’Việt Nam cần hạn chế đầu tư công’

Chính phủ nên giảm bớt đầu tư công để giảm sức ép lạm phát, đồng thời hướng nguồn vốn vào khối doanh nghiệp tư nhân nhằm tăng hiệu quả đồng vốn, là quan điểm chung của nhiều chuyên gia.

Chính phủ nên giảm bớt đầu tư công để giảm sức ép lạm phát, đồng thời hướng nguồn vốn vào khối doanh nghiệp tư nhân nhằm tăng hiệu quả đồng vốn, là quan điểm chung của nhiều chuyên gia.

Tại hội thảo " Kinh tế Việt Nam 2010, triển vọng năm 2011" diễn ra hai ngày 21 và 22/9, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho rằng, ngoài việc cải cách ngân sách nhà nước và đầu tư công, Việt Nam cần tập trung cải cách tập đoàn nhà nước một cách nghiêm túc. Đồng thời khởi động công nghiệp phụ trợ làm cơ sở phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

Ngoài ra, Tiến sĩ Thiên đề nghị Nhà nước cần tái cơ cấu chi tiêu ngân sách, giảm đầu tư công, thay vào đó cần tập trung vào chống thất thoát và lãng phí.

Cùng quan điểm, bà Keiko Kubota, Quyền kinh tế trưởng Ngân hàng thế giới (WB) cho rằng, để tăng trưởng kinh tế ổn định Việt Nam cần phải dựa vào các công ty tư nhân; phải ngăn chặn sự tăng trưởng quá nóng của thị trường địa ốc nhằm tránh xảy ra nguy cơ bong bóng. Ngoài ra, tăng trưởng dựa vào xuất khẩu cũng rất cần thiết. Tuy nhiên, xuất khẩu phải thực hiện trên nguyên tắc bền vững.

Tại hội thảo, nhiều nghịch lý về kinh tế vĩ mô như lạm phát cao; lãi suất tiết kiệm và cho vay cao hàng đầu thế giới, thâm hụt cán cân vãng lai, nợ công... cũng được các chuyên gia đặt ra.

Các chuyên gia thảo luận tại hội thảo. Ảnh: Lệ Chi

“Những định kiến về lạm phát và kỳ vọng sâu sắc trong giảm giá tiền đồng; không sẵn sàng điều chỉnh lãi suất chính sách dẫn đến những biến động quá mức và sự không ổn định trong hệ thống tài chính; thiếu minh bạch làm giảm niềm tin vào việc quản lý kinh tế vĩ mô”, ông Benedict Bingham, Đại diện thường trú cao cấp của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam lưu ý.

Ngoài ra, theo ông Benedict Bingham, sự mất cân bằng về ngoại hối trên thị trường cũng làm tăng chi phí giao dịch và tính không ổn định về kinh doanh của Việt Nam, làm xói mòn niềm tin vào tiền đồng. Từ đó, ảnh hưởng bất lợi tới vị thế của Việt Nam trong các nhà đầu tư nước ngoài.

Để giải quyết những tồn động trên, đại diện IMF Benedict Bingham cho rằng, chính sách tiền tệ cần được Ngân hàng Nhà nước điều hành hiệu quả hơn. Muốn vậy, cơ quan này phải được trao nhiều thẩm quyền hơn nữa để điều hành các lãi suất chính sách một cách linh hoạt. Cần phải thiết lập một bộ khung để tăng cường quản lý các mức lãi suất chính sách ngắn hạn. Cuối cùng là biện pháp phát triển các thị trường liên ngân hàng sâu rộng với nhiều thanh khoản, cũng như năng lực thể chế của ngân hàng Nhà nước để quản lý tính thanh khoản của các thị trường này.

Ông Benedict Bingham cho biết thêm, việc đảm bảo sự minh bạch và cung cấp số liệu kịp thời về các chỉ số tài chính và kinh tế chủ chốt cũng sẽ giúp ổn định tâm lý nhà đầu tư và người dân.

Trong khi đó, Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Hoài Nam, Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam nhận định, Việt Nam hoàn toàn có đủ cơ sở để đạt, thậm chí vượt chỉ tiêu tăng trưởng cả năm như Quốc hội thông qua đầu năm. Tuy nhiên, điều ông lo ngại hiện nay là một số chỉ tiêu kinh tế đang xấu đi. Thâm hụt thương mại, thâm hụt tài khoản vãng lai cao; các vấn đề liên quan đến đầu tư, quy hoạch dàn trải , thu hút FDI chưa đạt yêu cầu…là những ‘nút thắt” cần được tháo gỡ.

Vị chủ tịch này còn cho rằng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã có dấu hiệu đổi hướng từ giảm tốc chuyển sang xu hướng tăng tốc (tăng 0,23% so với tháng trước đó). Điều này cho thấy, lạm phát ở Việt Nam chưa thể kiểm soát được và đang ở mức cao.

Lãi suất cũng là một vấn đề nóng. Theo ông Nam, so với mặt bằng quốc tế, lãi suất trong nước hiện nay đang khá cao. Hiện lãi suất cho vay có nơi lên 15-16% một năm. Đây là mức mà doanh nghiệp không thể chấp nhận được.

Trong khi nhiều chuyên gia mổ xẻ những nghịch lý đang tồn động của năm 2010, Tiến sĩ Alex Warren Rodriguez, chuyên gia kinh tế Chương trình phát triển Liên Hiệp quốc tại Việt Nam (UNDP Việt Nam) đã đưa ra những nhận định cho năm tới. Theo ông, dự kiến kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục mạnh mẽ, với GDP ước tính tăng từ 7 đến 7,5%. Tuy nhiên, sự mất cân bằng nghiêm trọng về thâm hụt ngân sách, thâm hụt tài sản vãng lai… dự kiến vẫn sẽ tiếp tục gia tăng.

Ông này cũng cảnh báo rằng, trong năm 2011, việc quá phụ thuộc vào sự tăng trưởng tín dụng có thể dễ dàng gây lạm phát và tạo áp lực lên cán cân thanh toán. Đồng thời, khả năng Việt Nam thâm hụt ngân sách và nhu cầu đầu tư có thể nợ công vượt ngưỡng 50% GDP.

Lệ Chi

VnExpress

Đọc thêm