VIMC quyết tâm giữ vững thị trường, đặt mục tiêu lãi cao hơn năm trước

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Dù năm 2024 được dự báo là cạnh tranh khốc liệt và có nhiều thách thức đối với lĩnh vực vận tải biển và khai thác cảng, nhưng Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) vẫn quyết tâm giữ vững thị trường, thị phần và đặt mục tiêu lãi 2.169 tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2023.
Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh trao Cờ thi đua Ủy ban cho các tập thể xuất sắc dẫn đầu phong trào thi đua năm 2023.
Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh trao Cờ thi đua Ủy ban cho các tập thể xuất sắc dẫn đầu phong trào thi đua năm 2023.

Nỗ lực vượt khó, đạt nhiều kết quả tích cực

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) vừa tổ chức Hội nghị triển khai công tác xây dựng đảng và nhiệm vụ kinh doanh năm 2024. Báo cáo kết quả hoạt động năm 2023, Tổng giám đốc VIMC Nguyễn Cảnh Tĩnh cho biết, bối cảnh địa chính trị và kinh tế thế giới đang có nhiều diễn biến không thuận lợi cho ngành hàng hải, chính vì vậy VIMC đã phải nỗ lực cao độ, quyết tâm cao ngay từ những ngày đầu tháng đầu của năm 2023.

Về kết quả sản xuất, kinh doanh, sản lượng vận tải biển toàn tổng công ty ước đạt 20,6 triệu tấn, sản lượng hàng thông qua cảng đạt 113,5 triệu tấn, mang lại doanh thu 17.964 tỷ đồng, bằng 104% kế hoạch năm 2023.

Đặc biệt, lợi nhuận của VIMC đạt 2.084 tỷ đồng, tuy chỉ bằng 90% kế hoạch, nhưng vẫn đứng vị trí thứ 59 trong Top 100 doanh nghiệp có lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2023, được tôn vinh là doanh nghiệp có khả năng tạo lợi nhuận tốt, có tiềm năng trở thành những cột trụ cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam do VietNam Report đánh giá.

Thị trường vận tải biển diễn biến khó khăn, VIMC và các đơn vị thành viên đã không ngừng tìm kiếm nhiều giải pháp mới để bù đắp sự sụt giảm của thị trường. Các đơn vị thành viên như Vosco, VLC, Vinaship đã nỗ lực triển khai thuê tàu ngoài vào khai thác, giúp tăng trưởng sản lượng, doanh thu, lợi nhuận.

Đáng chú ý, Vosco mạnh dạn mở rộng hoạt động thương mại nhằm tăng doanh thu, giành được quyền vận chuyển, bước đầu đem lại hiệu quả với doanh thu thương mại đạt 750 tỷ đồng. Doanh thu khối vận tải biển ước đạt 6.261 tỷ đồng (bao gồm doanh thu công ty mẹ), tương đương tăng 22% so với kế hoạch (tăng chủ yếu ở doanh thu của Vosco – tăng 1.382 tỷ đồng).

Khối cảng biển, đã chủ động triển khai nhiều giải pháp mới, đặc biệt phát triển và nâng tầm mối quan hệ với các khách hàng, hãng tàu nhờ đó đã thu hút thêm được 12 tuyến dịch vụ về Cảng Hải Phòng, Sài Gòn, Đà Nẵng, Quy Nhơn, SSIT, CMIT, VIMC Đình Vũ.

Thực hiện Chiến lược đã được phê duyệt, trong năm 2023, VIMC đã tập trung nguồn lực nhằm phát triển các Dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cảng biển, logistics nhằm kết nối chuỗi dịch vụ logistics của VIMC.

Cụ thể, Tổng công ty đã đẩy nhanh tiến độ thi công: Dự án Bến số 3, số 4 Cảng Lạch Huyện (dự kiến, hoàn thành đưa vào khai thác trong quý I/2025); Dự án nâng cấp Bến số 1 Cảng Quy Nhơn (đã khai thác thử nghiệm từ tháng 8/2023).

Đồng thời, VIMC cũng đang tập trung thúc đẩy việc xin phê duyệt chủ trương đầu tư của các dự án: Dự án cảng Cần Giờ (TPHCM), dự án cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng). Ngoài ra, với chiến lược phát triển mở rộng các ICD để tạo thành chuỗi dịch vụ logistics, VIMC đã nghiên cứu phát triển một số ICD tại Ninh Giang (Hải Dương), Lạch Huyện (Hải Phòng), Tuy Phước (Bình Định)…

Tính đến cuối tháng 12/2023, hệ thống cảng của VIMC gồm 84 cầu cảng có tổng chiều dài 13.882 m, chiếm hơn 26% tổng số cầu cảng và gần 17% tổng số chiều dài cầu cảng của cả nước, công suất thiết kế hệ thống cảng của VIMC khoảng 60 triệu tấn hàng rời và hơn 6,5 triệu TEU hàng container.

