Vì sức khỏe học sinh

Dự án “Cải tạo, nâng cấp hệ thống chiếu sáng, sử dụng điện năng tiết kiệm trong các trường học” tại Hải Phòng có hai mục tiêu quan trọng là phòng, chống cận thị học đường và thực hiện Chương trình tiết kiệm điện giai đoạn 2006-2010 của Chính phủ

Dự án “Cải tạo, nâng cấp hệ thống chiếu sáng, sử dụng điện năng tiết kiệm trong các trường học” tại Hải Phòng có hai mục tiêu quan trọng là phòng, chống cận thị học đường và thực hiện Chương trình tiết kiệm điện giai đoạn 2006-2010 của Chính phủ. Đây là dự án có ý nghĩa về kinh tế và xã hội, vì sức khỏe học sinh và chất lượng cuộc sống con người.

Thực trạng chiếu sáng nhân tạo trong trường học

Trước khi triển khai dự án, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Giáo dục – Đào tạo, Công ty CP thương mại Minh Khai và Công ty CP bóng đèn phích nước Rạng Đông (Hà Nội) phối hợp khảo sát, đánh giá thực trạng chiếu sáng nhân tạo trong các trường học tại Hải Phòng. Theo đó, 273 trường học thuộc 9 quận, huyện/tổng số hơn 700 trường học trên địa bàn thành phố được khảo sát, đánh giá về cấu trúc phòng học, mô hình chiếu sáng tự nhiên, nhân tạo, các nguồn sáng sử dụng, các chỉ tiêu định lượng (như độ rọi, độ lóa), chỉ tiêu chất lượng (như chói lóa, đồng đều ánh sáng, sấp bóng...) thiết bị cung cấp, điều khiển hệ thống chiếu sáng, tính hiệu quả... Qua đó, đề xuất mô hình hệ thống chiếu sáng chuẩn, bảo vệ thị giác cho học sinh và giáo viên. kết quả khảo sát tại 3960 phòng học cho thấy, thiết bị chiếu sáng sử dụng chủ yếu là bóng đèn sợi đốt 100W, bóng đèn huỳnh quang T10-40W và bóng đèn compact 20W với độ rọi trung bình trên bàn là 113 lux, trên bảng là 104 lux. Trong khi đó, quy định độ rọi sáng học phải đạt 300 lux. Các phương thức chiếu sáng, sử dụng các nguồn sáng, thiết bị chiếu sáng, thiết kế, lắp đặt chưa hợp lý và không đủ. Đây chính là nguyên nhân gây các bệnh về mắt cho học sinh. Đã thế, còn có tình trạng lãng phí ánh sáng do các trường học không sử dụng chao chụp đèn, nên ánh sáng hắt lên trên trần. Chất lượng chiếu sáng khu vực bảng của các trường được khảo sát cũng rất kém. Hầu hết các phòng học được khảo sát không có đèn chiếu sáng bảng. Một số phòng bố trí bóng đèn nhưng không hợp lý.

Học sinh trường THCS An Đồng trong phòng thí nghiệm
Học sinh trường THCS An Đồng trong phòng thí nghiệm

Kết quả khảo sát bằng phiếu tại 12 trường học cho thấy, thực trạng chiếu sáng nhân tạo trong các trường học tại Hải Phòng đáng lo ngại khi 100 % giáo viên cho rằng việc chiếu sáng hiện tại không bảo đảm, 56% học sinh cho biết lớp học tối, 44% học sinh thấy lớp học có ánh sáng vừa, 89% học sinh trả lời có hiện tượng bóng người khi ngồi học, 83% học sinh cho biết bị bóng bảng khi ngồi học bình thường.

Bệnh cận thị học đường gia tăng

Khoảng 1/3 học sinh các lớp  Trường THPT chuyên Trần Phú phải đeo kính cận. Theo bác sĩ Nguyễn Thu Hằng, Phó giám đốc Bệnh viện Mắt thành phố, tỷ lệ học sinh mắc cận thị tăng dần qua các bậc học, học sinh ở thành thị có tỷ lệ mắc cận thị cao hơn ở nông thôn. Đợt kiểm tra sức khỏe học sinh tại Trường tiểu học Nguyễn Đức Cảnh (quận Lê Chân) cho thấy, 599 học sinh/tổng số 1683 học sinh mắc các bệnh về mắt như cận thị và loạn thị. Nguyên nhân học sinh mắc cận thị  ngày càng tăng trong những năm gần đây đều liên quan đến điều kiện học tập như hệ thống chiếu sáng không bảo đảm, kích thước bàn ghế, tư thế ngồi học chưa đúng, thời gian học dài, mắt điều tiết quá mức, đó là chưa kể do sử dụng máy vi tính, đọc sách, truyện quá nhiều, cũng gây hại cho mắt.

