Bất chấp việc được hưởng các đặc quyền đặc lợi, theo các chuyên gia, ngay từ năm 2009 dòng người chảy về “thủ đô phương Bắc” của nước Nga là Saint – Peterburg đã tăng lên gấp 4 lần so với trước đó. Điều quan trọng là họ sẵn sàng làm việc với mức lương thấp hơn.
Trong tác phẩm “Hà Nội: tiểu sử một thành phố” (Hanoi: Biography of a City) xuất bản năm 2000, giáo sư William S. Logan cảnh tỉnh: “Một nhịp độ và cung cách phát triển đô thị như ở Hà Nội hiện nay, nếu không tạo được những tiền đề cho hồi tiếp những phẩm chất tự nhiên và xã hội, sẽ phá huỷ về cơ bản bản sắc của thành phố này, và sẽ dẫn tới trào lưu di chuyển của các công dân truyền thống của Hà Nội khỏi thành phố thân thuộc...”
Với thành phố kết nghĩa với Hà Nội là Moscow, mọi thứ đã biến chuyển quyết liệt hơn. Một số học giả Nga cho rằng tầng lớp trung lưu - động lực của phát triển của mọi xã hội - ở Thủ đô nước này đang hoà tan bởi một cộng đồng đến từ ngoài và bị xem là có dân trí thấp.
Moscow hôm nay
Hôm nay, theo truyền thông, người ngoại tỉnh lên Matx sẵn sàng làm tất cả để có tiền gửi về “củng cố đời con”. Không thể sống nổi với 150 USD/tháng ở Moscow, nhưng nếu gửi về Uzbekistan chẳng hạn, thì cả gia đình có thể “ngồi mát” …
Hôm nay, ở Matx đang liên tục rú những hồi còi xe cấp cứu, chứ không còn là kẻng báo động, về “văn hoá thủ đô xuống cấp”. Một trong những lý do dĩ nhiên là nạn nhập cư và lao động ngoại tỉnh.
|
Chợ Vòm đã đi vào lịch sử nước Nga.
|
Họ là người trực tiếp cung cấp dịch vụ ở Matx, nơi mà giá dịch vụ bị xem là đã bị đẩy lên ngất trời so với mặt bằng tại các chủ thể (tỉnh, khu, thành phố) khác của LB Nga trong khi chất lượng dịch vụ vẫn là một thảm hoạ.
Chờ đợi cả tuần để mua được món hàng, để rồi bạn, tan cơn mừng rỡ khi cuối cùng hàng được chở đến, chợt nhận ra rằng nó thuộc loại “brặc” (брак, phế phẩm, từ tiếng Nga này thân thuộc với nhiều người Việt), hoặc thứ phẩm. Từ “dịch vụ hậu mãi” (thời Xô Viết gọi là bảo hành) vẫn vang lên gần như tiếng nước ngoài.
Một bộ phận của tầng lớp trung lưu ở Moscow là chủ của các hãng làm ra sản phẩm, dịch vụ đã luôn thích mướn thợ nhặt, vừa rẻ, vừa hoặc không biết tiếng Nga, hoặc không có quyền mở miệng chất vấn chủ về việc hàng hoá, dịch vụ đã không tuân thủ các tiêu chuẩn nọ kia mà nhà nước Nga ban hành, điều mà một nhân công nghèo người gốc Moscow có thể làm.
Không mấy tác giả ở Moscow chỉ ra được những nét tích cực của lao động ngoại tỉnh Nga và những người nhập cư có học vấn, tay nghề đến từ các nước thuộc Liên Xô cũ. Giáo dục và đào tạo xô viết đã giúp cho nhiều người tỉnh lẻ ở Liên Xô cũ có kiến thức, hiểu biết về khoa học không kém gì những người Nga ở các thành phố lớn. Ở Việt Nam trước đây cũng khó nhận thấy những khác biệt lớn về tay nghề giữa các chuyên gia kỹ thuật Liên Xô đến từ đô thị lớn, với các đồng bào “tỉnh lẻ” của họ. Việc chú trọng sự phát triển đồng đều thời xô viết quả đã có tác dụng làm nghẽn dòng chảy về các đô thị lớn, chứ không hẳn chỉ nhờ vào quy định gắt gao về cư trú. Nhiều thành phố vùng sâu, vùng xa ở Liên Xô đã đạt được trình độ văn minh đô thị khiến khách quốc tế phải kinh ngạc. Trong khi nhiều thang máy hiện đại ở những nhà cao tầng lớn ở thủ đô của Liên Xô lại gây kinh hãi vì những mùi khó tả, vương vãi những thốc tháo của những đệ tử của thần vodka … |
Vệ sinh môi trường ở Moscow cũng là thảm hoạ. Các báo Nga đều kết tội lực lượng nhập cư, nhất là người đến từ các nước thuộc châu Á từng nằm trong quỹ đạo của Liên Xô, kể cả Trung Hoa và Trung Á. Các chợ trời ở Moscow đều là trung tâm gây ô nhiễm. Chợ Vòm sau khi bị tru diệt được tái thế trong một bộ phim, còn tên của chợ này trong tiếng Nga (cherkizon) được biết đến không kém gì từ “titanic”, mặc dù trẻ hơn nhiều.
