Ô nhiễm ở mức báo động đỏ
Hàng ngày, ở Hà Nội và TP HCM, không khó để bắt gặp hình ảnh những chiếc xe máy cũ nát “làm xiếc” trên đường, chở hàng cồng kềnh, nhả khói đen kịt, kèm theo tiếng động cơ nổ đinh tai nhức óc.
Gọi là xe máy cũ nát, bởi hầu như không còn dấu hiệu nhận biết đó là loại xe gì. Có xe chỉ trơ lại bộ khung bằng sắt hoen gỉ, phần đầu trống hoác với mớ dây điện loằng ngoằng, không còi, không đèn chiếu sáng, đèn xi nhan, không gương. Thậm chí, nhiều xe không có đăng ký xe, không có biển số, không có ống xả... nhưng vẫn lưu thông hằng ngày trên đường.
Số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam ghi nhận tính đến tháng 4/2020 cả nước có khoảng 3,76 triệu ôtô, đến hết tháng 5/2020 số ôtô tăng lên 3,79 triệu xe, trung bình một tháng cả nước tăng thêm khoảng 30.000 ôtô và có đến khoảng 45% ôtô, xe máy đang tập trung tại Hà Nội, TP HCM.
Riêng Hà Nội hiện có khoảng 7 triệu xe máy, khoảng 800.000 ôtô, trung bình mỗi tháng số xe máy, ôtô đăng ký mới tăng lên hàng chục ngàn chiếc. Con số này chưa bao gồm lượng ôtô, xe máy vãng lai từ các tỉnh vùng ven đổ về Hà Nội để phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại của người dân. Tại Hà Nội, hiện có khoảng hơn 2,5 triệu xe cơ giới cũ đăng ký trước năm 2020.
Tương tự tại TP HCM, Sở GTVT cho biết tính đến tháng 6/2019, toàn TP có khoảng 8,94 triệu xe cá nhân gồm khoảng 825.300 ôtô và 8,12 triệu xe máy, tăng 6,98% so với cùng kỳ năm 2018. Tính từ năm 2010 đến nay, TP HCM tăng thêm hơn 4 triệu xe và bình quân mỗi người dân đều có một xe máy hoặc ôtô.
Theo Bộ TN-MT, thời gian gần đây, mức độ ô nhiễm không khí tại một số đô thị lớn, đặc biệt là TP Hà Nội và TP HCM xu hướng gia tăng đã gây ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Nguyên nhân chính do bụi, khí thải từ các phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, hoạt động công nghiệp với lượng thải lớn và chưa được kiểm soát hiệu quả kết hợp với yếu tố thời tiết bất lợi (nghịch nhiệt) trong giai đoạn giao mùa.
Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là 2 đô thị có chỉ số chất lượng không khí AQI ở mức kém, xấu (AQI=101-200), và rất xấu (AQI=201-300) khá lớn. Điển hình như tại Hà Nội, số ngày trong năm có AQI ở mức kém chiếm tỷ lệ hơn 50% tổng số ngày quan trắc trong năm, thậm chí, có những ngày chất lượng không khí suy giảm đến ngưỡng rất xấu và nguy hại (AQI trên 300).
Theo các chuyên gia, ô nhiễm không khí ở Hà Nội và TP HCM không phải do các nguồn phát thải từ các tỉnh đến. Các nguồn thải ô nhiễm không khí đều phát ra từ mỗi thành phố, trong đó phải kể đến tác nhân các chất ô nhiễm thải ra từ các ống xả của các phương tiện giao thông cơ giới, đặc biệt từ các xe cũ không được bảo dưỡng thường xuyên.
Ngoài ra, Hà Nội và TP HCM là hai đô thị lớn nhất nước ta hiện nay, tuy nhiên, hạ tầng giao thông hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế. Tình trạng ùn tắc trên diện rộng, tại nhiều thời điểm khác nhau. Việc số lượng lớn xe cơ giới cũ, nát không đảm bảo tiêu chuẩn về khí thải đang lưu thông sẽ khiến tình trạng ô nhiễm càng trở nên trầm trọng hơn. Do vậy, việc ưu tiên thu hồi xe cũ nát tại Hà Nội và TP HCM là một trong những hướng đi phù hợp với thực tiễn hiện nay.
Không thể chần chừ
Việc thu hồi xe cũ nát hiện có những ý kiến trái chiều, cho rằng ảnh hưởng không nhỏ đến một bộ phận dân cư khi chiếc xe đối với họ không chỉ là “đôi chân” mà còn là sinh kế. Nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, những báo động liên tục về ô nhiễm không khí đặc biệt ở hai thành phố lớn trong đó có nguyên nhân không nhỏ từ xe cũ nát cho thấy chúng ta không thể chần chừ thêm.
Ông Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho biết, trong các nguồn gây ô nhiễm không khí ở các đô thị, nguồn từ hoạt động giao thông rất lớn, đặc biệt là ô nhiễm từ khí thải xe máy cũ nát.
Tuy nhiên, vấn đề đo kiểm khí thải xe máy suốt nhiều năm không được thực hiện, cũng không có chính sách thúc đẩy để thực hiện đo kiểm khí thải xe máy. Ông Tùng cũng cho rằng, dù xe máy là phương tiện mưu sinh của người dân, nhưng đã đến lúc không thể đánh đổi môi trường không khí vì yếu tố mưu sinh.
Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng giải pháp cần thiết là tìm cách tháo gỡ dư luận, là có cách “đổi cũ lấy mới” để không ảnh hưởng đến dân sinh, chứ không phải là “thôi”, là “kệ”, là “ngừng”, là “bỏ”, là để tồn tại hàng triệu “ống khói di động” thản nhiên đầu độc cuộc sống người dân mỗi ngày mỗi giờ. Bởi suy cho cùng, chiếc xe cũ nát, chiếc bếp than tổ ong, hay sinh kế của một bộ phận không thể là cái giá để đánh đổi sức khoẻ của tất cả người dân nói chung.
Theo Bộ TN-MT, khí thải từ động cơ của những xe máy cũ nát có hàm lượng chất độc hại rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người tham gia giao thông cũng như người dân sống hai bên đường. Đặc biệt là ở những khu vực đèn xanh, đèn đỏ, khi xe đỗ dừng ở chế độ chạy cầm chừng thì đào thải ra một lượng khí thải rất lớn.
TS Nguyễn Văn Nguyên - Giảng viên Viện Cơ khí Động lực, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết: “Theo thiết kế, động cơ xe máy khi sử dụng di chuyển quãng đường từ 20.000 km hoặc có thời gian từ 2 năm trở lên bắt đầu có biểu hiện xuống cấp nên chắc chắn các tiêu chuẩn thiết kế về độ bền, khí thải tạo ra cũng sẽ không đạt đủ tiêu chuẩn. Nếu tiếp tục sử dụng sẽ góp phần không nhỏ gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ở các thành phố lớn như TP HCM, TP. Hà Nội”.