Những thanh âm lách cách, mượt mà trải đều trên bàn phím, những gương mặt, ánh mắt ngời lên niềm hạnh phúc... Đó là hình ảnh các em học sinh người dân tộc thiểu số trường THCS Đạ K’Nàng (Đam Rông) đang chăm chú bên những chiếc máy tính kết nối với “thế giới phẳng” để tìm kiếm thông tin. Chương trình đưa internet đến học đường sau ba năm triển khai đã đến được với cả những học sinh ở vùng sâu vùng xa của tỉnh.
Một tiết thực hành tin học của HS trường THSC Đạ K’Nàng. |
Mở toang cánh cửa tri thức
Là ngôi trường ở vùng sâu vùng xa, xã khó khăn của huyện mới Đam Rông, trường có trên 400 học sinh (HS), trong đó gần 90% là người dân tộc thiểu số, nằm cách trung tâm hành chính huyện lỵ hơn 35km, cách TP Đà Lạt đến trên 80km nên việc giao lưu, học tập đối với HS của trường với các trường ở phố thị trước đây là điều trong mơ. Nhưng chỉ sau 3 năm (từ 11/2008 - 11/2010), chi nhánh Viettel Lâm Đồng phối hợp với ngành giáo dục của tỉnh đưa internet tới từng điểm trường trên địa bàn, cánh cửa “kho tàng tri thức” đã mở toang cho HS trường THCS Đạ K’Nàng.
Em Lê Văn Hùng, HS lớp 8A2 trường THCS Đạ K’Nàng cho biết: “Bắt đầu tiếp cận với internet từ năm lớp 6, gần 3 năm làm quen với mạng internet đã hỗ trợ em rất nhiều trong việc học, nay em có thể tự mình soạn thảo văn bản, tính toán, học tiếng Anh trên mạng. Tin học là môn học thú vị và yêu thích nhất đối với em”. K’Xá Ha Ben, bạn cùng lớp với Hùng, cũng cho hay: “Nhờ được học tin học giờ em có thể soạn được bài trên máy tính, học tiếng Anh và nhiều điều rất bổ ích cho việc học tập...”.
Cô Nguyễn Thị Hòe, giáo viên Tin học trường THCS Đạ K’Nàng chia sẻ: “HS đông, trường chỉ có 24 máy vi tính nên thỉnh thoảng các em mới được lên mạng. Nhưng bù lại, các em lại rất ham học. Và mỗi khi được thực hành tìm kiếm thông tin trên mạng thì cả lớp đều reo lên”. Cũng theo cô Hòe, đơn vị còn có một phân trường Păng Dung nằm cách điểm trường chính tới hơn 4km, tuy xa vậy nhưng tới tiết thực hành là các em đều đi học rất đầy đủ, không bỏ sót một tiết học nào. “Internet đã giúp cho HS của trường được nhìn ra thế giới bên ngoài nhờ lên mạng đọc báo, nghe nhạc cùng nhiều điều bổ ích khác... Trong đợt này, trường có rất nhiều HS tham gia chương trình kỳ thi ViOlympic giải Toán và tiếng Anh trên mạng, đó là điều không thể nếu không có chương trình đưa intrenet đến trường của Viettel” – cô Hòe nói.
“Với những lợi ích đến từ internet trong thời gian qua, đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa, có thể thấy một sự thay đổi lớn để rồi chúng ta có một kết quả giáo dục chất lượng toàn diện cả về qui mô, cả về số lượng và cả về sự đổi mới...” – bà Nguyễn Thị Anh Phương, Gám đốc Sở GD & ĐT Lâm Đồng, phát biểu tại Lễ tổng kết chương trình đưa Internet đến trường học, ngày 13/12 tại TP Đà Lạt.
