Hội nhập khiến Việt Nam có bước đột phá
Theo nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, 3 năm là thời gian quá ngắn để đánh giá một sự kiện lớn, hơn nữa khó có thể nói cái gì là do WTO, cái gì là do các yếu tố khác tác động đến nền kinh tế, và đặc biệt là Việt Nam gia nhập WTO vào đúng thời điểm nền kinh tế rơi vào khủng hoảng trầm trọng... Sau 3 năm gia nhập, chúng ta có thể nhìn nhận lại được những tác động hữu hình và vô hình rõ hơn. Trong đó, tác động hữu hình biểu hiện sự tăng trưởng của kim ngạch xuất khẩu và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, sau năm 2007 gia nhập WTO, đến năm 2008, xuất khẩu gia tăng đáng kể, tuy nhiên đến năm 2009 lại bị âm 9% do tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới. Tác động vô hình là nhận thức của người dân Việt Nam về việc gia nhập WTO ngày càng tốt hơn. Về thể chế cũng được cải thiện rõ rệt trong các năm gần đây. Cụ thể, sức ép hội nhập khiến Việt Nam có bước đột phá khi đặt mục tiêu giảm tối thiểu 30% số thủ tục hành chính hiện hành. Đồng thời, phân biệt rõ hơn thể chế thị trường và kinh tế thế giới để từ đó doanh nghiệp Việt Nam biết xoay xở và thích ứng tốt hơn.
Nhận định về môi trường kinh doanh tại Việt Nam, luật sư Oliver Massmann, thành viên Ban quản trị Phòng Thương mại-Công nghiệp châu Âu (EuroCham) nhấn mạnh, môi trường kinh doanh tại Việt Nam ngày càng minh bạch, thị trường phát triển theo hướng thu hút đầu tư trong và ngoài nước một cách hiệu quả. Là thành viên WTO, Việt Nam được tăng vốn đầu tư và chuyển giao công nghệ cao từ các quốc gia khác. Tuân thủ các quy định luật lệ của WTO, Việt Nam xây dựng và củng cố niềm tin của các quốc gia khác trong cơ chế chính sách của mình, do đó thu hút được đầu tư nước ngoài vào Việt Nam . Đồng thời, Việt Nam có nhiều cơ hội thuận lợi để tiếp cận nguồn vốn vay, các hình thức tín dụng và tài trợ của các tổ chức tài chính quốc tế như WB, IMF...Quá trình hội nhập WTO góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.
Nguồn vốn FDI tăng cao
Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay, mối quan tâm chính được bàn thảo tại hội thảo là nguồn vốn FDI chảy vào Việt Nam theo chiều hướng nào? - Đánh giá về vấn đề này, GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phân tích, FDI nhiều năm qua trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh tế của Việt Nam .
Sau 6 năm (1999 đến 2004), nguồn vốn FDI vào Việt Nam giảm sút nghiêm trọng, nhưng từ năm 2005 đến 2008 lại có tăng trưởng khá cao, từ vốn đăng ký 12 tỷ USD và thực hiện 4,1 tỷ USD năm 2006, đến năm 2008 con số tương ứng là 64 tỷ USD và 11,6 tỷ USD. Riêng năm 2009, do tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, vốn đăng ký giảm mạnh, nhưng thực hiện vẫn đạt 10 tỷ USD, bằng 86% so với năm trước. Con số thống kê trên nói lên tính hấp dẫn của Việt Nam đặc biệt trong tăng trưởng dài hạn, bên cạnh cải cách của Việt Nam gắn với hội nhập, các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước đều nhìn thấy quá trình công khai, minh bạch những chính sách của Việt Nam.
Theo TS.Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương, đây là 3 năm đầy thử thách và sóng gió “3 năm là ba tình huống và ba chính sách”, năm 2007 là rất hứng khởi tăng trưởng cao, năm 2008 là bất ổn kinh tế vĩ mô, từ cuối năm 2008 đến hết năm 2009 chịu tác động rất tồi tệ của cuộc khủng hoảng và suy thoái toàn cầu. Tuy nhiên, việc Việt Nam gia nhập WTO có bài học lớn dưới góc độ quản lý và kinh tế vĩ mô là cái tương tác cải cách trong nước và cái hội nhập. Chính hội nhập là sức ép để cải cách trong nước tốt hơn. Thứ hai, dưới gốc độ vĩ mô, đó là do sức ép để cạnh tranh. Nếu nhìn về tỷ trọng đầu tư trong đầu tư xã hội, tỷ trọng đầu tư trực tiếp từ nước ngoài tăng lên rất cao, trước đây chỉ 16% đến 17%, nhưng ba năm qua đều trên 20% rồi 25%, thậm chí 30%. Khu vực đầu tư tư nhân dù khó khăn trong năm 2008 và 2009 vẫn có những bước phát triển mới, không chỉ tính số lượng doanh nghiệp mới thành lập mà kể cả vốn đầu tư của tư nhân cũng tăng đáng kể. Chính đầu tư tư nhân và trực tiếp nước ngoài góp phần không chỉ tăng trưởng mà còn hạn chế suy giảm trong năm 2009.
Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài dự báo, FDI của nước ta năm 2010 sẽ phục hồi và có thể tăng trưởng cao hơn năm 2008 về vốn thực hiện và chất lượng các dự án FDI được nâng cao hơn. Bởi tăng trưởng kinh tế năm 2010 có thể đạt khoảng 6,5%, cao hơn năm 2009.
Cần những biện pháp trong tương lai
Đánh giá về triển vọng năm 2010, ông Vũ Khoan cho rằng, sau khủng hoảng, nước ta bộc lộ nhiều điểm yếu về hạ tầng, nguồn nhân lực, thể chế chưa hoàn chỉnh... những vấn đề này sẽ đè nặng lên nền kinh tế. Đặc biệt, toàn thế giới đang tái cơ cấu nền kinh tế, nếu Việt Nam không tái cơ cấu kịp, có thể sẽ bị đánh bật ra khỏi “cuộc chơi”...
Ông Oliver Massmann cũng cho rằng, Việt Nam nên chú trọng đào tạo nhân lực, mở thêm nhiều trường dạy nghề thay vì mở thêm trường đại học đào tạo lý thuyết.
Các đại biểu cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục hoàn chỉnh các quy định pháp lý cụ thể và chi tiết để thực hiện các cam kết quốc tế, khai thác triệt để các quy định có lợi để bảo đảm tốt lợi ích quốc gia.
Trần Thúy Hằng