Việt Nam cần có chiến lược xuất khẩu lao động quốc gia

(PLO) - Ngân hàng Thế giới (WB) trong Báo cáo “Di cư tìm cơ hội” được công bố ngày 9/10 cho rằng, Việt Nam có thể cần phải xây dựng chiến lược quốc gia xuất khẩu lao động trong quá trình cải cách để tận dụng tối đa những cơ hội mà việc di cư này mang lại.
Việt Nam cần có chiến lược xuất khẩu lao động quốc gia

Những rào cản phức tạp

Theo Báo cáo, Đông Nam Á đang là khu vực nổi bật trên toàn cầu về quá trình di dân giữa các quốc gia. Lao động di trú đi khắp khu vực Đông Nam Á để tìm kiếm cơ hội kinh tế. Song, theo Báo cáo, nhìn chung hiện nay các quy định nhập cư trong khu vực ASEAN còn hạn chế. Các rào cản di cư như quy trình tuyển dụng mất thời gian và tốn kém, quy định hạn ngạch tiếp nhận lao động nước ngoài, chính sách việc làm ngặt nghèo... đã và đang hạn chế cơ hội của người lao động và tác động lên phúc lợi của họ. Trong đó, rào cản lớn là chi phí cao cho công ty môi giới. Ví dụ, với lao động Việt Nam, chi phí trung bình để họ có thể sang Malaysia làm việc bằng 4 tháng lương ở Malaysia. 

Thêm vào đó, các thủ tục để di cư tìm việc làm cũng khá phức tạp.  Ông Mauro Testaverde - Chuyên gia kinh tế, Trưởng ban an sinh xã hội và việc làm toàn cầu của WB, đồng thời là chủ biên Báo cáo - cho biết, để di trú một cách chính thức, người dân phải thực hiện trên 10 bước, trong đó hồ sơ ở cả nước cử đi và tiếp nhận đều rất nhiều thủ tục, liên quan đến nhiều cơ quan trùng lắp về chức năng trong lĩnh vực này… Trong khi đó, có tới 93% lao động di cư trong khu vực Đông Nam Á có trình độ dưới đại học, thậm chí chưa có trình độ phổ thông. Với nhóm người này, việc vượt qua được những thủ tục như vậy trở thành thử thách không nhỏ. 

Tình huống đó đã đẩy nhiều lao động chọn con đường di cư không chính thức. “Các lao động di cư không giấy tờ hiện chiếm tỉ lệ lớn, có thể là người dân đi qua biên giới theo con đường tiểu ngạch rất phức tạp hoặc có thể di cư theo kênh chính thức và lưu trú quá hạn”, ông Testaverde lưu ý. Theo ông Testaverde, việc giảm rào cản đối với dịch chuyển lao động trong ASEAN sẽ nâng cao phúc lợi cho người lao động nhờ hội nhập kinh tế. Còn ông Sudhir Shetty – Chuyên gia kinh tế trưởng WB khu vực Đông Á Thái Bình Dương – cho rằng nếu có chính sách đúng đắn, các nước có lao động xuất khẩu sẽ thu được lợi ích kinh tế và bảo vệ được lao động của mình.

10% lao động di cư Việt Nam có trình độ cao

Theo báo cáo, tỉ lệ di cư của lao động trình độ cao của một số nước ASEAN là khá cao, ở Campuchia và Lào là 15%. Với Việt Nam, tỉ lệ này rơi vào khoảng 10%. Việc những người có trình độ cao như vậy di cư tới nước ngoài làm việc thường được cho là gây tốn kém vì nước xuất lao động đi phải trả chi phí đào tạo nhưng trình độ đã qua đào tạo đó lại được sử dụng ở nước ngoài, làm cạn kiệt nguồn vốn con người cần thiết để tăng trưởng kinh tế, dẫn tới lo ngại “chảy máu chất xám”. Song, Báo cáo của WB cho rằng ảnh hưởng tiêu cực này đã bị thổi phồng. 

Đổi lại, báo cáo cho hay, việc lao động di cư đã mang tới cho người lao động cơ hội kinh tế lớn do chênh lệch đáng kể về mức lương giữa các nước ASEAN. Ví dụ, Malaysia – một thị trường lớn của các lao động Việt Nam – có mức lương trung bình hàng tháng cao gấp 3 lần mức lương ở Việt Nam. Bên cạnh đó, thành viên của những gia đình không di dân cũng được hưởng lợi nhờ nhận được kiều hối để tăng ngân sách và giảm nghèo. Báo cáo cho hay, trong năm 2015, các nước trong khối ASEAN đã nhận được tổng cộng 62 tỉ USD kiều hối. Tại Việt Nam, lượng kiều hối đổ về trong năm này chiếm 7% GDP của nước ta.

Chủ biên báo cáo cũng cho rằng Việt Nam là một trường hợp đặc biệt ở ASEAN vì lượng người xuất khẩu lao động lớn nhưng tỉ lệ người tới các nước ASEAN lao động không nhiều, thậm chí lao động người Việt đến các nước ASEAN làm việc ngày càng ít. Nhiều người Việt Nam muốn sang châu Âu, tới các quốc gia phát triển khác để lao động. Trong khi đó, chi phí di cư với khoảng cách ngắn bao giờ cũng thấp hơn. Do đó, ông Testaverde khuyến nghị Việt Nam nói riêng và các nước ASEAN nói chung cần tiến hành các biện pháp để giảm chi phí, thời gian làm thủ tục di cư, cung cấp các thông tin về thị trường lao động cũng như có các chính sách hỗ trợ về mặt tài chính cho người nghèo để họ có thể tìm kiếm được cơ hội việc làm tốt hơn. 

Lưu ý Việt Nam cùng với một số nước như Thái Lan, Singapore hiện đang có lực lượng lao động sụt giảm dẫn đến thiếu hụt lao động, Báo cáo cũng cho rằng Việt Nam có thể cần phải xây dựng chiến lược xuất khẩu lao động quốc gia trong quá trình cải cách. Trong đó, Báo cáo nhận định, là một nước xuất khẩu lao động, Việt Nam cần đánh giá lại các chính sách hiện hành về khuyến khích xuất khẩu lao động để xem các chính sách đó có đáp ứng được các nhu cầu của đất nước hay chưa để từ đó đưa ra những cải cách. “Ví dụ, cần xem xét lại việc các công ty xuất khẩu lao động thường xuyên hay chí ít cũng là ngầm yêu cầu người lao động phải đóng tiền ký quỹ để bảo đảm sẽ trở về nước nhưng sau đó lại thường không trả lại số tiền này. Có thể căn cứ vào chiến lược di trú quốc gia để định hướng cho những cải cách này”, Báo cáo khuyến nghị. 

Đọc thêm