Đưa vùng sâu gần với thành thị
Ông Nguyễn Văn Vũ, Phó hiệu trưởng trường THCS Đạ K’Nàng nói: “Khi Viettel triển khai chương trình internet vào trường học đã giúp cán bộ, giáo viên trong trường tiếp cận thông tin được nhanh hơn. Chẳng hạn, nhiều khi lãnh đạo Phòng hoặc Sở có ý kiến chỉ đạo gì thì đều tiếp cận được ngay, giáo viên cũng có điều kiện tra cứu tài liệu chuyên môn phục vụ cho giáo án cũng nhanh hơn sơ với trước”. Ông Vũ bộc bạch, nhiều đồng nghiệp ở ngoài quê tôi (Thanh Hóa) đến giờ vẫn chưa biết sử dụng mail, nhưng phần lớn học sinh của trường THSC Đạ K’Nàng – ở xã vùng ba của một huyện nghèo nhất nước thì đều đã biết sử dụng một số tiện ích của internet. Điều đó cho thấy hiệu quả thiết thực của sự phối hợp giữa Viettel với ngành giáo dục địa phương. Tuy nhiên, nếu được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư thêm một số máy móc thiết bị và ổn định đường truyền thì hiệu quả của chương trình này sẽ được nâng cao hơn.
Ông Phạm Quảng Đà, Giám đốc chi nhánh Viettel Lâm Đồng cho biết: “Tỉnh Lâm Đồng là một trong những địa phương có địa hình phức tạp, nhiều đồi núi nên việc triển khai hạ tầng mạng lưới, mạng cáp quang về vùng sâu vùng xa là vô cùng khó khăn... Nhưng với quyết tâm của người lính Viettel, chỉ trong vòng 21 tháng, đơn vị đã dựng được trên 13.000 trụ và đưa gần 2.000km cáp quang trải đều đến khắp các vùng sâu vùng xa trong tỉnh, từ Đam Rông tới Lạc Dương, Lâm Hà, Bảo Lâm, Đạ Tẻh, Cát Tiên... Thiết lập đường truyền internet băng thông rộng và cung cấp dịch vụ cho 322/326/tổng số 675 trường trên địa bàn, đạt trên 99% (4 trường còn lại do chưa có điện và máy tính, chi nhánh Viettel Lâm Đồng sẽ tiếp tục cung cấp dịch vụ trong thời gian tới). Kết quả đó khẳng định sự quyết tâm của người lính Viettel, góp phần vào sự phát triển của giáo dục tỉnh nhà”. Ông Đà cũng cho hay, lắp đặt xong, bàn giao xong dịch vụ internet miễn phí cho các trường không có nghĩa là Viettel sẽ kết thúc nhiệm vụ của mình, mà trong thời gian tới sẽ còn tiếp tục đồng hành với ngành giáo dục của tỉnh để phục vụ tốt cho sự nghiệp phát triển giáo dục của địa phương.
Bà Nguyễn Thị Anh Phương bộc bạch:“Lâm Đồng là một trong những tỉnh còn gặp khó khăn nhưng được được Bộ GD&ĐT, Cục CNTT của Bộ đánh giá là đơn vị thứ 9 trong toàn quốc về ứng dụng CNTT. Kết quả này có sự hỗ trợ rất lớn của các đơn vị thông tin truyền thông, trong đó có chương trình của Viettel”.
Cũng theo bà Anh Phương, ngoài Viettel, ngành giáo dục Lâm Đồng còn được hệ các thống viễn thông khác hỗ trợ nên hiện nay đã phủ sóng internet đến gần 100% số trường học. Đặc biệt, tới đây, Viettel sẽ nâng cấp 3G, hệ thông băng thông rộng đến tất cả các điểm trường. Chúng tôi nghĩ rằng, việc truy cập, khai thác các nguồn dữ liệu thông tin để phục vụ cho hoạt động quản lý, dạy và học của ngành giáo dục sẽ được tốt hơn; hệ thống thông tin quản lý từ Bộ, ứng dụng những phần mèm của Bộ, những hệ thống thông tin chỉ đạo của Bộ cũng sẽ được nhanh nhạy hơn, đây là một điều rất tốt cho ngành giáo dục.
Ông Phạm Quảng Đà, Giám đốc chi nhánh Viettel Lâm Đồng, cho biết: trung bình mỗi trường được dùng dịch vụ internet miễn phí của Viettel là 350.000đ/tháng, tính ra mỗi năm tổng giá trị các đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng được hưởng dịch vụ miễn phí của Viettel với số tiền là trên 1,3 tỷ đồng. |
Thụy Trang