Vị sư hơn 30 năm "gieo" chữ cho con em ở phum sóc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong không khí tưng bừng đón mừng Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer, Phóng viên Báo PLVN có dịp đến thăm Hòa thượng Hữu Hinh - Trụ trì chùa Ghositaram (còn gọi là chùa Cù Lao). Một ngôi chùa Khmer cổ đẹp nhất Đồng bằng sông Cửu Long tọa lạc tại ấp Cù Lao, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu.

Điểm tô phum sóc ngày càng phát triển

Vẫn lối nói chuyện dí dỏm, chất giọng khàn khàn do tuổi cao, Hòa thượng Hữu Hinh (SN 1946) chia sẻ với Phóng viên về cuộc đời và quá trình tu tập, phát triển đạo tại ngôi chùa Cù Lao.

Vào khoảng năm 1989, từ chùa Seraymel Chey (còn gọi chùa Cao Dân, tọa lạc tại xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau), Đại đức Hữu Hinh về trụ trì chùa Cù Lao, ngôi chùa cách trung tâm TP. Bạc Liêu khoảng 3 km. Khi ấy, việc đi lại chủ yếu bằng xuồng hoặc đi bộ, bởi chưa có đường bê tông hay lộ nhựa, Đại đức Hữu Hinh thường một mình lần theo các con đường đất, bờ ruộng, quá giang đò qua bên kia kênh xáng Bạc Liêu để dạy chữ; Giảng giáo lý ở chùa Watso Wansakorseray Dompon (còn gọi chùa Kim Cấu tọa lạc tại xã Vĩnh Trạch, Tp. Bạc Liêu).

Nhận thấy nhu cầu học chữ của con em đồng bào Khmer tại xã Hưng Hội, Đại đức Hữu Hinh xin chính quyền địa phương được mở lớp, rước thầy về giảng dạy ngay trong chùa Cù Lao. “Ngôi chùa - Ngôi trường” ấy vẫn còn duy trì đến ngày hôm nay.

Hòa thượng Hữu Hinh (đang đứng) chia sẻ về cuộc đời và quá trình tu tập, phát triển đạo tại chùa Ghositaram (hay còn gọi là chùa Cù Lao).

Hòa thượng Hữu Hinh (đang đứng) chia sẻ về cuộc đời và quá trình tu tập, phát triển đạo tại chùa Ghositaram (hay còn gọi là chùa Cù Lao).

Đến nay đã có hơn 100 người con xã Hưng Hội bước vào giảng đường đại học và hiện đang công tác tại nhiều cơ quan Nhà nước; hàng trăm người khác được học cả tiếng Việt phổ thông và chữ Khmer. Qua đó góp phần nâng cao trình độ dân trí, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Có thể nói, đây là tiền đề quan trọng để bà con đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây nắm bắt tốt hơn chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước. Nhờ đó, các phong trào, cuộc vận động của địa phương luôn được sự đồng thuận cao.

Hòa thượng Hữu Hinh chia sẻ: “Trong quá trình tu tập, phát triển đạo tại chùa Cù Lao, tôi đã dành hàng chục năm để nghiên cứu về tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với công tác tôn giáo, dân tộc và nhận thấy nhiều điểm tương đồng với tư tưởng Phật giáo, đó là: Đại đoàn kết toàn dân tộc, cần - kiệm trong cuộc sống và tấm lòng yêu thương con người. Do đó, vào ngày rằm và 30, mùng 1 hàng tháng, khi bà con phật tử đến chùa cúng viếng, tôi và các vị sư trong chùa đều răn dạy bà con thực hiện tốt 5 giới luật của đạo Phật. Đồng thời, vận dụng giáo lý, đạo đức nhà Phật với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để thực hiện trong cuộc sống hằng ngày, có như vậy thì mới giúp cho dòng tộc, cho phum sóc, cho xã hội ngày càng phát triển”.

Câu lạc bộ 3 tích cực trong đồng bào Khmer

Hòa thượng Hữu Hinh thường xuyên phối hợp với lực lượng Công an thực hiện công tác an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững trong phum sóc.

Hòa thượng Hữu Hinh thường xuyên phối hợp với lực lượng Công an thực hiện công tác an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững trong phum sóc.

Bên cạnh công tác phật sự cho bà con, Hòa thượng Hữu Hinh còn thường xuyên phối hợp với lực lượng Công an trong công tác bảo đảm ANTT địa phương. Tháng 10/2014, ông cùng với Ban quản trị các chùa Khmer xã Hưng Hội phối hợp với Công an xã Hưng Hội thành lập mô hình “Câu lạc bộ 3 tích cực trong đồng bào dân tộc Khmer”.

Đến nay, qua gần 10 năm hoạt động, Câu lạc bộ thực sự trở thành “cánh tay nối dài” của lực lượng Công an trong công tác bảo đảm ANTT ở phum sóc. Các thành viên Câu lạc bộ tích cực vận động bà con nhân dân tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, hòa giải các mâu thuẫn trong họ tộc, vận động người dân tích cực tham gia đấu tranh, phòng chống và tố giác tội phạm, xây dựng mối quan hệ đoàn kết, tương trợ giữa các hộ gia đình.

Ông Thạch Phol - Trưởng Ban quản trị chùa Cù Lao chia sẻ: “Hàng tháng Hòa thượng Hữu Hinh đều giảng đạo cho phật tử, khuyên mọi người siêng năng lao động, không bỏ đất hoang, chăm lo việc học. Hòa thượng cũng lưu ý phật tử không nghe lời xuyên tạc của kẻ xấu, sống tốt đời đẹp đạo, tránh xảy ra mâu thuẫn nhỏ để không dẫn đến chuyện lớn. Bao giờ kết thúc buổi giảng đạo, Hòa thượng cũng khuyên nhủ toàn thể chư tăng và bà con phật tử không nên phân biệt người Kinh, Hoa hay Khmer, bởi có đoàn kết mới tạo nên hòa bình, đầm ấm và ổn định”.

Hoà thượng Hữu Hinh nghiên cứu, dịch thuật các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước từ tiếng Việt sang tiếng Khmer để răn dạy chư tăng, phật tử và con em đồng bào Khmer theo học tại chùa Cù Lao.

Hoà thượng Hữu Hinh nghiên cứu, dịch thuật các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước từ tiếng Việt sang tiếng Khmer để răn dạy chư tăng, phật tử và con em đồng bào Khmer theo học tại chùa Cù Lao.

Chia sẻ về việc thực hiện chính sách đối với đồng bào dân tộc Khmer, ông Lương Văn Pho - Phó Trưởng Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Thời gian qua, thực hiện “Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025”; Tỉnh Bạc Liêu đã đầu tư xây dựng hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, nhà ở, hỗ trợ nước sạch sinh hoạt, chuyển đổi ngành nghề… giúp hàng ngàn hộ gia đình Khmer phát triển sản xuất. Từ đó, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, tỷ lệ hộ nghèo cũng vì thế mà giảm rõ rệt qua từng năm. Chỉ tính riêng trong năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,6% so với năm 2022”.

Hiện, toàn tỉnh Bạc Liêu có hơn 17.000 hộ gia đình người dân tộc Khmer với hơn 75.000 nhân khẩu, chiếm 7,6% dân số. Bà con đồng bào chủ yếu làm nghề nông, sống quần tụ quanh 22 ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer ở các địa phương trong tỉnh. Những năm qua, đời sống vật chất, tinh thần của bà con đồng bào Khmer toàn tỉnh có nhiều khởi sắc - qua đó giúp bà con phấn khởi, tin tưởng tương lai tươi sáng...