Gần đây, trong các văn kiện từ cương lĩnh đến chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, quy hoạch của quốc gia hay ngành và lĩnh vực, vấn đề “tăng trưởng xanh” đã trở thành “ưu tiên”. “Tăng trưởng xanh” trở thành “từ khóa” nổi bật của công cụ tìm kiếm google.
Cách đây gần 10 năm, ngày 3/6/2013, Trung ương Ðảng ban hành Nghị quyết số 24/NQ-TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, với nhiệm vụ trọng tâm là thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng “tăng trưởng xanh” và phát triển bền vững.
Tiếp đến, ngày 20/3/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 403/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia “tăng trưởng xanh” giai đoạn 2014 - 2020, trong đó, đề ra 4 chủ đề chính gồm: Xây dựng thể chế và kế hoạch “tăng trưởng xanh” tại địa phương; giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; thực hiện xanh hóa sản xuất; thực hiện “xanh hóa” lối sống và tiêu dùng bền vững.
Quốc hội đã ban hành mới hoặc bổ sung, sửa đổi nhiều luật liên quan đến “tăng trưởng xanh” như: Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật Phòng, chống thiên tai; Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi; Luật Khí tượng thủy văn. Một số văn bản pháp quy mới đã được xây dựng nhằm thúc đẩy thực hiện các hoạt động liên quan tới “tăng trưởng xanh”. Với sự triển khai đồng bộ, quyết liệt, hoạt động “tăng trưởng xanh” tại Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực ban đầu.
Đại dịch COVID-19 diễn ra trong 2 năm 2020 – 2021, thêm một lần thức tỉnh thế giới và từng quốc gia về việc thực thi các chính sách bảo vệ không gian sống của con người. Chính vì thế, cuộc gặp thượng đỉnh khí hậu trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) vừa khai mạc tại Glasgow (Anh) đã quy tụ đại biểu từ hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hầu hết nguyên thủ các quốc gia đều có mặt.
“Là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất do biến đổi khí hậu, Việt Nam đang hết sức nỗ lực để vừa ứng phó với biến đổi khí hậu, vừa phát triển kinh tế để vươn lên, bảo đảm cuộc sống ngày càng tốt hơn cho mọi người dân, đồng thời đóng góp có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế. Chúng tôi mong muốn tăng cường hợp tác với các đối tác quốc tế trong các chương trình, dự án đầu tư và phát triển bền vững”, đây chính là cam kết quốc tế của Việt Nam qua phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị quan trọng này.
“Tăng trưởng xanh” là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững, đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững; đó không chỉ là cam kết mà là phải hành động.