Việt Nam sẽ thành cường quốc nông nghiệp, nông thôn là nơi đáng sống

(PLVN) -  Chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tập trung vào nâng cao giá trị, hiệu quả, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu của thị trường là mục tiêu xuyên suốt trong Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ngành Nông nghiệp phải hướng tới nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái bằng áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ

Ngành Nông nghiệp phải đổi mới tư duy!

Theo Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 150/QĐ-TTg, mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GDP nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 2,5 - 3%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 5,5 - 6%/năm; mở rộng và phát triển thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu. Tốc độ tăng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 5 - 6%/năm…

Đặc biệt, Chiến lược đề ra mục tiêu đến năm 2050, Việt Nam sẽ trở thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường. Nông thôn Việt Nam không còn hộ nghèo và trở thành “nơi đáng sống” văn minh, xanh, đẹp…

Chia sẻ tại cuộc họp báo công bố Chiến lược diễn ra hôm 17/2) ông Trần Công Thắng - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT), đơn vị chắp bút xây dựng dự thảo Chiến lược cho rằng, “Đây không phải chiến lược của riêng ngành Nông nghiệp, đòi hỏi sự chung tay của các ngành, các cấp, của cả xã hội”.

Đồng tình với nhận định này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, đây được xem là chiến lược của xã hội, doanh nghiệp (DN), người nông dân…. Bộ NN&PTNT chỉ xây dựng chiến lược, quy hoạch, thể chế , mô hình…, còn thực hiện chính là người nông dân, DN, các hiệp hội ngành hàng, các nhóm xã hội.

Với mục tiêu trên, ngành Nông nghiệp sẽ phải đổi mới tư duy sản xuất. Đó là chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tập trung vào nâng cao giá trị, hiệu quả, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu của thị trường. Chuyển từ phát triển đơn ngành sang tích hợp đa ngành, từ “đơn giá trị” sang “tích hợp đa giá trị…

"Ngành Nông nghiệp cũng phải hướng tới nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái bằng việc áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ; sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, không gây ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe con người. Hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường…”, Bộ trưởng phân tích.

Tình trạng "giải cứu" nông sản thời gian gần đây vẫn thường xuyên diễn ra

Được mùa mất giá không phải câu chuyện “ngày một, ngày hai”

Trả lời câu hỏi của PLVN về thực tế ngành Nông nghiệp năm nào cũng chứng kiến cảnh “được mùa mất giá”, “giải cứu”, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT cho rằng đây là việc không tránh khỏi đối với sản xuất nông nghiệp, nhưng mục tiêu của ngành đặt ra là hạn chế thấp nhất tình trạng này.

“Ngành trồng trọt không có quy hoạch cho từng ngành mà theo từng địa phương, Bộ cũng căn cứ vào quy hoạch của các tỉnh chứ Bộ không có đất. Vì vậy khi xây dựng quy hoạch chung, các tỉnh cần có quy hoạch về trồng trọt gắn với hạ tầng giao thông logistic… từ đó tạo sự đồng nhất chung trên cả nước…”, ông Cường nói.

Theo Bộ trưởng, dường như ngành Nông nghiệp nước ta vẫn manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Đó là yếu điểm kéo theo hàng loạt câu chuyện “được mùa mất giá”, câu chuyện thị trường, câu chuyện dự báo. Thông tin minh bạch thì cung cầu quyết định giá, còn thông tin bất cân xứng thì không ai có thể can thiệp được. “Từ DN, nông dân cho đến truyền thông đều tham gia quyết định giá cả. Do đó, việc được mùa, mất giá không phải chuyện của riêng ai”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Người đứng đầu ngành nông nghiệp cũng chia sẻ, tầm nhìn chiến lược là dài hạn, không chỉ mang tính chất giải quyết vấn đề, mà còn tiếp cận những xu thế của nền kinh tế toàn cầu, trong đó có xu thế tiêu dùng xanh của thế giới.

Nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước 3 biến đổi lớn đó là biến đổi khí hậu, biến đổi thị trường và xu thế của thế giới. Thực tế quyết định thành công của chiến lược và những con số của chiến lược cần linh hoạt trong từng thời điểm. Không kỳ vọng chiến lược này năm sau “đâu vào đó”. Việc quan trọng hàng đầu là cần tổ chức lại sản xuất, sau đó mới là hàng loạt câu chuyện công nghệ, khai phá thị trường mới. “Trên hết vẫn là đổi mới tư duy. Đổi mới tư duy không những khắc phục được vấn đề tồn tại lâu nay mà chúng ta có thể làm giàu được từ nông nghiệp”, Bộ trưởng quả quyết.

Đọc thêm