Việt Nam ’dẫn đầu về CNTT-TT’: người dân hưởng lợi gì?

Thông tin di động băng rộng phủ sóng 95% dân cư, hầu hết người dân sẽ được truy cập Internet băng rộng và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến ở mức cao nhất.

Thông tin di động băng rộng phủ sóng 95% dân cư, hầu hết người dân sẽ được truy cập Internet băng rộng và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến ở mức cao nhất.

Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với nhiều chỉ tiêu dẫn đầu trong các bảng xếp hạng thế giới. Với tác động toàn diện tới các trụ cột quan trọng của ngành CNTT&TT, người dân cũng được hưởng lợi trong truy cập và ứng dụng CNTT khi kết nối Internet và thông tin di động băng rộng được triển khai rộng khắp.

Kết nối rộng khắp.

Hầu hết các dịch vụ công trực tuyến cơ bản sẽ được cung cấp ở mức độ cao nhất. Ảnh minh hoạ.
Theo Đề án, đến năm 2020, mạng băng rộng được triển khai đến hầu hết các thôn bản, thông tin di động băng rộng được phủ sóng đến 95% dân cư.

Khi đó, hầu hết các hộ gia đình sử dụng các dịch vụ số, 50-60% số hộ gia đình có máy tính và truy cập Internet băng rộng. Trong số này sẽ có 25-30% truy nhập băng rộng thông qua cáp quang; tỷ lệ người dân sử dụng Internet đạt trên 70%.

Cũng trong mục tiêu phổ cập thông tin, đến năm 2015, 90% hộ dân đều có máy thu hình, trong đó 80% xem được truyền hình số bằng các phương thức khác nhau.

Với mục tiêu đưa CPĐT Việt Nam thuộc loại khá trên thế giới và nằm trong nhóm 1/3 dẫn đầu trong bảng xếp hạng của Liên hiệp quốc về mức độ sẵn sàng CPĐT, người dân sẽ được sử dụng qua mạng hầu hết các dịch vụ công cơ bản ở mức độ 4. Đây là mức cao nhất của các dịch vụ công trực tuyến, cho phép người dân trực tiếp thanh toán phí dịch vụ, nhận kết quả dịch vụ qua mạng.


Về nguồn nhân lực CNTT, 80% sinh viên CNTT&TT tốt nghiệp ĐH sẽ có đủ khả năng chuyên môn và ngoại ngữ để tham gia thị trường lao động quốc tế.

Ưu tiên cho các “vùng lõm” CNTT-TT

Chính phủ chủ trương phát triển các điểm truy cập công cộng tại các địa điểm như trường học, nhà văn hoá xã, đồn biên phòng, điểm bưu điện – văn hoá xã hay các trung tâm giáo dục cộng đồng,... để thu hút và tạo điều kiện tốt nhất cho người dân khai thác, sử dụng các dịch vụ điện thoại cố định và truy cập Internet.

Để phổ cập thông tin đến các hộ gia đình, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý mở rộng phạm vi hoạt động của Quỹ dịch vụ viễn thông công ích và sử dụng kinh phí đấu giá tần số để hỗ trợ phát triển hạ tầng, phổ cập sử dụng dịch vụ viễn thông, Internet băng rộng và hỗ trợ thiết bị nghe nhìn, thiết bị thu truyền hình số cho người dân ở vùng sâu, vùng xa.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng cho phép áp dụng ưu đãi cao nhất về đầu tư đối với các dự án phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng tới các vùng vẫn được cho là “lõm” về CNTT-TT bao gồm nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Với nguồn nhân lực CNTT, Chính phủ ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, tạo cơ chế đặt thù để tăng quyền tự chủ cho một số cơ sở đào tạo, nghiên cứu trọng điểm về CNTT đạt trình độ quốc tế.

(Theo Vietnamnet)

Đọc thêm