Câu trả lời nằm trong cuộc trò chuyện của PLVN với chuyên gia tư vấn về quản lý và phát triển, ThS.Nguyễn Tiến Đức, Chủ tịch HĐQT AMD Group dưới đây:
PV: Hơn 10 năm làm tư vấn chiến lược cho hàng chục dự án lớn, là đối tác trong các chương trình hợp tác Công- Tư với EU, UNDP, WB, ADB, khách quan mà nói ông nghĩ như thế nào về các nhà thầu Việt Nam?
Ông Nguyễn Tiến Đức: Có nhiều ý kiến cho rằng nhà thầu nội thường năng lực tài chính yếu hơn so với nhà thầu "ngoại" nhưng tôi lại có góc nhìn khác, tôi cho rằng đó là một điểm yếu chưa hẳn là vấn đề cốt tử.
Nhà thầu trong nước giờ đang có nhiều lợi thế, họ hoàn toàn đủ khả năng thắng thầu trong nhiều lĩnh vực, nhất là các gói thầu mua sắm, xây lắp, tư vấn…Nhà thầu “ngoại” có lợi thế về công nghệ, có nhiều công nghệ nhà thầu nội chưa có nhưng điều đó không khó giải quyết. Nếu nhà nội được giao công trình và có những ưu đãi thì hoàn toàn có thể mua công nghệ đó ở nước ngoài hoặc hợp tác với những nhà thầu nước ngoài.
Điểm mấu chốt là sau Luật đấu thầu được sửa đổi và gần đây nhất là việc ban hành Nghị định 63/2014/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 15/8/2014), quy định, hướng dẫn chi tiết và cụ thể một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu thì vị thế của nhà thầu nội đang được tăng lên rất nhiều.
Với những quy định mới của pháp luật, khi đấu thầu quốc tế thì nhà thầu trong nước, nhà thầu xây lắp và nhà thầu tư vấn được ưu đãi, hoặc là được cộng thêm điểm, hoặc là các nhà thầu nước ngoài phải cộng thêm giá khi so sánh.
Với hàng hóa trong nước, Luật Đấu thầu quy định rõ hàng hóa trong nước được ưu đãi hơn so với hàng hóa nước ngoài. Đặc biệt, đối với những gói thầu xây lắp, đơn giản, có giá gói thầu dưới 5 tỉ đồng thì dành riêng cho nhà thầu có quy mô nhỏ và siêu nhỏ được thực hiện.
Một thực tế nữa rất hiển nhiên đó là với nhà thầu nước ngoài thì các chi phí như quản lý hay nhân công thường cao gấp bội so với nhà thầu nội. Nhà thầu nội có lợi thế “sân nhà”, chi phí quản lý, nhân công cực kỳ cạnh tranh, sự hiểu biết về tập quán địa phương mà nhà thầu ngoại khó có thể hiểu hết để phục vụ cho công việc, đây cũng chính là điểm mạnh của nhà thầu nội.
|
Ths. Nguyễn Tiến Đức, Chủ tịch HĐQT AMD Group |
PV: Đồng ý nhà thầu nội có “lợi thế sân nhà”, nhưng vì sao trong “cuộc chiến thầu nội- thầu ngoại”, nhà thầu nội vẫn yếm thế hơn, thậm chí không vượt được qua “vòng gửi xe”, thưa ông?
Ông Nguyễn Tiến Đức: Như tôi đã nói ở trên năng lực tài chính không bằng nhà thầu ngoại hay công nghệ không “xịn” như nhà thầu ngoại đều là điểm yếu của nhà thầu nội nhưng “điểm chết” lại nằm ở ngay chính khâu tưởng là “chuyện nhỏ”, đó là khâu chuẩn bị dự thầu. Nhà thầu nội còn thiếu chuyên nghiệp, thiếu bài bản khi tham gia dự thầu, đội ngũ chuẩn bị hồ sơ thầu hay vấp phải những sai sót không đáng có, thậm chí là ngớ ngẩn.
Năng lực làm hồ sơ thầu của nhà thầu nội yếu theo tôi xuất phát từ nguyên nhân sâu xa là một thời gian rất dài trước đây các nhà thầu nội thường quen “nếp” làm hồ sơ cho có vì đàng nào cũng trúng thầu (chỉ định thầu là chính). Nhiều nhà thầu nội rất có năng lực triển khai nhưng lại “ngại” phải đấu thầu, phải chuẩn bị hồ sơ thầu bởi hồ sơ thầu đòi hỏi rất chi tiết, kỹ càng thậm chí có nhiều thủ tục khá “nhiêu khê”.
Tuy nhiên, khi lên những sân chơi chuyên nghiệp đặc biệt những dự án có vốn nước ngoài thì các nhà thầu thay đổi quan niệm bởi ở sân chơi này tất cả những quy định về bà thầu như thế nào hay đấu thầu ra sao được làm cực kì chặt chẽ. Ví dụ gói thầu sử dụng vốn ODA thường có tiêu chí sử dụng tiếng Anh. Các nhà thầu nội cả một thời gian rất dài không chú ý đến hồ sơ thầu từ trình bày cho đến kỹ thuật thường không làm nổi bật thế mạnh của mình. Những dự án sử dụng vốn của những dự án nước ngoài thường cực kì chặt chẽ trong khâu hồ sơ dự thầu, vì vậy các nhà thầu nội không đáp ứng tiêu chí này đúng là nói vui sẽ bị “out từ vòng gửi xe”.
PV: Vậy theo kinh nghiệm của ông, các nhà thầu nội cần làm gì để sớm khắc phục được nhược điểm thực sự là không có gì là to tát này?