Sự xuống cấp của hạ tầng cơ sở về thực chất là già lão của Moscow cũng là nguyên nhân của thất vọng. Nhưng trò cò quay (roulette) xuất phát từ Nga lại đưa ra một đáp số vừa quen vừa lạ: vận hành (đúng hơn là phục dịch tại mọi guồng quay) của hạ tầng cơ sở của một siêu đô thị (megapolis) hai chục triệu người cả “chủ” lẫn “khách”, như Moscow, là việc mà chủ - người gốc thành phố này không thể, và nhất là không thèm làm.
Đánh đổi đặc quyền để có cuộc sống yên bình
Nhiều trong số những người đồng ý chuyển địa bàn là những thần dân cũ của thành Lenin (tên trước đây của Peterburg. Nhiều năm trước họ đổ xô về Matx để tìm kiếm những cơ hội vàng thời kỳ "cải tổ".
Đối với họ, Moscow là trường sở, tức là tương lai, tốt hơn cho con cái, một công việc tốt hơn cho mình. Moscow lúc đó không chỉ là trung tâm hành chính của một LB lớn nhất hành tinh, mà còn là cái nôi văn hoá, là “đất học”, là cửa đi ra thế giới. Nó cũng là nơi được “bao cấp” tốt nhất nên có mức sống cao hơn. Người ta “lên Matx” để an cư lạc nghiệp.
|
"Trở về Suriento”
|
Hôm nay, họ quyết định “trở về Suriento”, đánh đổi mức lương cao ở Matx lấy một nhịp điệu sống yên bình hơn. Nhiều người chưa được lưng vốn đâu, nhưng thà sống với một mức lương ổn định ở quê nhà, còn hơn là một bất trắc nơi khác, làm mình trắng tay.
Điều quan trọng là có tin những người Moscow quyết ra đi để tới cả những vùng khác, ‘quê hơn”, trên đất nước Nga bao la, như miền sông Volga, thậm chí xuống Sibir, như các đoàn viên Komsomol từng xung phong “về đây với đường tàu”, xây nên đường sắt xuyên Âu Á lịch sử?
Các tác giả của thuyết “chạy khỏi thế giới vàng” mới nói thêm rằng, người Moscow, cụ thể là tầng lớp trung lưu, nhất là tầng cao nhất, đi về phía “mặt trời lặn”. Đó không thể là một phát kiến ra châu Mỹ, ít nhất vì, bất chấp Moscow là thành phố nhiều đặc quyền nhất, mức trợ cấp thất nghiệp ở Đức, Mỹ, hay Canada đều xấp xỉ 1000 euro. Và ở phương Tây, các quan chức phụ trách di trú ít khi chơi “ú oà” về “chế độ, chính sách” với người nhập cư.
Trong khi đó, nếu anh đã thuộc tầng cao nhất trong giới trung lưu ở Moscow mà vẫn phải “chân bước xuống tàu”, thì tay nghề và kiến thức của anh sớm muộn sẽ được đón nhận ở thị trường lao động phương Tây. Dù tất nhiên tâm hồn Nga và … quẻ Lữ sẽ khiến nhiều Moskvitch, dù có thể an cư lạc nghiệp ở xứ người, vẫn cố “quay đầu về núi”. Ngạn ngữ Nga có câu: “Những nơi nào mình không có mặt đều tốt” (хорошо там где нас нет).
Với những người còn ở lại, những luồng nhập cư có lẽ sẽ còn chảy về hướng sông Moscow. Và tầng lớp trung lưu ở thủ đô này hẳn có nghĩa vụ trong việc làm cho văn hoá của người nhập cư bớt “xa lạ” với cốt cách Mạc Tư Khoa.
Theo Lê Đỗ Huy
Bee.net.vn