Tượng trưng sự giàu sang và uy quyền
Nhiều thế kỷ nay, con voi đã được thuần hóa để làm những công việc như đi săn, kéo gỗ, kéo cày, kéo cây và để biểu diễn trong các lễ hội. Trong cộng đồng các tộc người ở Tây Nguyên hiện vẫn còn đang lưu truyền nhiều huyền thoại, truyện cổ về loài voi.
Có lẽ thế mà voi đã trở thành người bạn thân thiết của con người, là bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc bản địa Tây Nguyên. Voi là động vật đứng đầu trong các loại thú rừng, nó là hiện thân của sức mạnh và sự giàu có của các vị tù trưởng xưa.
Bởi vậy, voi được coi là loài vật tượng trưng cho sự giàu sang, quyền uy, sức mạnh vật chất và tinh thần của mỗi dân tộc, mỗi buôn làng. Hình tượng con voi cũng đi vào sử thi, thần thoại như chuyện về thần Nguăch, chuyện voi bảy ngà, voi biết bay, sự tích con voi, nàng ngà voi, lấy chồng voi...
Đến tạo hình, kiến trúc dân gian, người ta cũng chạm khắc voi trên xà nhà, cầu thang, đồ trang sức, công cụ lao động, trên thổ cẩm và cả trên nhà mồ. Ngà voi là thứ trang sức quý giá của các cô gái Tây Nguyên.
Vì thế, hình tượng con voi cũng đi vào các lễ hội, như lễ hội cúng bến nước, cúng sức khỏe, ăn trâu hiến thần, mừng mùa hàng năm của cộng đồng.
Trong cộng đồng dân tộc Tây Nguyên dẫn rõ rằng không được đánh đập, nhục mạ voi. Khi voi mệt mỏi, ốm đau phải được chăm sóc, nghỉ ngơi và không được bóc lột sức lao động của voi quá mức. Phải ứng xử với voi như một thành viên trong cộng đồng và nhất mực yêu thương. Khi voi mới được săn bắt, thuần dưỡng về, đều phải làm các nghi lễ nhập buôn, cúng sức khỏe.
Khi voi bị bệnh, hay già nua sắp chết, người chủ sẽ thả voi về rừng, về với môi trường tự nhiên để chúng tìm ăn những lá cây thuốc chữa bệnh hoặc để chết tự nhiên trong rừng. Người đồng bào M’Nông đã đưa vào Luật tục bảo vệ voi cho cộng đồng buôn làng, nó hình như cũng là tiếng nói chung cho cộng đồng trên cao Nguyên. Người dân Tây Nguyên khi vào mùa đều tổ chức các lễ hội đua voi, để vào mùa mới.
Cũng như một số bộ tộc có nghề nuôi voi ở Đông Nam Á (Thái Lan, Myanma, Lào, Campuchia), đồng bào các dân tộc Tây Nguyên rất quý trọng voi, đặc biệt là voi trắng.
Trong tất cả các loài voi thì loài voi trắng được coi loài voi linh thiêng, biểu tượng cho sự may mắn, uy quyền vẫn luôn ám ảnh, thôi thúc tôi những cuộc kiếm tìm của các dũng sĩ. Họ quan niệm loài voi này là “vua” của các loài voi, cực kỳ quý hiếm, thông minh.
Nhiều người kính trọng còn gọi bạch tượng hay ông trắng (Ngơi lăng). Những Gru muốn đạt đến đẳng cấp thượng thặng phải săn được bạch tượng, bởi loài voi này cực kỳ lanh lẹ, rất khó bắt và thuần phục.
Bạch tượng (ảnh minh họa) |
Người Êđê có truyền thuyết về voi trắng có liên quan đến hoa văn Mnga Kteh, một mẫu hoa văn giá trị nhất trên trang phục. Chuyện kể rằng, thuở xưa đồng bào Tây Nguyên phát hiện ra một con voi trắng rất đẹp, có cặp ngà cong vút với nhiều hoa văn lộng lẫy.
Các dân tộc ở Tây Nguyên gồm M’nông, Êđê, Bana, Gia Rai thi nhau vây bắt, đặt bẫy vẫn không tài nào tóm được. Voi cứ chạy đi khắp vùng của cao nguyên. Một người tù trưởng Êđê nghĩ cách đào giao thông hào để vây bắt con voi.
Cuối cùng, voi trắng bị rớt xuống giao thông hào của nhóm Krung và Adham của dân tộc Êđê. Nghe tin bắt được con voi trắng, các dân tộc ở Tây Nguyên đua nhau tới xem. Nhóm Kpa ở gần nhất nên mới là người đầu tiên xem được con voi; sau đó mới đến nhóm Krung, Adham, Mdhur của dân tộc Êđê.
Còn tộc người Gia Rai, Bana cũng lần lượt tới xem con voi quý. Họ cho rằng, nhóm dân tộc nào xem gần quá thì sự lộng lẫy của hoa văn trên ngà voi đã làm chói mắt họ và khi về đến nhà họ quên hết, không thể vẽ lại được.
Dân tộc nào đứng xem với khoảng cách vừa tầm nhìn thì sẽ thấy rõ. Nhờ vậy mà các dân tộc ở xa hơn như Krông Buk, Ea H’leo ở huyện Krông Buk hiện nay vẫn giữ được nhiều loại hoa văn, đặc biệt Mnga Kteh trở thành kiệt tác trong nghệ thuật tạo hình, làm đẹp trên trang phục của người Tây Nguyên.
