Vì sao tàu thuỷ liên tục đâm cầu Đuống?

Theo Phòng CSGT Đường thủy (Công an Hà Nội) và Công ty Quản lý Đường sông số 6, việc lắp đặt cầu phao Đuống ở vị trí chưa hợp lý là nguyên nhân chính xẩy ra nhiều vụ tàu thủy đâm cầu phao Đuống và cầu Đuống.
Theo Phòng CSGT Đường thủy (Công an Hà Nội) và Công ty Quản lý Đường sông số 6, việc lắp đặt cầu phao Đuống ở vị trí chưa hợp lý là nguyên nhân chính xẩy ra nhiều vụ tàu thủy đâm cầu phao Đuống và cầu Đuống.

Chỉ trong vòng hơn 1 tháng vừa qua, liên tiếp 3 vụ tàu thủy đâm vào cầu phao và cầu Đuống đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo về an toàn đường thủy trên địa bàn Hà Nội, khi mùa mưa lũ chỉ mới bắt đầu.

Ngày 22/7, sà lan chở than mang số hiệu PT 1202 (Phú Thọ) bị mất kiểm soát, đâm vào cầu phao bắc qua sông Đuống. Vụ va chạm khiến cầu phao bị rách hai khoang, bung mố cầu bờ Bắc, chốt nối các đốt phao bị xoắn lại...
Hiện trường nơi xảy ra vụ tàu đâm cầu khiến 3 người chết ngày 17/8 vừa qua

Lực lượng chức năng đã phải tạm dừng hoạt động cầu phao để khắc phục, sửa chữa đến 16h cùng ngày mới hoàn thành. Tiếp đó, chưa đầy một tuần sau, một chiếc tàu chở cát khác lại mất lái đâm rách cầu phao khiến giao thông tê liệt.

Đặc biệt nghiêm trọng hơn, tối 17/8, chiếc tàu chở cát mang số hiệu NĐ 2236 do anh Trần Trung Dũng (SN 1981, ở xóm 8, thôn huyện Xuân Trường, Nam Định) điều khiển, lưu thông từ Việt Trì về Hưng Yên đã va vào cầu Đuống rồi chìm khiến 3 người trong một gia đình thiệt mạng.

Nguyên nhân ban đầu của cả 3 vụ tai nạn trên được cơ quan CSGT đường thủy xác định do nước chảy xiết, khiến tàu mất kiểm soát, trôi tự do.

Ngay sau vụ tai nạn đầu tiên xẩy ra, đại diện Lữ đoàn 249 (Bộ Tư lệnh Công binh- đơn vị bắc cầu phao) cho biết đã kiến nghị ngành giao thông có biện pháp ngăn chặn tình trạng tàu thuyền neo đậu quá gần khu vực bắc cầu, khiến khi nước lên là tàu hay mất lái.

Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, Trưởng Phòng CSGT đường thủy Khuất Duy Kiều cho rằng, cơ quan quản lý đường thủy đã làm hết sức để đảm bảo an toàn giao thông, còn việc tai nạn vẫn xẩy ra là bởi: “vị trí bắc cầu phao Đuống không phù hợp”, ông Kiều nhấn mạnh.
Cầu phao Đuống bị đâm ngày 31/7
Theo ông Kiều, dù lý do mà đơn vị bắc cầu đưa ra khi chọn vị trí này là bởi đây là điểm hẹp (khoảng cách giữa 2 bờ sông hẹp), lại có đường dẫn lên xuống thuận tiện. Song lý do “chuyên môn” nhất lại không được quan tâm đúng mức: hẹp thì nước chảy xiết, dòng chảy mạnh nhất và cũng là nguy hiểm nhất. “Điều đó lý giải vì sao tàu hay mất lái tại khu vực này”, ông Kiều nói. Ông Lê Văn Lương, Giám đốc Công ty Quản lý đường sông số 6 cũng bức xúc: Chúng tôi là đơn vị chuyên môn về đường thủy, lại quản lý địa bàn, song khi bắc cầu họ không hề tham khảo ý kiến chúng tôi! Ông Lương nói hoàn toàn đồng ý với quan điểm của ông Kiều, rằng: Vị trí bắc cầu phao quá gần với cầu Đuống, nước chảy xiết nên rất nguy hiểm.Ông Lương cho hay, thực tế tại khu vực này, để  hạn chế tình trạng tàu mất lái, gặp nạn khi chạy ngược dòng nước xiết, Chi cục Quản lý đường sông phía Bắc đã có quy định rất cụ thể điều kiện tàu vào ra, đặc biệt có trang bị cả đầu máy để hỗ trợ tàu bè đi ngược dòng nước. Theo quan sát của PV, trong những ngày vừa qua, thực tế rất nhiều bè khi qua gầm cầu Đuống (không xa khu vực bắc cầu phao) đã gần như “bất lực trước dòng nước quá xiết và phải nhờ đến tàu cứu kéo. Tuy nhiên, tại thời điểm gấp rút trước giờ thông cầu phao (cầu phao ngắt cho tàu qua), việc tàu thuyền chen nhau qua lại là vô cùng nguy hiểm, và thực tế, tàu cứu kéo, dù hoạt động hết công suất cũng không thể đủ và không dễ gì tiếp cận được tàu có “máy xấu” (nguyên văn lời ông Lương) khi mà tàu bè chen nhau qua cầu. Và thực tế, vụ tai nạn đau thương nhất cũng có nguyên nhân từ sự tranh nhau qua cầu sát giờ ngắt cầu phao. Các sự cố nói trên đã gây thiệt hại nghiêm trọng không chỉ về tài sản, về sự an toàn của các cây cầu sau này mà còn gây nên cái chết đau thương của 3 con người. Điều đáng bàn ở đây là những vụ va chạm nói trên đều xảy ra khi khu vực sông đang bị ảnh hưởng của bão lũ. Nhưng thiên tai không phải là nguyên nhân chính và không thể đổ hết cho thiên tai. Sức người không thể đối đầu với thiên nhiên, song hoàn toàn có thể hạn chế thấp nhất hậu quả thiên tai nếu những cơ quan có trách nhiệm phối hợp với nhau, hiệp đồng chặt chẽ trong những công việc “liên ngành” thế này, chứ không phải…ai biết việc người đấy!
Theo Lê Hà
VietNamNet

Đọc thêm