Viettel phủ sóng rộng khắp với giá cả cạnh tranh

Sau 10 năm (2000-2010) thực hiện Chỉ thị 58 của Bộ Chính trị về việc đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ngành viễn thông Việt Nam có những bước tiến dài

Sau 10 năm (2000-2010) thực hiện Chỉ thị 58 của Bộ Chính trị về việc đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ngành viễn thông Việt Nam có những bước tiến dài, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, xây dựng cơ sở hạ tầng, công nghệ, phát triển dịch vụ công nghệ mới. Điều quan trọng nhất là các dịch vụ viễn thông như điện thoại, internet trở thành một công cụ hữu ích trong đời sống của mọi người dân Việt Nam trên khắp mọi miền Tổ quốc.

Từ một bức tranh đơn sắc…
Ra đời trong mùa thu Cách mạng tháng 8 năm 1945 (15-8-1945), bước vào thời kỳ mở cửa và hội nhập, ngành viễn thông Việt Nam đi đầu trong sự nghiệp đổi mới. Từ cơ sở hết sức lạc hậu về kỹ thuật, bằng chính đôi chân, trí tuệ của mình, ngành thể hiện bản lĩnh và sức sáng tạo mạnh mẽ trong thời kỳ mới, góp phần đắc lực trong sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Vào trước năm 2000, ngành viễn thông Việt Nam vẫn chưa có những bước phát triển đột phá và tương xứng với tiềm năng, các dịch vụ viễn thông như là một “món hàng” xa xỉ, chỉ dành cho những người có thu nhập khá,  chưa vươn tới được khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Khi đó, cả nước mới có khoảng 3 triệu thuê bao điện thoại, đạt mật độ 3,5 máy/100 dân.

Lãnh đạo Chi nhánh Viettel Hải Phòng trao 30 triệu đồng xây nhà tình nghĩa tặng một gia đình chính sách ở thôn Lộc Trù, xã Tiên Thắng (huyện Tiên Lãng).                                                                                             Ảnh: Lê Dũng

Đến thị trường có tốc độ tăng trưởng nhanh thứ 2 thế giới
Tháng 10 -2000, dịch vụ điện thoại đường dài VoIP do Viettel cung cấp với mã số 178 được đưa vào sử dụng mức cước phí thấp hơn tới 40% so với trước, mang lại lợi ích thiết thực cho người sử dụng. Viettel đưa ra mục tiêu “bình dân hóa các dịch vụ viễn thông, với yêu cầu mạng rộng, giá phải chăng, mang đến cho mỗi người dân một chiếc điện thoại. Đến tháng tháng 10-2004, Viettel tạo dấu ấn trên thị trường viễn thông bằng một mạng lưới phủ sóng khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước với một chính sách giá cước rẻ. Do vậy, chưa đầy 1 năm sau, Viettel có 1 triệu thuê bao, 6 năm sau con số này đã tăng lên hơn 40 triệu.
Như vậy, từ một khái niệm mới được khởi xướng và hiện thực hóa, bức tranh viễn thông Việt Nam hoàn toàn thay đổi, với sự góp mặt của rất nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước, góp phần tạo ra sân chơi mới cho các doanh nghiệp. Đó là sự cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy thị trường bùng nổ, mang đến cơ hội sử dụng dịch vụ viễn thông cho mọi người.. Nhất là từ con số 3 triệu thuê bao điện thoại, đến nay cả nước có 114 triệu thuê bao (đạt mật độ 132 máy/100 dân), đưa Việt Nam trở thành một điểm sáng trên bản đồ viễn thông quốc tế với tốc độ phát triển nhanh thứ 2 thế giới. Theo báo cáo mới nhất của Liên minh viễn thông thế giới (ITU) công bố năm 2010, Việt Nam xếp vị trí 86 trong tổng số 159 quốc gia, vùng lãnh thổ, cao hơn nhiều nước  trong khu vực. Việt Nam cũng được đánh giá là nước có sự phát triển vượt bậc của chỉ số truy nhập và sử dụng, phản ánh sự tăng trưởng bền vững trong lĩnh vực điện thoại, băng thông internet quốc tế và số gia đình có truy cập internet.
Theo các chuyên gia kinh tế, nếu viễn thông tăng trưởng 10% thì sẽ góp phần tăng GDP tăng trưởng 1%. Viễn thông đóng vai trò như những mạch máu giao thông của một quốc gia, giúp thông tin trong xã hội có thể được lưu thông, giúp mọi người kết nối được với nhau. Viễn thông còn là đầu tàu kích thích các ngành kinh tế khác phát triển, góp phần không nhỏ vào việc rút ngắn khoảng cách số, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Phát triển kinh doanh gắn với hoạt động xã hội, từ thiện
Tại lễ kỷ niệm 10 năm Viettel gia nhập thị trường viễn thông, Giám đốc Viettel Hải Phòng Lê Đức Tuấn khẳng định: Ngay từ khi bắt đầu kinh doanh từ năm 2004, sóng Viettel phủ 100% địa bàn các trung tâm quận, huyện, thị xã với 85 trạm BTS đến nay, Viettel lắp đặt, đưa vào sử dụng hơn 500 trạm BTS trên toàn địa bàn thành phố, đến các vùng sâu, vùng xa, biển đảo. Sau 6 năm, số lượng thuê bao của Viettel tại Hải Phòng từ lúc ban đầu là hơn 20 nghìn thuê bao, đến nay có 885 nghìn thuê bao, chiếm hơn 39,2% thị phần viễn thông. Cùng với hoạt động sản xuất- kinh doanh, Viettel Hải Phòng luôn quan tâm đến các hoạt động xã hội, từ thiện, như chăm sóc các gia đình có công với cách mạng, tặng nhà tình nghĩa và sổ tiết kiệm cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, triển khai dự án kết nối internet trường học, mổ tim nhân đạo “trái tim cho em”, phẫu thuật cho trẻ em sứt môi hở hàm ếch, ủng hộ đồng bào lũ lụt, xây nhà tình nghĩa… Riêng trong dịp kỷ niệm này, Viettel Hải Phòng ủng hộ 30 triệu đồng xây nhà tình nghĩa và tặng 10 sổ tiết kiệm, mỗi sổ trị giá 1 triệu đồng cho các gia đình chính sách.

                                        P.V 

Đọc thêm