Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp nói về sửa đổi Hiến pháp

Quốc hội hôm nay thảo luận ở Tổ về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, một nội dung nhận được sự quan tâm sâu sắc của các tầng lớp nhân dân với hàng chục triệu lượt ý kiến đóng góp, hàng chục nghìn hội thảo, tọa đàm được tổ chức. TS. Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội trao đổi xung quanh nội dung này.

Quốc hội hôm nay thảo luận ở Tổ về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, một nội dung nhận được sự quan tâm sâu sắc của các tầng lớp nhân dân với hàng chục triệu lượt ý kiến đóng góp, hàng chục nghìn hội thảo, tọa đàm được tổ chức. TS. Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội trao đổi xung quanh nội dung này.

c
TS. Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội.

Lần đầu tiên thừa nhận quyền sử dụng đất là quyền tài sản

- Khi lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cũng như dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, hầu hết các ý kiến góp ý đều đề nghị không nên quy định trường hợp Nhà nước được thu hồi đất phục vụ các dự án phát triển kinh tế, xã hội. Thế nhưng, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 vẫn đưa phương án này vào. Tại sao lại có quy định như vậy, thưa ông?

- Nói về đất đai thì quy định đất đai là sở hữu toàn dân, do nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý nhận được sự đồng thuận của phần lớn các ý kiến góp ý. Điểm mới của quy định tại các Điều 57, 58 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 lần này là thừa nhận quyền sử dụng đất là quyền tài sản.

Dù cá nhân, tổ chức không có quyền sở hữu đất đai nhưng lần đầu tiên Hiến pháp nước ta thừa nhận quyền sử dụng đất là quyền tài sản. Chính vì thừa nhận đó là quyền tài sản nên nó được pháp luật bảo hộ và nhà nước phải tôn trọng quyền tài sản đó.

Trở lại việc nhiều ý kiến băn khoăn với khoản 3 Điều 58 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 quy định: “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội...”, thực ra lúc đầu Ban Soạn thảo chỉ đặt ra 4 trường hợp, sau mới thêm trường hợp thứ 5 “các dự án phát triển kinh tế, xã hội” để phù hợp với quy định tại Dự thảo Luật đất đai sửa đổi.

Thực tế, đất nước ta đang trong quá trình phát triển, các dự án phát triển kinh tế, xã hội là rất quan trọng, nếu không cho thu hồi đất phục vụ các dự án này thì làm sao mà phát triển được. Bởi vậy, dù muốn, dù không cũng không thể không có trường hợp thứ 5. Vấn đề đặt ra là nhà nước xử sự thế nào đối với trường hợp này và đất bị thu hồi phục vụ các dự án phát triển kinh tế, xã hội được áp giá như thế nào.

Quan điểm của tôi cho rằng, đối với 4 trường hợp đầu thì có thể áp mức giá chung theo quy định của Nhà nước, nhưng riêng các dự án phát triển kinh tế, xã hội thì phải khác, phải trên cơ sở thỏa thuận, qua đấu giá, thương lượng giữa 2 bên và nhất là phải sát với giá thị trường.

- Điều mà người dân lo ngại là việc Hiến pháp cho phép Nhà nước thu hồi đất phục vụ các dự án phát triển kinh tế, xã hội sẽ dễ bị lạm dụng để thu hồi đất tràn lan, nông dân mất đất, giãn rộng khoảng cách giàu nghèo. Ông có cho rằng đây là lo ngại có cơ sở?.

- Đúng là vấn đề này Quốc hội phải thảo luận kỹ càng. Khi Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, nhiều ý kiến cũng đề nghị Chính phủ phải làm rõ dự án phát triển kinh tế, xã hội nào có lợi ích ở tầm quốc gia, lợi ích công cộng, dự án nào thuộc loại bình thường để phân biệt khi thu hồi, đảm bảo quyền lợi cho người có quyền sử dụng đất.

Lần đầu tiên quy định rõ 3 quyền: lập pháp, hành pháp, tư pháp

“Đây là lần đầu tiên Hiến pháp của Việt Nam xác định rõ 3 quyền: lập pháp, hành pháp, tư pháp. Đó là 3 quyền cơ bản của nguyên tắc tổ chức bộ máy nhà nước của bất cứ nhà nước nào”.  

