Nhà Hậu Lê kể từ khi Lê Uy Mục lên ngôi, triều chính bắt đầu suy đồi, mâu thuẫn nội bộ diễn ra ngày càng gay gắt, cuộc tranh chấp ngôi vua trong hoàng tộc triều Lê, những xung khắc dẫn đến giao tranh giữa các thế lực trong triều ngoài trấn đã khiến cho vương triều này lâm vào cuộc khủng hoảng ngày càng trầm trọng kéo dài từ khi Lê Uy Mục bị Lê Tương Dực lật đổ, trải qua các đời vua Lê Chiêu Tông, Lê Cung Hoàng.
Lấy tên cửa thành để phong tước
Trong bối cảnh ấy, một đại thần là Mạc Đăng Dung đã khôn khéo gây ảnh hưởng, tạo uy tín, xây dựng thế lực riêng của mình. Từ một vị trí thấp, dần dần con đường sự nghiệp của ông thăng tiến nhanh, rồi nắm quyền khuynh loát cả triều đình, phế lập vua, tự phong tước cho mình đến chức Thái sư, tước An Hưng Vương.
Năm Đinh Hợi (1527) thấy thời cơ đến, Mạc Đăng Dung dẫn quân vào kinh ép vua Lê Cung Hoàng phải nhường ngôi cho mình, lập ra nhà Mạc, đặt niên hiệu là Minh Đức. Bấy giờ quân dân phần nhiều ủng hộ ông, chính sử nhà Lê sau này cũng phải thừa nhận:
“Lúc này, thần dân phần nhiều xu hướng về Đăng Dung, đều ra đón y về kinh đô” (Đại Việt thông sử). Trong một cuốn sách diễn ca có tên là Việt sử diễn âm cũng có đoạn viết:
Thời vận đã tận nhà Lê,
Có mây ngũ sắc chầu về Đồ Sơn.
Thuận điềm xuất chấn thừa quyền,
Trời cho họ Mạc thiên nhan xem chầu.
Sau khi lên ngôi, để hạn chế sự bất bình trong dư luận xã hội về hành động cướp ngôi của mình, Mạc Đăng Dung (tức Mạc Thái Tổ) đã thi hành nhiều chính sách mềm dẻo, linh hoạt trong đối ngoại với nhà Minh và lấy lòng dân chúng trong đối ngoại.
Bên cạnh đó ông ra sức chiêu mộ nhân tài để có lực lượng phụng sự cho vương triều mới bằng nhiều hình thức như qua thi cử, qua tuyển chọn, bổ dụng thậm chí mời những người có tiếng tăm ra phục vụ triều đình.
Giai thoại về ban tước hiệu cho một người bạn cũ theo tên một cửa thành Thăng Long chính là một câu chuyện tiêu biểu cho chính sách chiêu mộ nhân tài của Mạc Thái Tổ, mặc dù ở khía cạnh nào đó, trong một số trường hợp nhất định ông gặp phải sự bất hợp tác.
Về xuất xứ tên gọi các cửa thành Thăng Long, theo chính sử vào năm Canh Tuất (1010) vua Lý Thái Tổ rời đô từ Hoa Lư về Đại La, nhận thấy có điềm rồng vàng hiện ra nên mới đặt tên là Thăng Long.
Để gây dựng cơ sở vật chất và kiến trúc cho xứng tầm với vai trò là kinh đô mới, Lý Thái Tổ đã cho xây dựng nhiều cung điện, đền đài tại Thăng Long và xây thành với bốn cửa lớn, “phía đông gọi là cửa Tường Phù, phía tây gọi là cửa Quảng Phúc, phía nam gọi là cửa Đại Hưng, phía bắc gọi là cửa Diệu Đức” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Cửa hướng Đông có tên là Tường Phù nghĩa là điềm tốt lành, với ý luôn đón nhận sức sống, ánh sáng mặt trời từ phương Đông đến; cửa hướng Tây có tên là Quảng Phúc, nghĩa là phúc lớn trải rộng, đem lại phồn thịnh, đồng thời cũng là đón “phúc đẳng hà sa” của Phật từ phương Tây về.
|
Mạc Thái Tổ (1527-1529) (Hình minh họa ) |
Cửa hướng Nam có tên là Đại Hưng, nghĩa là hưng thịnh lớn, tốt đẹp, bền vững dài lâu; cửa hướng Bắc có tên là Diệu Đức, nghĩa là đức sáng ngời, xua đi sự giá lạnh của phương Bắc, nó cũng có hàm ý làm tiêu tan mưu đồ đen tối của thế lực ngoại xâm đất bắc.
Trong số các cửa thành Thăng Long, cửa Đại Hưng (nay thuộc khu vực phố Cửa Nam, Hà Nội) đã trở thành tên hiệu của một nhân vật nổi tiếng thời Mạc, đó là Nguyễn Thế Nghi.
Chân dung một nhân vật ngang tàng, kỳ lạ
Theo sách Công dư tiệp ký, Nguyễn Thế Nghi người làng Mộ Trạch, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, xứ Hải Dương (nay thuộc huyện huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương), từ nhỏ đã nổi tiếng về tài thơ văn mà đặc biệt là thơ văn quốc âm, lại cũng nổi tiếng ngang tàng khắp thiên hạ.
Thuở thiếu thời Nguyễn Thế Nghi chơi thân với Mạc Đăng Dung, năm Đinh Hợi (1527) Mạc Đăng Dung cướp ngôi của nhà Lê lập ra nhà Mạc, lúc này Nguyễn Thế Nghi đang ở trong thành Thăng Long nhưng ẩn mình tại chùa Trường An (có sách chép là Trường Lạc) chứ không thèm ra cầu cạnh.
Mạc Đăng Dung biết được mới gọi vào cung, định phong cho chức quan nhưng ông từ chối không nhận, chỉ xin một tước, vua Mạc mới ban cho tước hầu, còn hiệu thì để Nguyễn Thế Nghi tự chọn, ông liền nói rằng: “- Nếu được, tôi xin hai chữ Đại Hưng để làm hiệu thôi!”
Sau đó ông ra cửa Đại Hưng đề hai câu thơ Nôm ngay bên trái cửa:
Anh hùng ai nấy nhung nhăng,
Nào ai đến cửa Đại Hưng chẳng luồn.
Ý thơ có hai nghĩa, nghĩa đen là ai muốn vào thành Thăng Long đều phải chui qua cửa Đại Hưng nhưng cái “ngông” của Nguyễn Thế Nghi lại ở nghĩa bóng, ý là ai muốn vào thành thì phải luồn qua háng Đại Hưng hầu này! Câu thơ vừa tả thực, vừa khinh mạn những kẻ cơ hội đương thời nhưng vì biết mối quan hệ của ông với vị vua sáng lập triều Mạc nên không ai dám xóa những dòng chữ đó đi.
Tương truyền rằng một năm nọ, đoàn sứ phương Bắc sang nước ta, sắp đi qua cửa Đại Hưng thì nhìn thấy câu thơ xách mé kia, lòng tự ái nổi lên, họ dứt khoát không chịu “luồn” qua và họ yêu cầu triều đình phải bắc thang cho mình trèo qua.
Nguyễn Thế Nghi liền sai lính đi lấy thang, nhưng lại ngầm thả một con voi ra, lấy dùi nhọn đâm vào khiến voi chạy lồng về phía cửa Đại Hưng. Đoàn sứ “thiên triều” thấy thế cuống cuồng sợ hãi, không còn hồn vía nào nghĩ đến leo thang nữa, tất cả vội chạy tọt vào trong cửa Đại Hưng để trốn. Khi đó Nguyễn Thế Nghi mới cười mà chỉ vào 2 câu thơ và nói: “- Có đúng là “nào ai qua cửa Đại Hưng chẳng luồn” không thưa các ngài?”
Đoàn sứ nước Minh biết mình bị một vố lừa đau, vừa thẹn vừa giận vì bị xếp xuống hàng những kẻ "nhung nhăng" nhưng sự đã rồi, đành im lặng mà thôi.
Sách Công dư tiệp ký khi chép sự việc này thì cho biết đó là mưu kế của một vị quan khác: “Thời Minh Đức, sứ thần Trung Quốc sang nước ta, khi đến cửa Đại Hưng, biết đấy là hiệu của một thần tử nước Nam, bèn bắt dừng xe lại, không chịu đi tiếp nữa.
Hắn đòi bắc cầu qua phía trên cổng mới chịu vào. Quan tiếp sứ của ta là Thượng thư Võ Duy Đoán thấy thế liền giả vờ tuân theo. Ông ngầm bảo quản tượng xua voi đi qua, lúc đến sát chỗ sứ giả đứng thì lấy mũi nhọn chích vào mình voi khiến cho voi bị đau, gầm lên và chạy loạn xạ, ai cũng hoảng vía đi tìm chỗ nấp, xô nhau vào phía trong cửa Đại Hưng, sứ giả và đoàn tùy
tùng cũng vậy. Nhưng, khi vào rồi, họ mới biết là mình bị mắc mưu, đành nuốt hận làm lành. Chuyện này còn truyền tụng mãi cho đến nay”.
Về hậu vận của Đại Hưng hầu Nguyễn Thế Nghi, không rõ sau này ra sao nhưng trong sách Tục biên Công dư tiệp ký có cho biết thêm một số thông tin về ông như sau: “Sau Thế Nghi xuống tóc, xuất gia, tu ở chùa Trường Lạc tại kinh đô; rồi lấy vợ, để tóc, uống rượu, ăn thịt chẳng khác gì người ở kinh đô, đến cuối thời Mạc vẫn còn sống.” Bấy giờ họ Mạc hoang dâm, bê trễ chính sự, Thế Nghi bèn viết Lạc Xương phân kính quốc ngữ truyện để phúng thích, trong đó có câu:
Được Trần, Tùy lấy làm nga,
Đam mê sắc dục cưỡng gia nữ Trần.
Lời lẽ rất thiết thực, tiếc rằng vua không tỉnh ngộ. Truyền rằng, Thế Nghi từng diễn nghĩa Truyền kỳ, lời văn đẹp đẽ và làm bài phú Huyền Quang tống cung nữ, nay vẫn lưu hành trên đời”.