Việt Nam cần mở rộng diện tích hệ sinh thái tự nhiên

(PLVN) - Trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học công nghệ VinFuture 2023 đang diễn ra, Giáo sư Susan Solomon - nhà khoa học tiên phong trong lĩnh vực hóa học khí quyển từ Viện Công nghệ Massachusetts (Hoa Kỳ) đã bày tỏ sự lạc quan về triển vọng chuyển đổi sang năng lượng sạch và giảm dần phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
Mở rộng diện tích hệ sinh thái tự nhiên góp phần vào mục tiêu giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu. (Ảnh minh họa - Nguồn: IUCN)

Chuyển đổi xanh, năng lượng sạch cho mọi người

Bà Susan Solomon nhận định, giá thành sản xuất năng lượng sạch đang giảm dần, kéo theo việc nguyên vật liệu về pin, năng lượng, điện cũng giảm đi thông qua hiệu ứng dây chuyền, giúp hiệu quả kinh tế lớn hơn. Giáo sư Susan Solomon nhấn mạnh điều quan trọng là người dân Việt Nam sớm có ý thức thay đổi thói quen sử dụng năng lượng, vì quyền và lợi ích của chính mình. Những thói quen cần thay đổi như từ đi xe gắn máy, ô tô sử dụng năng lượng hóa thạch chuyển sang đi xe điện; hay hạn chế sử dụng rơm rạ để đun nấu… đều cần có những cơ chế nhất định để tạo động lực cho người dân chuyển đổi vì các mục tiêu môi trường, khí hậu và bền vững. Giáo sư Solomon cho rằng Chính phủ Việt Nam cần có cơ chế hỗ trợ về tài chính để người dân có thể chuyển đổi sang sử dụng nguồn năng lượng sạch, nhưng cũng lưu ý “đây là một thử thách đối với một nước đang phát triển”.

Giáo sư Daniel Kammen - thành viên Hội đồng Giải thưởng VinFuture, chuyên gia năng lượng đầu tiên của Sáng kiến Đối tác Môi trường và Khí hậu cho châu Mỹ (ECPA) đánh giá: Việt Nam có thể đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 thông qua ngành công nghiệp, nông nghiệp thông minh hoặc điện gió ngoài khơi… Lĩnh vực năng lượng sạch cũng mở ra nhiều cơ hội việc làm, chẳng hạn các công việc về giao thông xanh, liên quan đến công bằng về xã hội, chuyển dịch xanh, chuyển dịch về năng lượng sạch… Đặc biệt, lực lượng dân số trẻ Việt Nam hiện rất ủng hộ việc hướng tới một nền kinh tế sạch, chuyển đổi năng lượng sạch. Bởi vậy, Giáo sư Kammen cho rằng việc bảo đảm chi phí đầu tư vào năng lượng tái tạo sẽ mang lại lợi ích cụ thể về công việc, giúp thúc đẩy, khuyến khích giới trẻ tham gia chuyển đổi xanh.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh quan điểm, chuyển đổi xanh không chỉ là câu chuyện thay thế hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch bằng các nguồn năng lượng tái tạo mới. Đó còn là câu chuyện về giải phóng đất đai; từ đó, đóng góp vào việc ổn định cũng như bền vững đa dạng sinh học (ĐDSH) của Việt Nam.

Mở rộng diện tích hệ sinh thái tự nhiên

Chính phủ Việt Nam quyết tâm mạnh mẽ thực hiện các giải pháp chống biến đổi khí hậu, hướng tới đạt được phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Theo đó, các cam kết chuyển đổi năng lượng xanh, sạch cần song hành với các giải pháp thúc đẩy bền vững đa dạng sinh học, nhằm đạt mục tiêu “kép”: vừa cắt giảm phát thải vừa bảo đảm hệ sinh thái tự nhiên để hấp thụ khí nhà kính. Nhưng công cuộc ứng phó, giảm thiểu ảnh hưởng biến đổi khí hậu, hướng tới đạt được cam kết phát thải ròng bằng 0 là một chặng đường dài và vô cùng gian nan, không những yêu cầu các quốc gia giảm phát thải mà còn phải tăng cường khả năng hấp thụ khí nhà kính qua các giải pháp bảo tồn và tăng diện tích hệ sinh thái tự nhiên.

Việt Nam đã là một trong 168 bên tham gia Công ước ĐDSH (CBD). Một trong những mục tiêu chính của Khung ĐDSH Toàn cầu Kunming - Montreal định hướng công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trên toàn cầu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 là Mục tiêu 30x30. Cụ thể, thế giới cần bảo tồn 30% diện tích đất liền và biển của trái đất thông qua việc thành lập các khu bảo tồn và các OECMs - Khu vực có biện pháp bảo tồn hiệu quả khác ngoài khu bảo tồn thiên nhiên. Theo khái niệm quốc tế, OECMs là khu vực được xác định về mặt địa lý, không phải là khu bảo tồn được quản trị và quản lý theo những phương thức nhằm đạt được kết quả tích cực và bền vững lâu dài về bảo tồn ĐDSH tại chỗ với các chức năng và dịch vụ hệ sinh thái liên quan và đôi khi bảo tồn cả các giá trị văn hóa, tinh thần, kinh tế - xã hội và các giá trị có liên quan khác tại địa phương.

Chính phủ Việt Nam hiện đang nỗ lực hợp tác sâu rộng với các đối tác phát triển quốc tế để tăng cường mở rộng diện tích hệ sinh thái tự nhiên ngoài khu bảo tồn. Theo đó, khung pháp luật quy định việc thành lập và quản lý OECMs như một cách tiếp cận bảo tồn mang tính sáng tạo đang được nghiên cứu và xây dựng, thông qua việc tiếp thu ý kiến, đề xuất, khuyến nghị từ nhiều bên. Mới đây, có thể kể tới Hội thảo “Đánh giá tiềm năng và định hướng phát triển OECMs tại Việt Nam” do Cục Bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH (Bộ TN&MT) cùng với các tổ chức quốc tế hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn như Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF - Việt Nam) và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Đức GIZ.

Ông Jake Brunner, Giám đốc IUCN Khu vực Hạ lưu Mê Kông cho rằng: “Thể chế hóa các OECM sẽ không chỉ giúp Việt Nam thực hiện cam kết quốc tế mà còn bảo vệ ĐDSH của các sinh cảnh bị đe dọa như những vùng núi đá vôi độc lập, các vùng đồng cỏ ngập lũ theo mùa, các vùng bãi triều ven biển mà hiện nay còn chưa xuất hiện nhiều trong hệ thống các khu bảo tồn”. Bà Anja Barth, Cố vấn trưởng Dự án, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) Việt Nam cũng khẳng định “việc công nhận các OECMs, Việt Nam sẽ đạt được bước tiến đáng kể đối với hệ thống các khu bảo tồn và bảo vệ”. Bà cũng cho biết, dựa trên kết quả của một nghiên cứu mà GIZ Việt Nam đã phối hợp tiến hành cùng với Cục Bảo tồn Thiên nhiên và ĐDSH (Bộ TN&MT), Vụ Quản lý Rừng đặc dụng, phòng hộ (Bộ NN&PTNT), đã xác định được 9 hạng mục các khu vực là OECMs tiềm năng. Do đó, trong giai đoạn tới, Việt Nam cần xây dựng bản đồ của những khu vực này và đề xuất các cơ chế quản lý và quản trị tổng thể.

Đọc thêm