Tổng công ty cũng sở hữu, quản lý đội tàu gồm 59 chiếc, trong đó có 4 tàu dầu (chiếm 5% tổng trọng tải đội tàu VIMC), 10 tàu container (chiếm 7% tổng trọng tải đội tàu VIMC), 45 tàu hàng khô (chiếm 88% tổng trọng tải đội tàu VIMC). Tuổi tàu trung bình là 20 tuổi. Tổng trọng tải đội tàu khoảng 1,3 triệu DWT, trọng tải bình quân 23.019 DWT/tàu. Đội tàu của VIMC chiếm trọng tải tương đương khoảng 21% đội tàu của Việt Nam.

Năm 2024, tiếp tục duy trì và mở rộng thị trường, thị phần khách hàng

“Năm 2024, cạnh tranh sẽ khốc liệt không khác gì một cuộc chiến khi sức mua của thị trường giảm, chính vì vậy, VIMC cần phải quyết tâm giữ vững thị trường, thị phần, khách hàng như giữ trận địa. Để giữ được khách hàng, không những phải luôn đặt mình vào vị trí khách hàng mà còn phải đặt mình vào vị trí đối thủ, tức là luôn suy nghĩ và cấu trúc hoạt động kinh doanh theo hướng mang lại lợi ích cho khách hàng”, Tổng giám đốc Nguyễn Cảnh Tĩnh chia sẻ.

Mặc dầu vậy, trong năm 2024, VIMC vẫn kiên trì, quyết tâm giữ vững thị trường, thị phần, khách hàng, tập trung phát triển cảng nước sâu, đội tàu container đồng thời tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đào tạo nhân tài, phát triển nguồn nhân lực.

Trong đó, sản lượng vận tải biển trong năm 2024 đạt 15,8 triệu tấn (76% ước thực hiện 2023, do thanh lý, giảm số lượng tàu); sản lượng khối cảng biển: 123,7 triệu tấn (109% ước thực hiện 2023); doanh thu đạt 17.742 tỷ đồng (99% ước thực hiện 2023); lợi nhuận đạt 2.169 tỷ đồng (104% ước thực hiện 2023 và cao hơn 2023 do thanh lý tàu già hết khấu hao).

Bên cạnh đó, VIMC sẽ ưu tiên nguồn lực cho các dự án đầu tư trọng điểm: phát triển đội tàu container, cảng biển, các dự án chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi số và công nghệ thông tin; quyết tâm hoàn thành đúng tiến độ dự án bến 3-4 Cảng Lạch Huyện. Đặc biệt, tập trung nguồn lực cao nhất cho việc triển khai dự án trọng điểm Cảng Trung chuyển quốc tế Cần Giờ.

“Từng bước chuyển đổi xanh, phát triển đội tàu vận tải thế hệ mới, xây dựng hệ thống cảng biển hiện đại đảm bảo đáp ứng với các quy định, tiêu chuẩn, hướng đến mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững”, Tổng giám đốc VIMC cho biết.

Đầu tư trọng điểm vào các cảng biển

Ghi nhận và đánh giá cao các kết quả của VIMC đạt được trong năm 2023, trong khi tình hình thế giới diễn biến phức tạp, tổng cầu suy giảm do nhiều yếu tố biến động chính sách tiền tệ, lạm phát, tỷ giá, xung đột địa chính trị, ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp khẳng định dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo VIMC đã lèo lái con tàu vượt qua sóng gió, đạt được kết quả vượt chỉ tiêu kế hoạch, đây là điểm sáng ấn tượng trong bối cảnh khó khăn này.

Nhìn nhận VIMC đã và đang triển khai 3 đề án được phê duyệt (gồm chiến lược phát triển, kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm, tái cơ cấu) là “kim chỉ nam” nên cần tập trung nguồn lực triển khai thời gian tới, ông Cảnh lưu ý VIMC mạnh dạn nắm bắt đúng thời điểm để quyết định triển khai thực hiện đầu tư đội tàu vận tải biển quốc tế nhằm tối ưu hóa nguồn vốn đầu tư của Nhà nước.

Chỉ ra năm 2024 có cả thách thức và cơ hội, theo Phó chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh, VIMC tập trung đầu tư bến 3,4 tại Cảng Lạch Huyện; đầu tư Cảng Đà Nẵng, nghiên cứu chủ trương xây dựng Cảng Liên Chiểu; Dự án Cảng trung chuyển Quốc tế Cần Giờ…

Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp yêu cầu VIMC tiếp tục phát triển cảng biển đóng vai trò cốt lõi, vận tải biển là chuỗi kết nối đồng thời hoàn thiện cung cấp chuỗi dịch vụ cung ứng cho khách hàng; chú trọng đầu tư chuyển đổi số nâng cao hiệu quả điều hành quản trị; rà soát khoản đầu tư chưa hiệu quả, có biện pháp giám sát chặt chẽ hiệu quả sản xuất kinh doanh, thoái vốn một số doanh nghiệp không phải là nòng cốt của Tổng công ty nhằm bảo toàn nguồn vốn và nâng cao hiệu quả nguồn vốn…

“Các vụ, cục của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp sẽ đồng hành VIMC nhằm giải quyết các khó khăn vướng mắc cùng với doanh nghiệp hoàn thành các chỉ tiêu đề ra từ đầu năm”, Phó chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh nói.

Đọc thêm