Việt Nam cam kết mạnh mẽ “cứu” khí hậu và nhân loại

(PLVN) - Năm 2021 đánh dấu Thỏa thuận Paris chuyển sang giai đoạn triển khai thực hiện trên phạm vi toàn cầu. Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) vừa qua, cam kết của Việt Nam đã được Chủ tịch COP26 và các nước trên thế giới đánh giá cao về “quyết tâm mạnh mẽ nhưng hết sức thực tiễn”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị COP26.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị COP26.

Theo Báo cáo lần thứ 6 của Ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (BĐKH) công bố vào tháng 8/2021, nếu không khẩn cấp hành động thì nhân loại sẽ đẩy BĐKH đạt đến điểm không thể đảo ngược được. Lúc ấy, hậu quả sẽ khó thể lường trước. Tuy nhiên, trong một báo cáo khác của Liên Hợp quốc cho thấy, ngay cả với các cam kết cắt giảm khí CO2 tham vọng nhất gần đây, nhiệt độ toàn cầu trong thế kỷ này vẫn tăng thêm 2,7 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và đây là một “thảm họa”.

Còn theo báo cáo tóm tắt của phái đoàn Đức, để giữ cho nhiệt độ Trái Đất không tăng quá 1,5 độ C cần phải giảm mạnh lượng phát thải từ nay đến năm 2030. Tuy nhiên, có một khoảng cách đáng kể giữa các cam kết dài hạn chống BĐKH và các “Đóng góp quốc gia tự quyết định” (NDC) tập trung cho giai đoạn 10 năm tới.

Những điều trên cho thấy, Hội nghị COP26 năm 2021 đã diễn ra trong bối cảnh hết sức đặc biệt. Không chỉ đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nền kinh tế đang hướng tới sự phục hồi; năm 2021 còn là thời điểm đánh dấu Thoả thuận Paris chuyển sang giai đoạn triển khai thực hiện trên phạm vi toàn cầu, trong đó bao gồm cả Việt Nam.

“Lời hứa” của Việt Nam với khí hậu

Tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định: “Mặc dù là nước đang phát triển, mới chỉ bắt đầu tiến hành công nghiệp hóa trong hơn ba thập kỷ qua, Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính (KNK) mạnh mẽ hơn nữa bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ; trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050”.

Cụ thể hơn, Thủ tướng đã đề nghị đưa ứng phó với BĐKH, phục hồi tự nhiên phải trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển, là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của mọi cấp, mọi ngành, mọi doanh nghiệp và người dân. Không dừng ở đó, ông đã sử dụng lời kêu gọi nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” để khẳng định với thế giới rằng: Việc giải quyết BĐKH không một quốc gia, dân tộc nào có thể tự làm riêng lẻ mà tất cả phải đoàn kết, cùng thực hiện mục tiêu chung.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động của BĐKH, đồng thời có tổng lượng phát thải KNK hàng năm đứng thứ 21 trên thế giới và đứng thứ 2 trong ASEAN. Việc Thủ tướng Chính phủ đưa ra tuyên bố mạnh mẽ về đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 thể hiện quyết tâm và cam kết chính trị của Đảng, Nhà nước trong việc đẩy mạnh chuyển đổi kinh tế nhằm góp phần giải quyết khủng hoảng khí hậu.

Theo đó, cam kết của Việt Nam được Chủ tịch COP26 và các nước trên thế giới đánh giá rất cao về “sự quyết tâm mạnh mẽ nhưng hết sức thực tiễn khi nhấn mạnh đến trách nhiệm, đạo đức và nhận thức của các tổ chức, tập thể, cá nhân về BĐKH, bảo vệ môi trường.

Trong các cuộc gặp gỡ của phái đoàn Việt Nam với các đại diện chính phủ, tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên thế giới, Việt Nam cũng có cơ hội ký kết những thỏa thuận quan trọng, mở ra cơ hội cho nước nhà tiếp cận với tri thức, công nghệ, tài chính xanh để thực hiện cam kết tham vọng nêu trên. Đơn cử, Singapore đã đề xuất xây dựng Thỏa thuận hợp tác về trao đổi tín chỉ carbon giữa Việt Nam và Singapore nhằm thiết lập khuôn khổ hợp tác thực hiện NDC của cả hai nước, phù hợp với Điều 6 Thỏa thuận Paris.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã thống nhất với Thứ trưởng Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc Zhao Ying Min về việc hai bên xây dựng khung Thỏa thuận hợp tác nhằm tăng cường hợp tác chặt chẽ liên quan tới bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh và ứng phó với BĐKH.

Mặt khác, tại Hội nghị, Việt Nam cũng đã thể hiện sự ủng hộ và tham gia nhiều sáng kiến rất quan trọng. Tất cả những động thái nêu trên cho thấy vị thế, trách nhiệm của nước ta trong việc hưởng ứng, chủ động giải quyết những thách thức khẩn cấp của toàn cầu, đồng thời thông qua đó, giúp giải quyết những thách thức, vấn đề của chính nước nhà.