Ông Nguyễn Tiến Đức: Tôi nghĩ rằng các nhà thầu nội cần thay đổi cách suy nghĩ. Không ai thương mình bằng chính mình cả, khi thị trường đang cạnh tranh khốc liệt hơn, cuộc chơi công bằng hơn thì tự các nhà thầu trong nước tự nâng cao năng lực của mình.
Trước hết phải nâng từ việc chuẩn bị hồ sơ thầu và hiểu rõ các quy định của các nhà tài trợ. Với những dự án chỉ cần sai một chi tiết thì hoàn toàn hồ sơ có thể bị vứt đi. Năng lực về hồ sơ phải được chuẩn hóa lại bài bản.
Hai là các nhà thầu có thể thuê các tổ chức tư vấn chuyên nghiệp. AMD Group của chúng tôi là đơn vị chuyên tư vấn việc viết những hồ sơ thầu, với đội ngũ chuyên nghiệp. Không chỉ AMD chúng tôi, nhà thầu nội có thể tìm hiểu và chọn bất cứ đơn vị, tổ chức tư vấn nào, miễn là họ chuyên nghiệp và có kinh nghiệm thực tế là đã giải quyết được vấn đề lúng túng trong giai đoạn chuẩn bị hồ sơ thầu.
Ba là các nhà thầu nội có thể “một mũi tên bắn hai con nhạn”, bằng cách liên danh với các nhà thầu nước ngoài để học hỏi, nâng cao năng lực.
|
Nhà thầu nội đang có nhiều lợi thế và đủ năng lực tham gia các gói thầu quốc tế, trong ảnh là study tour tại Thái Lan của tổ chức GIZ do AMDI thực hiện. |
PV: Điểm thứ ba ông đưa ra rất đáng chú ý, tuy nhiên thực tế thì trong các liên danh nhà thầu, nhà thầu nội thường bị “lép vế” so với nhà thầu ngoại, có cách nào giúp các nhà thầu nội “đảo ngược” được vị thế hay không, thưa ông?
Ông Nguyễn Tiến Đức: Khi các định chế, chính sách chung mà không có quy định nâng cao vị thế nhà thầu trong nước thì nhà thầu trong nước có tài giỏi mấy cũng không thể tự nâng cao hình ảnh của mình. Cái này xuất phát từ yếu tố khách quan và yếu tố chủ quan.
Yếu tố khách quan là các quy định về định chế. Yếu tố chủ quan là bản thân ông doanh nghiệp phải tự nỗ lực. Muốn phát triển thì những cái bên ngoài chỉ là yếu tố bổ trợ nhưng không thể thiếu, nhưng cái quyết định là yếu tố bên trong. Các nhà thầu nội chúng ta đã yếu hơn nhà thầu ngoại thì tính đoàn kết lại còn không cao, thay vì hợp tác với nhau lại để tạo ra lợi thế cạnh tranh thì lại còn cạnh tranh nhau không lành mạnh.
Tôi được biết cuối năm 2014, Việt Nam sẽ kí Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), kí Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu, như vậy thị trường sẽ mở cửa rất rộng. Các nhà thầu của 28 nước châu Âu và 12 nước thuộc TPP hoàn toàn có thể tham gia dự thầu các gói thầu của Việt Nam. Các nhà thầu Việt Nam cũng được tham gia gói thầu của các nước đó.
Các nhà thầu nội nếu như tăng cường được năng lực, kiến thức về đấu thầu, về quản trị doanh nghiệp, vốn, kĩ thuật, biện pháp thi công, chất lượng thi công và ý thức thực hiện chất lượng các công trình thì hoàn toàn có cơ hội tham gia “sân chơi lớn” này.
Các nhà thầu nội cần hành động mạnh mẽ hơn, chính sách, pháp luật, thị trường…đều đang tạo “đà” cho nhà thầu nội vươn lên mà nhà thầu nội vươn không nổi thì không ai có thể “đảo ngược” được vị thế cho các nhà thầu.
Bên cạnh sự “tự lực” của nhà thầu nội, một điểm rất quan trọng nữa là những chính sách mới, những quy định mới của Luật đấu thầu 2013 cần sớm được hiện thực hóa.
Luật Đấu thầu 2013 đã có những cải cách rất mạnh mẽ so với Luật Đấu thầu 2005 và Nghị định 63 quy định chi tiết thi hành một số điểm của về lựa chọn nhà thầu đã chi tiết, cụ thể hóa quy định các đối tượng được hưởng ưu đãi khi tham gia đấu thầu của Luật Đấu thầu cũng như cách tính ưu đãi cho nhà thầu trong nước khi tham dự đấu thầu quốc tế, ưu đãi cho nhà thầu khi tham dự đấu thầu trong nước, ưu đãi cho hàng hóa trong nước...
Tuy nhiên tôi cho rằng những quy định mới vẫn chưa thực sự phát huy trong thực tiễn, chưa tạo “sức bật” tốt cho đối tượng được thụ hưởng chính sách ưu đãi.
Để chính sách pháp luật phát huy hiệu quả hơn nữa tôi cho rằng những cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là Bộ Kế hoạch Đầu tư và các đơn vị chủ quản, UBND các tỉnh khi đóng vai trò đơn vị là chủ đầu tư cần chủ động “vào cuộc” và việc nâng cao vị thế cho nhà thầu nội bằng định chế pháp luật sẽ phải ngấm vào nhận thức lãnh đạo, trở thành một “chiến dịch hành động” để tăng vị thế cho nhà thầu nội chiếm lĩnh sân nhà, giống như cuộc vận động “người Việt dùng hàng Việt” hiện nay vậy.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện cởi mở này!