Theo đó, VKS đồng tình với việc chuyển đổi tội danh của phía cơ quan CSĐT đối với Trương Hồ Phương Nga và Nguyễn Đức Thùy Dung từ tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản sang tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức.
Tuy nhiên, trong văn bản trả hồ sơ vụ án cho phía cơ quan CSĐT nghiên cứu, điều tra lại, phía VKSND TP HCM lại “lưu ý” cơ quan CSĐT cần thận trọng khi miễn nhiệm trách nhiệm hình sự cho Phương Nga và Thùy Dung.
Cơ quan VKS nhận định, sau khi nghiên cứu kết luận điều tra, cơ quan này nhận thấy tài liệu, chứng cứ thu thập được đã chứng minh Phương Nga có hành vi sử dụng tài liệu di chúc được đóng bằng con dấu giả của doanh nghiệp tư nhân khách sạn Phi Phi Vũ Trâm Anh để nộp cho CQĐT.
Phía VKSND TP HCM nhận định, nội dung bản di chúc này là bà Lương Thị Kim Phi, chủ căn nhà số 7 Nguyễn Trãi (quận 1, TP HCM) để lại di sản thừa kế cho ông Nguyễn Văn Yên. Sau đó, ông Yên tiến hành mua bán căn nhà với Phương Nga và Thùy Dung để đối phó với cơ quan chức năng.
Bên cạnh đó, Phương Nga và Thùy Dung thừa nhận có nhận 16,5 tỷ đồng của ông Cao Toàn Mỹ. Hai bị can còn cho biết, họ là người tạo dựng các giấy tờ giả với nội dung chuyển nhượng di sản thừa kế (nhưng sau khi đã nhận tiền và bị ông Mỹ tố giác).
Các bị can cũng tạo ra các tài liệu đã trả lại 16,5 tỷ đồng cho ông Mỹ… Tuy nhiên, đến nay, cả hai bị can Phương Nga và Thùy Dung đều thừa nhận chưa trả tiền cho ông Mỹ nên chưa thể quy kết dấu hiệu gian dối nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của ông Mỹ.
Từ những lập luận đó, VKSND thành phố nhìn nhận, việc cơ quan CSĐT đề nghị thay đổi tội danh của Phương Nga và Thùy Dung từ tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thành làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức là có căn cứ.
VKSND TP HCM cũng chỉ ra rằng, nếu Phương Nga và Thùy Dung bị xử lý theo khoản 1, Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 (tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức) thì mức án của khung hình phạt cao nhất cũng chỉ tối đa là 2 năm tù. Trong khi đó, trên thực tế, cả hai bị can Phương Nga và Thùy Dung đã bị tạm giam 2 năm 3 tháng. Thời gian đó đã vượt quá mức hình phạt cao nhất quy định tại khoản 1, Điều 341.
Chính vì thế, VKSND TP HCM đề nghị cơ quan CSĐT cùng cấp phải thận trọng xem xét khi miễn trách nhiệm hình sự đối với 2 bị can này. PV đã liên hệ với đại diện VKSND TP HCM để nắm rõ hơn về vấn đề này, nhưng phía cơ quan này cho biết họ vẫn đang giải quyết.
Trao đổi với PV, Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Hãng luật Giải Phóng cho rằng, trường hợp các bị can bị tuyên có tội theo khoản 1, Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 và chịu mức hình phạt cao nhất (2 năm tù) thì việc tạm giam quá 3 tháng đối với các bị can cần được giải quyết bồi thường. Theo thông tin báo chí phản ánh cho thấy, vụ án vẫn chưa ngã ngũ. Qua đó còn thể hiện tính chất phức tạp của vụ án cũng như đường lối giải quyết…
Trước đó, Phương Nga và Thuỳ Dung bị khởi tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của ông Cao Toàn Mỹ, với số tiền 16,5 tỷ đồng thông qua việc môi giới mua bán nhà vào năm 2012. Đến tháng 3/2016, Phương Nga và Thùy Dung bị bắt tạm giam để điều tra. Tháng 9/2016, TAND TPHCM đưa vụ án ra xét xử. Phương Nga khai có nhận từ ông Mỹ số tiền trên nhưng cho rằng đó là số tiền liên quan hợp “đồng tình ái” trong vòng 7 năm giữa hai người… Xét thấy vụ án có nhiều tình tiết mới cần phải điều tra bổ sung, HĐXX tuyên trả hồ sơ để điều tra thêm.
Phiên tòa sơ thẩm lần 2 vào tháng 6/2017 có nhiều bất ngờ khi hàng loạt tình tiết bí ẩn được công khai, như: vai trò của người đàn bà bí ẩn Nguyễn Mai Phương tham gia trong vụ án, có dấu hiệu thông cung từ trại tạm giam ra ngoài… Do vậy, một lần nữa, HĐXX tuyên trả hồ sơ yêu cầu làm rõ 9 nội dung mấu chốt của vụ án, đồng thời cho 2 bị can được tại ngoại sau hơn 2 năm bị tạm giam.
Sau đó, cơ quan CSĐT đã ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án, tạm đình chỉ điều tra đối với 2 bị can. Cuối năm 2018, CQĐT lại phục hồi điều tra và có kết luận chuyển qua VKS cùng cấp với nội dung chuyển đổi tội danh đối với Phương Nga và Thùy Dung từ lừa đảo sang tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức...