|
Việt Nam đang tăng trưởng với tốc độ đủ hấp dẫn luồng "tín dụng nóng" từ các nước phát triển song vẫn có những trở ngại khiến luồng vốn này chảy về các nước khác.
Trong khi Thái Lan và các nền kinh tế khác ở Đông Nam Á đang vất vả kiểm soát luồng tín dụng nóng đổ vào từ bên ngoài, kiềm chế thị trường chứng khoán và ghìm giá đồng nội tệ, thì dường như Việt Nam lại là ngoại lệ.
Thị trường chứng khoán Việt Nam, được ghi nhận bằng chỉ số VN-Index đã giảm 12% trong năm nay và các nhà kinh tế dự đoán đồng VND sẽ tiếp tục yếu sau khi Ngân hàng Nhà nước 3 lần hạ giá đồng tiền này kể từ tháng 11/2009.
Rõ ràng nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng với tốc độ đủ ấn tượng để thu hút luồng “tín dụng nóng” từ các nước phát triển, nơi các nhà đầu tư tìm kiếm lợi tức đầu tư cao từ các thị trường mới nổi. Hầu hêt các nhà phân tích đều cho rằng kinh tế Việt Nam sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% như Chính phủ đề ra trong năm nay.
Tuy nhiên, nỗi lo ngại về bất ổn kinh tế vĩ mô và những trở ngại trên con đường tìm kiếm cơ hội đầu tư hấp dẫn ở Việt Nam đang đẩy các luồng “tín dụng nóng” chảy về các nước khác trong khu vực.
Tháng trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) khuyến nghị Việt Nam “cần tăng cường minh bạch” trong các dự định của chính phủ, với những số liệu có chất lượng cao hơn và công bố đúng thời điểm, nhằm “giúp các nhà đầu tư dự báo chính xác hơn”.
Trong số những cản trở mà các nhà đầu tư tài chính phải đối mặt có: khó khăn trong việc chuyển vốn về nước do tình trạng thiếu hụt đồng USD thường xuyên, bất động sản bị định giá quá cao, thị trường chứng khoán khó tiếp cận (chỉ có một số ít quỹ đầu tư nước ngoài và quỹ được niêm yết và không nhiều công ty môi giới địa phương tạo được sự thoải mái cho các nhà đầu tư quốc tế).
Hầu hết các ngân hàng đầu tư lớn đều bi quan trước triển vọng đầu tư ở Việt Nam vào thời điểm này. Ngân hàng UBS tổng kết bằng một cảnh báo khá hoài nghi gần đây rằng “Việt Nam đang ở giữa một đợt tăng trưởng tín dụng lớn nhất trong số hơn 80 nền kinh tế đang nổi mà chúng tôi theo dõi trong 2 thập kỷ qua”.Nhà kinh tế Jonathan Anderson ở Hồng Công nhận xét nếu xử lý tốt tình hình và kiềm chế tăng trưởng tín dụng từ bây giờ, Việt Nam có thể tránh được các tình huống nguy hiểm như một cuộc khủng hoảng tiền tệ bên ngoài hoặc sự đổ vỡ của một số ngân hàng trong nước.
Theo ông, tình huống thứ hai dễ xảy ra hơn “bởi Việt Nam đang bị thâm hụt thương mại và thâm hụt thanh toán vãng lai quá cao theo tiêu chuẩn EM, (dự trữ ngoại hối chính thức giảm xuống mức rất thấp và đồng VND đang chịu sức ép giảm giá liên tục trong suốt 3 năm qua).
Cũng giống như hầu hết các ngân hàng đầu tư lớn khác, UBS rất do dự trong việc vào Việt Nam. Một nhà kinh tế cho biết hầu hết các tổ chức tài chính lớn đều không hoạt động ở Việt Nam mà hoạt động ở các nước khác như Indonesia, nơi tính minh bạch đã được cải thiện thực sự kể từ năm 1997.
Theo Việt Phương
Financial Times