Một trăm hai mươi năm trước đây, tại Hung-ga-ri, tất cả những thông tin liên quan đến hộ tịch như khai sinh, khai tử, đăng ký kết hôn… đã được đăng ký và quản lý một cách quy củ. Hệ thống mã số định danh cá nhân cũng đã được triển khai tại Hung-ga-ri từ cách đây vài thập kỷ nhưng phải tới ngày 1/7/2014, những thông tin liên quan đến hộ tịch tại đây mới được điện tử hóa hoàn toàn.
“Phải xác định ngay từ đầu cải cách này để làm gì?”
Bộ Tư pháp Việt Nam đang chủ trì xây dựng Dự án Luật Hộ tịch, Dự án Luật Ban hành Quyết định hành chính, trong đó có những cải cách thủ tục hành chính rất lớn, ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm?
- Từ năm 1957 Hung-ga-ri đã có Luật về thủ tục hành chính, điều chỉnh tất cả hoạt động của các cơ quan cung cấp các dịch vụ hành chính.Tất nhiên sau đó Luật này liên tục được chỉnh sửa để phù hợp với điều kiện và tình hình mới. Chính phủ Hung-ga-ri trong những năm gần đây cũng đã có những nỗ lực rất lớn để sửa đổi Luật này để nó mang tính phục vụ ngày càng cao hơn. Bên cạnh đó, việc xây dựng, bố trí lại các cơ quan chức năng liên quan cũng được tiến hành quyết liệt.
Chúng tôi được biết Việt Nam đang xây dựng các văn bản cũng như xúc tiến các công việc cần thiết để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ việc cấp mã số định danh cho công dân, áp dụng vào tất cả các hoạt động liên quan đến hộ tịch. Trước hết, phải khẳng định rằng cải cách là một mục tiêu đúng đắn và cần thiết. Tuy nhiên, ngay từ ban đầu, cần xác định là cải cách để làm gì, xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu cá nhân cũng như cấp mã số định danh công dân sau này sẽ phục vụ cho các dịch vụ hành chính công nào?
Các ông mất thời gian bao lâu để làm việc này?
- Tại nước tôi, từ cách đây 120 năm, tất cả những thông tin liên quan đến hộ tịch như khai sinh, khai tử, đăng ký kết hôn… đã được đăng ký và quản lý một cách quy củ. Hệ thống mã số định danh cá nhân cũng đã được triển khai từ cách đây vài thập kỷ, nhưng phải tới ngày 1/7/2014, những thông tin liên quan đến hộ tịch của chúng tôi mới được điện tử hóa hoàn toàn.
Nói thế để thấy rằng việc xây dựng Hệ thống dữ liệu công dân, cấp mã số định danh cá nhân cũng như điện tử hóa các thông tin về hộ tịch là một quá trình lâu dài chứ không phải một lúc mà có thể triển khai ngay được.
Vì sao lại mất thời gian như vậy?
- Việc xây dựng các dữ liệu liên quan đến vấn đề hộ tịch, rất khó có thể làm ngược lại thời gian, thu thập lại thông tin, mà chỉ nên triển khai hệ thống mới từ một thời điểm trở đi. Nếu bây giờ mới bắt đầu triển khai việc thu thập dữ liệu của các cá nhân cho một đất nước 90 triệu dân như Việt Nam thì có khi phải mất hàng thập kỷ mới có được một bộ dữ liệu hộ tịch hoàn thiện của cả nước. Hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ cho việc cấp mã số định danh cá nhân sẽ là một hệ thống khổng lồ, tốn không ít kinh phí.
Các ông gặp rắc rối gì trong quá trình triển khai?
- Khó khăn của việc triển khai hệ thống điện tử nằm ở việc xây dựng một logic hoàn toàn mới. Cần phải bỏ các qui định cũ như thời làm hộ tịch trên giấy; đưa ra những qui định mới để có thể tận dụng được hết khả năng công nghệ. Khó khăn nữa là xử lí và nhập các số liệu tích tụ từ 120 năm nay vào hệ thống mới. Không thể đưa được cùng một lúc tất cả các dữ liệu vào hệ thống mới. Để giảm tải công việc, cũng như vì lí do chuyên môn, bên cạnh các sự kiện hộ tịch mới, các số liệu cũ chỉ phải cập nhật vào hệ thống mới trong những trường hợp nhất định được luật qui định. Cũng không phải số liệu nào cũng đưa vào, mà chỉ đưa những số liệu luật qui định.
Ở Hung-ga-ri có những qui định gì liên quan đến mã số định danh cá nhân?
- Ở Hung-ga-ri, mã số định danh cá nhân đã được cấp cho mỗi công dân từ cách đây vài thập kỷ. Nhìn vào bốn số đầu của dãy mã số, có thể biết được giới tính, ngày tháng năm sinh của một người nào đó. Bốn số cuối của dãy số không chứa dữ liệu gì.
