giá gas thế giới ngày 30/9 tăng lên mức cao nhất trong 7 năm do các thị trường châu Âu, Á và Mỹ đều có nhu cầu cao đối với nhiên liệu này để bắt đầu tăng dự trữ cho mùa đông sắp tới.

Đọc thêm