“Việt Nam nhất quán trong chính sách, tôn trọng, bảo đảm quyền con người“

(PLO) - Tại ngày làm việc cuối cùng, 1-4, Ủy ban Thường trực về Dân chủ và Nhân quyền IPU sẽ tiếp tục thảo luận về “Dân chủ trong kỳ nguyên công nghệ số và sự đe dọa quyền riêng tư và các quyền tự do cá nhân cơ bản”;
Tại thảo luận, ông Nguyễn Minh Thông - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Việt Nam nhận định đây một chủ đề rất quan trọng, có ý nghĩa lớn tới cuộc sống và hoan nghênh IPU đã đưa vấn đề này ra thảo luận tại Hà Nội.
Ông Thông cho rằng, hiện nay công nghệ số có ảnh hưởng lớn cuộc sống của mỗi công dân, cộng đồng, quốc gia và toàn thể nhân loại. Đặc biệt các vấn đề dân chủ, nhân quyền cũng đang phát triển mạnh mẽ theo các phương tiện internet. 
Bên cạnh các lợi ích to lớn do các phương tiện truyền hình kỹ thuật số mang lại như nâng cao năng lực tiếp cận thông tin của con người, liên kết các cá nhân, các cộng đồng; công nghệ số còn đặt ra nhiều thách thức với dân chủ, quyền con người, đặc biệt là các quyền riêng tư, quyền tự do cá nhân. 
Một số thế lực thù địch, cực đoan đã lợi dụng các phương tiện truyền thông, internet để tuyên truyền, phát tán các thông tin sai sự thật, phản dân chủ, xâm hại đến các quyền riêng tư, quyền tự do cá nhân. Các hành vi nghe lén điện thoại, xâm nhập thông tin cá nhân, tấn công mạng vẫn đang xảy ra, đe dọa đến dân chủ và quyền con người.
Ông Thông nhấn mạnh, Việt Nam là một quốc gia đề cao các quyền dân chủ, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người. Hiến pháp năm 2013 mà Việt Nam vừa thông qua đủ khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam tôn trọng, bảo đảm quyền con người theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Việt Nam cũng là một trong các quốc gia đã áp dụng mạnh mẽ các ứng dụng công nghệ số vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội. 
Hiện tại Việt Nam có khoảng 33 triệu người sử dụng internet, nằm trong top 10 châu Á và top 20 thế giới về số người dùng internet. Việt Nam hiện có khoảng 70 báo điện tử, 19 tạp chí điện tử, 200 trang thông tin điện tử với hàng triệu người tham gia mạng xã hội. Đây là những diễn đàn thuận lợi để cung cấp thông tin của con người.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Việt Nam khẳng định, Việt Nam cho rằng phát triển công nghệ số là nhu cầu khách quan của xã hội và của các cá nhân. Do vậy, Quốc hội Việt Nam rất tích cực trong việc hoàn thiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực công nghệ số để 1 mặt bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân, mặt khác tạo hành lang pháp lý để giám sát và quản lý đúng đắn, hợp lý các hoạt động thông tin nhằm bảo vệ các giá trị dân chủ, riêng tư và tự do cá nhân. 
Việt Nam đề nghị các quốc gia, các Nghị viện thành viên của IPU tăng cường hợp tác, trao đổi thông tin, tích cực đề xuất các sáng kiến để sớm hình thành một khuôn khổ pháp lý mới trong lĩnh vực truyền thông, thông tin; cùng hành động vì hòa bình, dân chủ, an ninh và một thế giới tốt đẹp hơn. 

Đọc thêm