Việt Nam phấn đấu thành quốc gia mạnh từ biển

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đã chỉ rõ, phải phấn đấu để Việt Nam trở thành quốc gia mạnh lên từ biển, giàu lên từ biển, trong đó kinh tế biển chiếm khoảng 53-55% GDP và 55-56% kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đã chỉ rõ, phải phấn đấu để Việt Nam trở thành quốc gia mạnh lên từ biển, giàu lên từ biển, trong đó kinh tế biển chiếm khoảng 53-55% GDP và 55-56% kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Bốc xếp hàng container tại Cảng Tiên Sa, Đà Nẵng

Từ 1 đến 8-6-2010, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam lần thứ II sẽ được Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong cả nước tổ chức nhằm góp phần nâng cao nhận thức một cách toàn diện, sâu rộng trong xã hội về vai trò, vị trí chiến lược của biển, hải đảo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Tiềm năng

Việt Nam nằm ở phía tây Biển Đông, có bờ biển dài hơn 3.260km và hơn 3.000 hòn đảo. Vùng biển Việt Nam là một phần của Biển Đông, diện tích mặt biển rộng hơn 1 triệu km2, gấp 3 lần diện tích đất liền.

Với hình thể đất nước hẹp chiều ngang, trải dài theo hướng á kinh tuyến, toàn bộ lãnh thổ đất liền của nước ta có thể ví như” vùng duyên hải” và tạo ra một lợi thế ”mặt tiền” hướng biển - thuận lợi cho giao thương và hội nhập kinh tế quốc tế.

Biển Việt Nam rất giàu tài nguyên thiên nhiên và cảnh quan đẹp, bao gồm cả tài nguyên sinh vật và phi sinh vật, những giá trị vật thể và phi vật thể, các chức năng và dịch vụ hệ sinh thái biển và ven biển. Những tài nguyên đó là những thế mạnh và cơ sở để phát triển các ngành kinh tế biển khác nhau.

Vì thế biển đóng vai trò rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của đất nước. Biển Việt Nam có mức độ đa dạng sinh học tương đối cao với nhiều hệ sinh thái cửa sông đặc thù, hệ sinh thái đất ngập nước, rừng ngập mặn, các rạn san hô, thảm cỏ biển dọc từ Bắc vào Nam và quanh các đảo lớn, nhỏ. Đây là những nơi có điều kiện lý tưởng để các loài sinh vật biển sinh sống và phát triển, tạo nên nguồn lợi hải sản phong phú và đa dạng.

Biển và hải đảo gắn bó mật thiết và ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế-xã, đảm bảo quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường. Các thế hệ người Việt đã gắn bó với biển và có cuộc sống phục thuộc vào biển cả, đặc biệt đối với người dân sống ở các huyện ven biển và hải đảo (chiếm 17% tổng diện tích và khoảng 30% dân số cả nước).

Việc sử dụng biển và hải đảo ở Việt Nam đã mang lại nhiều lợi ích về kinh tế-xã hội và có những đóng góp đáng kể cho nền kinh tế quốc dân, chiếm khoảng 48% tổng GDP của Việt Nam (năm 2005), chủ yếu từ các ngành kinh tế biển như: dầu khí, thủy sản, đóng tàu, du lịch và các dịch vụ kèm theo.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mang lại, việc sử dụng biển, ven biển và hải đảo ở Việt Nam vẫn chưa thực sự hiệu quả và bền vững do các hoạt động phát triển vùng ven biển thiếu quy hoạch, thiếu các kế hoạch đầu tư mang tính tổng thể, đặc biệt là trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Quản lý thống nhất

Tháng 3-2008, Chính phủ Việt Nam đã thành lập Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường để thực hiện chức năng quản lý tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo, bao gồm cả các vùng ven biển trên khắp đất nước.

Tổng cục luôn xác định công tác quản lý khai thác, sử dụng biển phải được đẩy mạnh và gắn kết chặt chẽ với công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về phát huy các thế mạnh, tiềm năng tài nguyên biển và hải đảo.

Đây là hai trụ cột để Tổng cục phát huy được vai trò là cơ quan đầu mối giúp bộ làm tốt trách nhiệm điều phối giữa các cấp, ngành, địa phương trong hệ thống quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu cũng như tăng cường mối quan hệ giữa Chính phủ với cộng đồng và doanh nghiệp trong việc giải quyết các vấn đề lợi ích kinh tế-xã hội một cách hài hòa, bền vững.

Hiện nay, Tổng cục đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng Luật tài nguyên và môi trường biển phục vụ công tác quản lý việc khai thác, sử dụng biển và hải đảo, quy hoạch tổng thể sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo; xây dựng đề án thương mại hóa các thông tin, dữ liệu biển, đảo phù hợp với cơ chế thị trường.

Đây sẽ là những công cụ quản lý nhà nước rất quan trọng để sớm chấn chỉnh, đưa các hoạt động khai thác, sử dụng biển, đảo vào nề nếp góp phần phát huy cao nhất hiệu quả quản lý nền kinh tế biển.

Thời gian tới, công tác tuyên truyền biển, đảo về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển và hải đảo Việt Nam, trong đó lĩnh vực xây dựng quảng bá thương hiệu biển Việt Nam cần được đẩy mạnh nhằm củng cố và góp phần nâng cao tỷ trọng phát triển nền kinh tế biển và vị thế quốc gia biển Việt Nam.

Xuất phát từ quan điểm phải gắn kết xây dựng, quảng bá thương hiệu biển Việt Nam với chủ trương đẩy mạnh kinh tế hóa ngành tài nguyên và môi trường, phó giáo sư, tiến sĩ khoa học Nguyễn Văn Cư, Tổng cục trưởng, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam khẳng định, Tổng cục sẽ luôn đồng hành cùng với các bộ, ngành, các địa phương, các hiệp hội kinh tế và các doanh nghiệp có hoài bão vươn ra biển, làm giàu từ biển để sớm đưa Thương hiệu biển Việt Nam từng bước đạt đẳng cấp khu vực và quốc tế.

Theo TTXVN

Đọc thêm