Nói ngay ở Hà Nội, khi chưa có quy định thừa nhận quyền sử dụng đất là quyền tài sản, có chỗ 1m2 đất có giá hơn 1 tỷ đồng, DN vẫn phải thỏa thuận để bồi thường cho người bị thu hồi. Nay công nhận quyền sử dụng đất là quyền tài sản, người ta có thể nói 1 tỷ, 2 tỷ một m2 đất, đó là quyền của người có tài sản, người thu hồi đất phải thương lượng, thỏa thuận về giá đền bù.

Ở nước ngoài có chuyện cả một con đường cao tốc nhưng chỉ có 1 nhà không chịu nhận bồi thường thì vẫn phải tránh ra là vì vậy.

Bởi vậy, tôi cho rằng cốt lõi của vấn đề là phải có tiêu chí rõ ràng về ý nghĩa của các dự án phát triển kinh tế, xã hội để đảm bảo quyền lợi của Nhà nước nhưng cũng đảm bảo quyền lợi của người có tài sản.

Nhân dân được sử dụng quyền lực trực tiếp

- Ngoài các quy định về đất đai, so với các bản Hiến pháp trước, xin ông cho biết cái mới của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 lần này là gì?

- Nói về lập Hiến thì nước ta đã qua 4 lần xây dựng, 3 lần sửa đổi Hiến pháp nhưng lần này việc sửa đổi Hiến pháp được tiến hành quy mô, kỹ càng, sâu rộng hơn cả.

Nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã công bố để lấy ý kiến nhân dân đề cập đến nhiều nội dung, nhưng điểm mới rõ nét nhất là vấn đề xác định chủ quyền nhân dân. Khoản 1, khoản 2 Điều 2 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp quy định “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân” và  “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”.  

Điều đó thể hiện nhân dân là chủ thể quyền lực tối cao, mọi quyền lực thuộc về nhân dân và nhân dân là chủ thể xây dựng bản hiến pháp này. Nội dung này cũng được thể hiện ngay trong đoạn cuối Lời mở đầu của Hiến pháp: “Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện quyền làm chủ của mình, nhân dân Việt Nam với truyền thống yêu nước, đoàn kết một lòng, xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Đặc biệt, đi vào Chương I, Chế độ chính trị, trước đây quyền lực của nhân dân được quy định tại Điều 2 và Điều 6 thì Điều 2 lần này thể hiện rõ là tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, và nhân dân sử dụng quyền lực đó như thế nào thể hiện tại Điều 6.

Nếu Điều 6 Hiến pháp hiện hành chỉ quy định nhân dân thực hiện quyền lực của mình thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân do mình bầu ra thì Điều 6 Hiến pháp sửa đổi quy định trước hết nhân dân sử dụng quyền lực trực tiếp, tức là tự mình trực tiếp tham gia vào quản lý điều hành xã hội,  sau đó mới là thông qua đại diện là Quốc hội, Hội đồng nhân dân và các cơ quan nhà nước khác nữa. Tức là không chỉ quy định quyền lực trực tiếp của nhân dân mà đại diện quyền lực của nhân dân cũng được mở rộng ra các cơ quan nhà nước khác.

Cùng với quy định “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”, Điều 2 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cũng quy định: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.

Có nghĩa là đã bổ sung quy định về sự “kiểm soát” quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện 3 quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Đó là cái mới so với trước đây. Nguyên tắc đó được thể hiện xuyên suốt ở tất cả các Chương còn lại của Hiến pháp sửa đổi. Chẳng hạn, Hiến pháp hiện hành quy định Quốc hội là cơ quan duy nhất lập hiến, lập pháp thì bây giờ bỏ từ “duy nhất” đi, ngoài quốc hội ra là nhân dân, nhân dân thực hiện quyền dân chủ trực tiếp và thông qua người đại diện.

Đối với Chính phủ, Hiến pháp sửa đổi xác định rõ Chính phủ là cơ quan hành chính cao nhất thực hiện quyền hành pháp và là cơ quan chấp hành của Quốc hội. Cơ quan Tư pháp được xác định rõ là Tòa án. Đây là lần đầu tiên Hiến pháp của Việt Nam xác định rõ 3 quyền: lập pháp, hành pháp, tư pháp. Đó là 3 quyền cơ bản của nguyên tắc tổ chức bộ máy nhà nước của bất cứ nhà nước nào...

Nói tóm lại, cái mới nhất của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này là thiết lập và xác lập chủ quyền nhân dân trong Hiến pháp và tạo ra cơ chế để sau này luật hóa, thực hiện các quyền của nhân dân trong việc thực hiện chủ quyền đất nước.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hồng Thúy (thực hiện)

Đọc thêm