Bí ẩn về loài voi trắng
Trong lịch sử săn bắt và thuần dưỡng voi ở Bản Đôn đã có nhiều con bạch tượng trở thành huyền thoại. Y Thu K’nul - ông tổ nghề săn bắt thuần dưỡng voi rừng đã bắt được khoảng sáu con bạch tượng. Năm 1861, ông mang tặng cho vua Xiêm (Thái Lan) một con.
Mỗi lần ngự giá, vua Xiêm thường ngồi trên bạch tượng trong tiếng tung hô của thần dân. Để tỏ lòng biết ơn, kính trọng, vua Xiêm đã phong tước hiệu Khunjunob (Vua săn voi) cho ông. Y Thu còn dùng voi chuộc lại nô lệ từ các tay tù trưởng trong vùng.
Tương truyền ông đã dùng một con bạch tượng quý giá để chuộc lại nữ nô lệ tên Giá Vầm. Nữ tù trưởng này tuy cai quản nhiều rừng núi, đất đai nhưng bị một bộ tộc người Gia Rai bắt làm tù binh. Để chuộc vị tù trưởng giàu có này, Y Thu đã dâng voi trắng làm lễ vật, kèm theo lời thề kết giao hòa hảo giữa hai bộ tộc.
Trả ơn cứu mạng, bà Giá Vầm đã cắt một phần đất trong lãnh địa của mình tặng lại cho Y Thu. Phần đất trù phú nằm giữa và ven sông Sêrêpốk này chính là Bản Đôn ngày nay.
Huyền thoại về loài bạch tượng được lưu truyền rất nhiều trong dân gian, nhưng có lẽ con bạch tượng của vua Bảo Đại vẫn là một ẩn số với nhiều câu chuyện ly kỳ nhất. Con voi này là do R’leo K’nul (cháu của Y Thu) tặng vua Bảo Đại, đây là kết quả của một cuộc đi săn đầy “nghệ thuật”.
Chuyện kể rằng, vào một đêm trăng mờ, R’leo K’nul cùng đội săn voi của mình phát hiện một đàn voi rừng bảy con. Trong ánh sáng mờ tỏ, ông mừng rỡ nhận ra có hai con voi đực, trong đó một con là bạch tượng. Là một vị tù trưởng săn voi già dặn kinh nghiệm, ông lập tức triển khai đội hình, với mục đích chỉ bắt con bạch tượng.
Ông thúc voi săn chia cắt sự tập hợp của đàn voi rừng ra từng nơi, trong khi đó ba thợ săn voi khác phục kích chờ thời cơ. Bạch tượng là loài rất khôn nên khi thấy động, nó đã lẩn đi rất nhanh. Tuy nhiên, R’leo đoán được ý định tẩu thoát đó nên thổi tù và ra hiệu hai voi nhà chặn lối, ép nó vào một lối hẹp rồi quăng dây bắt gọn.
Quá trình thuần dưỡng bạch tượng kéo dài hơn những con voi bình thường. Tuy rất thông minh nhưng con bạch tượng cực kỳ ngang bướng, chỉ R’leo mới có thể khuất phục được nó.
Vua Bảo Đại xem bạch tượng như báu vật linh thiêng, rất chiều chuộng, yêu thương, nên cắt cử cả một đội quân suốt ngày chăm sóc. Mình voi được khoác áo kim tuyến đắt giá, bành trên lưng để chở vua được mạ vàng, cổ đeo vòng vàng nặng đến 7kg, xích chân cũng được mạ vàng.
Tuy nhiên, sau khi Bảo Đại thoái vị thì đội quân đông đúc phục vụ bạch tượng cũng bị giải tán, “ngài trắng” không còn được chiều chuộng, cung kính như trước nữa. Bên cạnh đó khẩu phần ăn cũng bị cắt giảm, thức ăn không ngon nên bạch tượng liên tục bị đói.
Nghĩ mình bị bội bạc, ngược đãi nên nó đã quật chết quản tượng, phá đứt sợi dây xích, bỏ biệt thự sang trọng nơi miền đất sương mù Đà Lạt, chạy vào rừng sâu sống cuộc đời hoang dã, chấm dứt một thời tù hãm nơi “cung vàng, điện ngọc”.
Thời gian trôi qua rất lâu, không biết bạch tượng giờ còn sống hay đã chết, nhưng nơi đại ngàn Tây Nguyên huyền bí, người ta vẫn đồn rằng: những đêm trăng sáng trắng rừng, thỉnh thoảng vẫn thấy một đàn voi rừng phủ phục trước con bạch tượng.
Ở Lâm Đồng, họ bảo nhìn thấy bạch tượng trên đỉnh Lang Biang. Ở Đắk Lắk, người thì bảo nó đang lẩn khuất trong rừng quốc gia Yok Đôn. Người lại bảo nó đã chạy dạt sang Lào hoặc Campuchia từ lâu. Chuyện về bạch tượng dù hư hư, thực thực nhưng vẫn khiến những kẻ có lòng tham mất không ít công sức, thậm chí cả máu và nước mắt cho những cuộc săn lùng trong những cánh rừng sâu thẳm.