Tham dự và phát biểu tại Hội nghị có Ngài Dato’ Sri. Dr. Haji Wan Junaidi bin Tuanku Jaafar, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề về nghị viện và pháp luật, Văn phòng Thủ tướng Ma-lai-xi-a – Chủ tịch ALAWMM 11; Bộ trưởng Tư pháp/Tổng Chưởng lý 10 nước ASEAN và ông Trần Đức Bình, Phó Tổng Thư ký ASEAN.
Trong bài phát biểu khai mạc, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề về nghị viện và pháp luật, Văn phòng Thủ tướng Ma-lai-xi-a – Chủ tịch ALAWMM 11 đã chia sẻ về những tác động tiêu cực mà dịch Covid-19 gây ra cho các nước trong khu vực. Đồng thời nhấn mạnh vấn đề dịch bệnh đang đặt ra những yêu cầu mới về xây dựng, hoàn thiện thể chế nhằm ứng phó kịp thời với dịch bệnh, đảm bảo tiếp cận công lý cho người dân và thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Bộ trưởng phụ trách các vấn đề về nghị viện và pháp luật, Văn phòng Thủ tướng Ma-lai-xi-a – Chủ tịch ALAWMM 11 . |
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Lê Thành Long đánh giá cao những nỗ lực của các quốc gia thành viên ASEAN trong việc đề xuất và phối hợp thực hiện nhiều sáng kiến hợp tác đã được thông qua từ các kỳ ALAWMM trước đây. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh ALAWMM và ASLOM cần tiếp tục đổi mới cả về hình thức, phương thức và cơ chế hợp tác cũng như nội dung hoạt động để nâng cao tính thực chất, hiệu quả của cơ chế hợp tác này và chủ động thích ứng linh hoạt với diễn biến tình hình trong bối cảnh dịch bệnh.
Đồng thời Bộ trưởng Lê Thành Long đánh giá cao việc lần đầu tiên cơ chế hội nghị tham vấn giữa ASLOM với Nhật Bản và ASLOM với Hội nghị La Hay về Tư pháp quốc tế (HccH) được tổ chức bên lề Hội nghị Quan chức pháp luật cao cấp ASEAN (ASLOM) lần thứ 20 (diễn ra từ 25-26/10/2021).
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu. |
Tại Hội nghị, các Trưởng đoàn các nước ASEAN đã thảo luận và thống nhất một số nội dung chủ yếu. Cụ thể là, ghi nhận những thành tựu quan trọng mà ASEAN đã đạt được trong việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025; đồng thời tuyên dương nỗ lực chung của ASEAN nhằm ngăn chặn, ứng phó và phục hồi hiệu quả sau đại dịch COVID-19, trong đó có việc thúc đẩy và triển khai Khung phục hồi toàn diện ASEAN.
Hội nghị đã rà soát và ghi nhận kết quả triển khai các hoạt động và sáng kiến đã được thông qua từ các kỳ ALAWMM trước, đặc biệt trong các lĩnh vực nâng cao nhận thức về hệ thống pháp luật các nước ASEAN, hài hoà hoá pháp luật thương mại trong ASEAN, phòng chống tội phạm, tư pháp hình sự và đảm bảo pháp quyền. Hội nghị cũng tuyên dương những nỗ lực của ASLOM trong việc nghiên cứu xây dựng Hiệp định ASEAN về dẫn độ, cụ thể là việc thành lập Nhóm Công tác ASLOM về nội dung này.
Hội nghị hoan nghênh sự tham gia tích cực của ASLOM và cam kết ALAWMM/ASLOM sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên ngành của ASEAN trong việc xử lý những vấn đề liên ngành, liên trụ cột, góp phần hiện thực hoá Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025. Ghi nhận và đánh giá cao việc lần đầu tiên cơ chế hội nghị tham vấn giữa ASLOM với Nhật Bản và ASLOM với Hội nghị Lahay về Tư pháp quốc tế (HccH) được tổ chức bên lề ASLOM 20 nhằm nghiên cứu, thảo luận về các cơ hội hợp tác cụ thể giữa các bên. Hội nghị thông qua việc nâng tần suất họp ALAWMM lên 02 năm/lần và họp ASLOM lên 01 năm/lần.
Sau một ngày làm việc tích cực, Hội nghị ALAWMM 11 đã thành công tốt đẹp. Các nội dung được thống nhất tại Hội nghị cần được các nước thành viên nỗ lực thực hiện, góp phần thúc đẩy hợp tác pháp luật và tư pháp trong khối, hiện thực hoá Tầm nhìn ASEAN 2025, hướng tới một Cộng đồng ASEAN ngày càng thịnh vượng, góp phần vào việc hoàn thành mục tiêu Chiến lược phát triển bền vững của Liên hợp quốc vào năm 2030.