Tuy nhiên, vào những năm 1990, Tòa án Hiến pháp Hung-ga-ri cho rằng số định danh cá nhân như vậy là vi phạm quyền về bảo mật thông tin cá nhân của công dân. Tòa tuyên bố số định danh cá nhân như là một mã số liên quan đến công tác quản lý dân cư, chỉ có thể chứa đựng các thông tin cá nhân liên quan trực tiếp với quản lí dân cư. Cơ sở dữ liệu này không được phép chứa đựng các thông tin cá nhân không phục vụ mục đích đó, ví dụ các thông tin về tình hình sức khỏe của công dân. Việc xử lí các thông tin liên quan đến công dân phải được qui định bởi pháp luật.
Cơ quan nào quản lí, có quyền truy cập số liệu này?
- Ở Hung-ga-ri có nhiều cơ sở dữ liệu với các số định danh độc lập của công dân và chỉ có những cơ quan liên quan mới có quyền truy cập dữ liệu đó. Ví dụ có cơ sở dữ liệu riêng về những người đóng thuế, hoặc về những người được hưởng bảo hiểm y tế. Các cơ quan quản lí các thông tin này chỉ có thể cung cấp thông tin cho các cơ quan khác khi cần thiết vì lí do công vụ và được luật cho phép.
Lập cơ quan chuyên trách chỉ bảo vệ thông tin
Như vậy bản giấy các giấy tờ hộ tịch đã “tuyệt chủng” ở nước ông?
- Chính phủ không có trách nhiệm phải cấp bản giấy. Nhưng nếu người dân muốn có bản giấy các giấy tờ hộ tịch có ý nghĩa để lưu giữ thì vẫn được cơ quan hành chính cấp cho bản sao, hoặc được nhận lại bản Đăng ký kết hôn đã ký trước mặt chính quyền, sau khi nhân viên nhập các dữ liệu cần thiết vào hệ thống điện tử.
Vấn đề bảo mật thông tin được các ông triển khai như thế nào?
- Vấn đề an toàn dữ liệu, bảo vệ tính bảo mật của các dữ liệu cá nhân là vấn đề quan tâm hàng đầu của chúng tôi. Thứ nhất, luật đã quy định rõ ràng ai, trong trường hợp nào,vì lý do gì thì được tiếp cận các thông tin ở cấp độ nào, truyền tiếp đến đâu hay là không. Thứ hai, thông qua các biện pháp kỹ thuật. Chúng tôi có một cơ quan riêng để chuyên bảo vệ hệ thống thông tin hành chính này, đảm bảo không để lộ, lọt thông tin ra ngoài.
Vì sao Hung-ga-ri kiên trì xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ cấp mã số định danh cá nhân và điện tử hóa hệ thống thông tin hộ tịch?
- Việc điện tử hóa hệ thống thông tin hộ tịch giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí hành chính, thời gian hành chính của người thụ lý hồ sơ, tiết kiệm thời gian đi lại cho người dân. Đặc biệt, ngoài lợi ích về mặt kinh tế thì điều này giúp nâng cao sự hài lòng của người dân đối với Nhà nước, tất nhiên phải khi cả hệ thống hoàn chỉnh đi vào hoạt động người dân mới cảm nhận được điều này.
Ông có thể chứng minh thêm?
- Nói về tiện ích của hệ thống dữ liệu hộ tịch điện tử, tôi xin nêu một ví dụ. Trước đây nếu tôi muốn đăng ký kết hôn thì trước hết tôi phải về quê, đến Văn phòng hộ tịch xin cấp bản sao giấy khai sinh, rồi mang bản sao đó lên Thủ đô nộp vào cơ quan hành chính để xin đăng kí kết hôn. Nay tôi chỉ cần đến cơ quan hành chính cho biết là tôi có nguyện vọng đăng ký kết hôn, cơ quan hành chính sẽ tự tra cơ sở dữ liệu của họ là có ngay thông tin, không cần nộp giấy tờ gì khác.
Mặc dù hệ thống chính trị cũng như tổ chức bộ máy nhà nước của Việt Nam, Hung-ga-ri có những khác biệt nhưng tôi tin rằng những nỗ lực cũng như những kinh nghiệm mà chúng tôi có được trong quá trình cải cách hệ thống hành chính có thể là những kinh nghiệm tốt để các đồng nghiệp Việt Nam tham khảo.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Việt Nam (trọng tâm là xây dựng, cấp mã số định danh cá nhân, trùng với số chứng minh nhân dân 12 số mới), mục tiêu của việc xây dựng cơ sở dữ liệu này là để dùng chung cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm cung cấp chính xác, kịp thời thông tin cơ bản về dân cư phục vụ công tác quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu chính đáng của công dân.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được xây dựng thống nhất trên toàn quốc và quản lý tại Trung tâm Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thuộc Bộ Công an, Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Công an các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Thông tin của công dân được thu thập, cập nhật trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bao gồm: Họ và tên, số định danh cá nhân, ảnh cá nhân, quê quán, giới tính, dân tộc, chứng minh nhân dân, hộ chiếu, thẻ bảo hiểm y tế, mã số thuế cá nhân, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi làm việc, nơi ở...