“Việc miễn tội hay xử lý người hối lộ cần nghiên cứu thận trọng”

Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) Trần Văn Đạt đã nêu quan điểm như vậy trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo PLVN về vấn đề, nên hay không nên xử lý người đưa hối lộ nhằm khuyến khích người dân tăng cường tố cáo tham nhũng.

Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) Trần Văn Đạt đã nêu quan điểm như vậy trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo PLVN về vấn đề, nên hay không nên xử lý người đưa hối lộ nhằm khuyến khích người dân tăng cường tố cáo tham nhũng.

Đưa – nhận hối lộ có quan hệ chặt chẽ với nhau

- Xin ông cho biết pháp luật hiện hành quy định ra sao về việc xử lý đối với người đưa hối lộ đến tố cáo với các cơ quan chức năng?

- Chính sách hình sự của Việt Nam đối với tất cả các loại tội phạm nói chung được quy định cụ thể tại Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999 về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như người phạm tội tự thú; người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; người phạm tội tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện, điều tra tội phạm… Luật Phòng, chống tham nhũng cũng quy định nguyên tắc xử lý chung, theo đó, người nào có hành vi đưa hối lộ, nhận hối lộ tự thú; thành khẩn khai báo, khắc phục hậu quả… thì có thể xem xét để giảm nhẹ, thậm chí miễn trách nhiệm hình sự.

Trần Văn Đạt - Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) Trần Văn Đạt
Ông Trần Văn Đạt - Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp)

Về tội đưa hối lộ và tội nhận hối lộ, đây là hai tội phạm cực kỳ đặc biệt, có liên quan chặt chẽ với nhau, có tội phạm này thì có tội phạm kia và ngược lại, không có tội phạm này thì không có tội phạm kia. Đây cũng là một quan hệ mà hai bên – cả người nhận hối lộ và người đưa hối lộ - cùng có lợi. Theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành, chúng ta mặc nhiên xem tội nhận hối lộ là hành vi nguy hiểm thấp hơn tội đưa hối lộ.

Cụ thể, tại Điều 279 về tội nhận hối lộ quy định người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới mười triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp là gây hậu quả nghiêm trọng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, đã bị kết án về một trong các tội về tham nhũng, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 2 - 7 năm.

Trong khi đó, khung khởi điểm của tội đưa hối lộ là từ 1 – 6 năm tù. Ngoài ra, Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định khung hình phạt cao nhất của cả hai tội nhận hối lộ và đưa hối lộ là tử hình, nhưng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Bộ luật Hình sự năm 2009 đã loại trừ hình phạt tử hình đối với tội đưa hối lộ.

Không những thế, Điều 289 về tội đưa hối lộ quy định trong trường hợp bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ cũng như trường hợp người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ. Như vậy, pháp luật hiện hành đã quy định rất rõ ràng về cơ chế xử lý với người đưa hối lộ chủ động khai báo.

Miễn trách nhiệm hình sự cho tất cả thì không nên

- Vậy theo ông, có nên miễn xử lý những người có hành vi đưa hối lộ đến tố cáo với cơ quan chức năng?

- Theo quan điểm của cá nhân tôi, nếu quy định tất cả trường hợp người đưa hối lộ đến tố cáo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đều được miễn trách nhiệm hình sự thì hoàn toàn không nên. Trên thực tế đã xảy ra rất nhiều trường hợp phức tạp như người đưa hối lộ không có ý thức giúp cơ quan điều tra hay họ chỉ tố giác hành vi nhận hối lộ khi người nhận hối lộ không đáp ứng được mục đích, yêu cầu, không làm được việc mà họ nhờ vả nên mới quay ra tố cáo…

Những trường hợp này rất khó để miễn trách nhiệm hình sự, đấy là chưa kể hành vi đó còn vi phạm về mặt đạo đức. Tóm lại, tùy từng trường hợp cụ thể mà quy định giảm hoặc miễn trách nhiệm hình sự cho những người có hành vi đưa hối lộ và khai báo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, tố cáo hành vi nhận hối lộ.

- Kinh nghiệm của các nước quy định về vấn đề này như thế nào, thưa ông?

- Tham khảo kinh nghiệm của một số nước, chúng tôi thấy rằng, biện pháp không xử lý người đưa hối lộ đến khai báo với cơ quan Nhà nước nhằm khuyến khích người dân tăng cường cáo giác tham nhũng cũng tùy từng trường hợp cụ thể, chứ pháp luật các nước cũng không cứng nhắc là tất cả trường hợp tố cáo hành vi tham nhũng đều được miễn trách nhiệm hình sự đâu.

Tương tự, ở nước ta, biện pháp này cần được nghiên cứu rất thận trọng, nếu chưa điều tra, khảo sát, đánh giá tác động thì có thể dẫn đến những hậu quả không thể lường trước được.

- Ông cho rằng đâu là điểm mà pháp luật Hình sự của Việt Nam cần phải hoàn thiện hơn?

- Chúng ta vẫn thường nói phải xử lý nghiêm minh, hình phạt phải chặt hơn nhưng với quy định hiện nay về tội đưa hối lộ, tôi cho là hợp lý và nghiêm khắc. Như tôi đã đề cập ở trên, khung hình phạt khởi điểm với tội đưa hối lộ là từ 1 - 6 năm, tăng nặng cao nhất đến chung thân, không quy định hình phạt tử hình. Bên cạnh đó, pháp luật cũng quy định trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, về mặt kỹ thuật, pháp luật hiện hành quy định hối lộ thành 3 tội phạm khác nhau gồm tội nhận hối lộ, tội làm môi giới hối lộ và tội đưa hối lộ. Tôi cho rằng sẽ hợp lý hơn nếu chúng ta chỉ quy định thành một tội là tội hối lộ, trong đó người đưa hối lộ và người môi giới hối lộ đóng vai trò đồng phạm, chịu trách nhiệm hình sự thấp hơn người nhận hối lộ.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Thục Quyên (thực hiện)

Đọc thêm