Dự án hợp lòng dân, vì sức khỏe học sinh

Tại Trường THCS An Đồng (huyện An Dương). 11 chiếc bóng đèn dài, có chao phía trên khiến ánh sáng tỏa đều các phòng học. Phòng thực hành môn vật lý và công nghệ, số bóng đèn nhiều hơn 1 bóng so với các phòng học, tạo điều kiện để học sinh học tập tốt hơn. Cô giáo Nguyễn Thị Bích, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trước đây nhà trường sử dụng bóng đèn tròn, mỗi lớp học 8 bóng, tiêu thụ nhiều điện năng, nhưng ánh sáng vẫn không bảo đảm, vì đèn treo cao, lại không có chụp ở phía trên, ánh sáng không tập trung. Đầu năm 2009, 20 phòng học và 4 phòng chức năng của trường được lắp đặt lại hệ thống điện chiếu sáng với kinh phí 120 triệu đồng. Do dự án và huyện An Dương chỉ hỗ trợ 70%, nên nhà trường  huy động sự đóng góp của phụ huynh học sinh. Nhờ  vậy, 24 phòng học và chức năng của trường đã có hệ thống chiếu sáng mới, đạt chuẩn.

Trường Tiểu học Nguyễn Đức Cảnh (quận Lê Chân) có thời kỳ  thiếu ánh sáng nghiêm trọng. Năm 2008, Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Thị Thọ mạnh dạn chọn phòng học số 16, là phòng ít ánh sáng  nhất của trường thí điểm lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng mới. Thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, trong đó có nội dung về bảo đảm ánh sáng học đường, nhà trường bàn bạc với Hội cha mẹ học sinh cải tạo lại toàn bộ hệ thống điện chiếu sáng, phòng, chống bệnh cận thị học đường cho học sinh. Đầu năm 2009, nhận được dự án từ Sở GD-ĐT, cộng với mức đóng góp 70 nghìn đồng/học sinh, nhà trường lắp đặt xong hệ thống chiếu sáng mới cho 25 phòng học và 5 phòng chức năng với kinh phí 180 triệu đồng, mang lại  hiệu quả  lớn, các phòng học đều đủ ánh sáng. Lượng điện năng tiêu thụ của trường giảm 13,2%. Điều đáng nói là, độ rọi trung bình của bóng đèn đạt chuẩn, bằng 300 lux, tăng gấp 3-4 lần so với trước đây.  

Dự án “ Cải tạo, nâng cấp hệ thống điện chiếu sáng, sử dụng điện năng tiết kiệm, hiệu quả trong trường học” do Ngân hàng Thế giới tài trợ, Tập đoàn điện lực Việt Nam thí điểm thực hiện tại 27 tỉnh, thành phố, trong đó có Hải Phòng. Thực hiện từ tháng 1-2009, đến nay, thành phố có 608 phòng học thuộc 20 trường học lắp đặt, cải tạo hệ thống điện chiếu sáng tiết kiệm và hiệu quả. Kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng, sau khi cải tạo, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng, 608 phòng học có đội rọi trung bình trên bàn học là 417 lux, trên mặt bảng là 452 lux, gấp 1,3 lần so với quy định tối thiểu theo Tiêu chuẩn Việt Nam.

Đây là điều kiện thuận lợi để học sinh học tập tốt hơn, góp phần phòng, chống cận thị học đường. Bên cạnh nguồn kinh phí do trung ương hỗ trợ, các trường học tự huy động được hơn 1,5 tỷ đồng ( bằng 70%) cho chương trình này, trong đó, một phần do phụ huynh đóng góp, ủng hộ. Kết quả này khẳng định, dự án có ý nghĩa thiết thực, vì sức khỏe học sinh và chất lượng cuộc sống con người./.

Bài và ảnh: Bích Hạnh

Đọc thêm