Cần lộ trình rõ ràng cho tới 2050

Để hiện thực hóa cam kết tham vọng của Việt Nam vào năm 2050, nhiều chuyên gia cho rằng, điều quan trọng là sớm loại bỏ các dự án gây ô nhiễm môi trường, đồng thời chú trọng vào các giải pháp tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo vào hệ thống lưới điện Việt Nam. Hay nói cách khác, để hướng tới lộ trình phát thải bằng 0 thì năng lượng tái tạo gồm điện mặt trời, điện gió và nguồn điện khí cần trở thành một nguồn điện với chi phí hợp lý và độ tin cậy cao khi có đủ sự linh hoạt trong hệ thống điện.

Theo Hội đồng Năng lượng Gió Toàn cầu (GWEC), Việt Nam cần dừng triển khai các dự án than mới, cũng như đưa ra lộ trình tiến tới loại bỏ các dự án điện than hiện tại. Bởi hiện nay, với xu hướng toàn cầu chuyển dịch năng lượng khỏi nhiên liệu hóa thạch, phát triển điện than đang khép lại và các dự án điện than mới sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc huy động tài chính. Nhu cầu về điện có thể được đáp ứng bởi các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió và điện mặt trời, cũng như thủy điện, pin tích trữ và các công nghệ khác.

Chia sẻ với báo chí, bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) cũng đồng quan điểm: “Tuyên bố toàn cầu về việc chuyển đổi từ điện than sang năng lượng sạch có bốn điểm chính”. Đó là, nhanh chóng mở rộng quy mô của điện sạch; loại bỏ điện than vào thập niên 2030 đối với các nền kinh tế lớn và vào thập niên 2040 trên toàn cầu; ngừng cấp giấy phép mới, xây dựng mới và hỗ trợ mới hay trực tiếp từ Chính phủ cho các dự án điện than; tăng cường nỗ lực trong nước và quốc tế để đảm bảo khuôn khổ mạnh mẽ để thực hiện quá trình chuyển dịch công bằng.

Nhìn chung, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam có thể hiện thực hóa cam kết bằng những giải pháp đồng bộ, lộ trình rõ ràng để thực hiện. Theo đó, giai đoạn mở rộng năng lượng tiếp theo của Việt Nam sẽ đòi hỏi các dự án quy mô lớn, sử dụng nhiều vốn đầu tư và kỹ thuật phức tạp hơn, đối với cả năng lượng mặt trời và điện gió trên bờ. Đồng thời, có thể cân nhắc các dự án năng lượng tái tạo tiềm năng khác như điện gió ngoài khơi.

Quyết tâm của thế giới với khí hậu

Hơn 100 quốc gia đại diện cho hơn 85% diện tích rừng trên thế giới cam kết ngăn chặn và đẩy lùi nạn phá rừng và suy thoái đất vào năm 2030. 105 nhà lãnh đạo thế giới đã ký vào Cam kết Khí mê-tan Toàn cầu, một sáng kiến ​​chung của Hoa Kỳ và EU nhằm cắt giảm 30% lượng khí thải mê-tan vào năm 2030. Mỹ, Anh, Pháp, Đức và EU cho biết họ sẽ dành 8,5 tỷ USD để giúp Nam Phi giảm phát thải carbon.

Vương quốc Anh cho biết có ít nhất 23 quốc gia mới tham gia cam kết loại bỏ dần và không xây dựng hoặc đầu tư vào điện than mới trong vài thập kỷ tới, nâng số quốc gia ký kết lên 190 quốc gia. 25 quốc gia đã tham gia một nỗ lực nhằm mục đích chấm dứt tài trợ công cho các dự án dầu khí và than ở nước ngoài vào cuối năm 2022. Các bên ký kết bao gồm Hoa Kỳ, Anh, Đan Mạch, Canada, Ý và Ngân hàng Đầu tư Châu Âu.

Về các cam kết cấp quốc gia, Ấn Độ cam kết cắt giảm lượng khí thải carbon của mình xuống 0 ròng vào năm 2070 và tăng tỷ trọng sản lượng năng lượng tái tạo từ 450 gigawatt mỗi năm lên 500 gigawatt. Trung Quốc đã tuyên bố chấm dứt xây dựng các nhà máy nhiệt điện than ở nước ngoài, đồng thời công bố mục tiêu đạt trung hòa khí thải carbon trước năm 2060, giảm nồng độ khí thải hơn 65% vào năm 2030.

Về các sáng kiến ​​khác, Quỹ Rockefeller, Quỹ IKEA và Quỹ Trái đất Bezos đã thành lập Liên minh Năng lượng Toàn cầu cho con người và hành tinh để giải quyết vấn đề tiếp cận năng lượng tái tạo trên khắp châu Phi, châu Á và châu Mỹ Latinh trong thập kỷ tới. Liên minh bao gồm các chính phủ và các tổ chức thế giới như Vương quốc Anh, Ý, Đan Mạch, Ngân hàng Phát triển Châu Á và Ngân hàng Thế giới.

Đọc thêm