“Vinashin thực chất là phá sản rồi, nhưng Chính phủ không thông báo chính thức, vì còn liên quan đến 7 vạn người lao động của tập đoàn này. Thực ra, Vinashin phá sản theo kiểu VN”, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội (UVBKTQH) Nguyễn Đức Kiên khẳng định với báo chí bên lề kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII.
* Việc Vinashin nợ gần 100 tỉ đồng và không có khả năng chi trả, theo ông, tại sao không để Vinashin tuyên bố phá sản?
|
Một dự án đóng tàu của Vinashin - Ảnh: Chinhphu.vn |
- UVBKTQH Nguyễn Đức Kiên: Đứng về mặt khoa học kinh tế thì Nhà nước đã cho Vinashin phá sản rồi, có điều ta không tuyên bố. Việc chuyển đổi một số ngành nghề kinh doanh sang doanh nghiệp khác, cơ cấu lại, chuyển đổi mô hình quản lý, tính toán lại nợ… là những biểu hiện rõ ràng nhất.
Tuy nhiên, Vinashin là một doanh nghiệp nhà nước mà Chính phủ là chủ sở hữu. Nên cách ứng xử phải khác vì có liên quan đến 7 vạn lao động đang làm việc tại đây.
Chúng ta phải đặt việc phá sản trong bối cảnh của năm 2010, mà quỹ bảo hiểm thất nghiệp mới hình thành năm 2009. Tức là từ ngày 1.1.2010, người lao động mới nộp tiền vào quỹ này, thì phải sau 12 tháng mới được hưởng lợi ích, thì đến bây giờ làm sao đã có nguồn chi trả.
Khi tuyên bố phá sản thì doanh nghiệp không chịu trách nhiệm về những khoản lỗ, cũng như bất cứ vấn đề gì nảy sinh nữa. Nhưng chúng ta không thể làm vậy vì chủ doanh nghiệp là Nhà nước. Có điều chúng ta tiến hành tái cơ cấu Vinashin, tức là chấp nhận cho nó phá sản. Có điều chúng ta có đặc thù vừa là người quản lý nhà nước, vừa là chủ doanh nghiệp nên cho nó tiến hành phá sản theo một hình thức mang đặc thù VN. Người lao động không bị đẩy ra đường, nợ của Vinashin đối với các ngân hàng thương mại cổ phần vẫn được Nhà nước bảo đảm và chịu trách nhiệm để đảm bảo quản lý vĩ mô.
* Về vụ Vinashin, Quốc hội đã có cảnh báo nhưng rồi những sự việc sai phạm vẫn tiếp diễn. Vậy thì Quốc hội có lỗi trước cử tri trong vấn đề này không?
- UVBKTQH Nguyễn Đức Kiên: Từng đại biểu Quốc hội phải thấy trách nhiệm của mình trong vấn đề Vinashin. Trong báo cáo giám sát về quản lý vốn của Nhà nước, người ta đã nói rõ phải tiến hành cơ cấu lại và xây dựng, ban hành luật quản lý vốn và tài sản nhà nước. Tuy nhiên, khi biểu quyết thì Quốc hội không thông qua, không xây dựng, không ban hành. Rõ ràng là Quốc hội cũng có lỗi. Cho nên, hai bên Quốc hội và Chính phủ phải thông cảm với nhau.
* Trong quá trình tái cơ cấu, Vinashin chuyển một số khoản nợ sang Petrovietnam và Vinalines khiến nhiều người lo ngại đây là hình thức chuyển nợ cho doanh nghiệp nhà nước khác trả thay Chính phủ. Ông nghĩ sao?
- UVBKTQH Nguyễn Đức Kiên: Cũng chưa hẳn thế. Đó là một hình thức thực hiện việc chuyên môn hóa. Vấn đề ai có lợi thế? Vì chúng ta đang phê phán họ kinh doanh ôm đồm, đa chức năng, đa ngành rời khỏi ngành chính thì bây giờ tách ra chỉ tập trung vào chuyên môn thôi. Họ có 3 ngành chính thì quay trở lại làm 3 ngành đó thôi, còn các ngành khác thì chuyển sang doanh nghiệp có lợi thế hơn trong kinh doanh.
* Nhưng khi chuyển như vậy thì bản thân các khoản nợ cũng chưa rõ ràng, tại sao không kiểm toán trước rồi mới chuyển?
- UVBKTQH Nguyễn Đức Kiên: Giống như nhà có 3 người con, một người bị bệnh thận, ông bố bảo 2 người còn lại góp tiền để đi bệnh viện thay thận. Lúc đó chẳng lẽ ông anh lại hỏi: “Nếu con bỏ ra 10 triệu đồng nhỡ em không trả được thì làm thế nào?”. Petrovietnam, Vinalines cũng là vốn do Chính phủ làm chủ sở hữu, thế thì còn phải đắn đo gì nữa.
* Xin cảm ơn ông!