Vì sao Việt Nam hay thủng lưới vì bóng chết?

Dù giành kết quả rất khả quan khi cầm hòa Malaysia 2-2 ngay tại Bukit Jalil, chúng ta cũng có vấn đề phải lưu tâm khi để lại để thủng lưới trong các tình huống cố định.
Cho tới lúc này tuyển Việt Nam mới để thua 4 bàn. Số bàn thua thì không nhiều nhưng trong đó lại có 3 bàn thua đến từ các tình huống cố định. Có điều gì đó bất ổn trong cách chơi phòng ngự của chúng ta.
Ở trận bán kết lượt về AFF Cup với Philippines, chúng ta đã để thua sau quả phạt góc của đối thủ vào cuối trận khi đang dẫn trước 2-0. Trong trận chung kết lượt đi AFF Cup với Malaysia, chúng ta lại 2 lần để thủng lưới sau các quả đá phạt của đối phương khi cũng đang dẫn trước 2-0.
Có hai vấn đề được đặt ra ở đây là sự tập trung trong phòng ngự của các cầu thủ và phương án tổ chức phòng ngự chống bóng chết. Dường như chúng ta gặp cả hai vấn đề này.
Khi chưa có bàn thắng làm “vốn” thì chúng ta vẫn chơi tập trung, chắc chắn. Nhưng khi đã dẫn trước đối phương tới 2 bàn thì có vẻ như các cầu thủ đã tự cho phép mình được “thả lỏng” với tâm lí là dù thế nào chúng ta cũng không sợ vì đang dẫn trước đối thủ. Tâm lí ấy dĩ nhiên chỉ xuất hiện trong khoảnh khắc chứ không kéo dài nhưng như thế cũng đủ để đối phương tận dụng.
Nên nhớ, bối cảnh tuyển Việt Nam để thủng lưới trước Philippines ở Mỹ Đình là những phút cuối trận. Chúng ta dẫn tới 2-0, chung cuộc cho tới trước khi để thủng lưới chúng ta đang dẫn Philippines tới 4-1 mà thời gian trận đấu chỉ còn rất ít nên các cầu thủ khó tránh khỏi tâm lí thỏa mãn và “thư giãn” trong phòng ngự vì suy nghĩ đã quá chắc thắng.
Trước Malaysia ở Bukit Jalil thì chúng ta dẫn 2-0 sau chỉ 21 phút đá ngay trên sân khách, chưa kể nhiều cơ hội ngon ăn khác chúng ta tạo ra còn đối thủ cho tới trước lúc ghi được bàn đầu tiên thì không có “vị” gì nên các cầu thủ cũng không tránh khỏi rơi vào cảm giác buông lơi trong khoảnh khắc và đó là lúc chúng ta nhận bàn thua. Sau khi Malaysia gỡ được 1 bàn tuyển Việt Nam vẫn tạo ra nhiều huống nguy hiểm còn đối phương vẫn bế tắc trong các pha bóng sống. Đúng lúc ấy họ lại ghi bàn thứ 2 từ bóng chết.
Rõ ràng sự mất tập trung trong khoảnh khắc được thúc đẩy bởi thuận lợi quá sớm, quá dễ dàng về tỷ số khiến chúng ta không giữ được sự tập trung cao nhất trong phòng ngự. Thêm nữa cũng phải nói rằng dù tuyển Việt Nam dự giải này có những cầu thủ có chiều cao khá tốt như thủ môn Văn Lâm (1,88m), Duy Mạnh (1,80m), Văn Hậu (1,85m)... nhưng có lẽ chúng ta chưa luyện tập và chuẩn bị thật kỹ các phương án tổ chức kèm người và cản phá trong các tình huống cố định.
Đây là các tình huống dễ dẫn đến sự lộn xộn trong phòng ngự khi việc kiểm soát bóng bổng trong tình thế phải tranh chấp quyết liệt rõ ràng khó khăn hơn nhiều so với việc phối hợp bóng sệt. Nó đòi hỏi cả sự chủ động trong kiểm soát không gian của từng cá nhân lẫn sự phối hợp nhịp nhàng giữa các hậu vệ và thủ môn trong cả các tình huống bóng 1 lẫn bóng 2 mà điểm này có lẽ chúng ta chưa có sự chuẩn bị tốt.

Đọc thêm