Vĩnh Bảo: Ruộng khát, trạm bơm “đắp chiếu” gần 20 năm

Công trình trạm bơm cầu Sáu, thôn Đông Am, xã Tam Cường (Vĩnh Bảo) được đầu tư kinh phí khá lớn. Vậy mà gần 20 năm qua, công trình  không hề được vận hành giờ nào, “đắp chiếu” để đó đến nay .

Công trình trạm bơm cầu Sáu, thôn Đông Am, xã Tam Cường (Vĩnh Bảo) được đầu tư kinh phí khá lớn. Vậy mà gần 20 năm qua, công trình  không hề được vận hành giờ nào, “đắp chiếu” để đó đến nay .

 Lãng phí lớn

Theo đơn đề nghị của ông Hà Trung Kim, trưởng làng Đông Am, phóng viên Báo Hải Phòng về địa phương tìm hiểu thực hư sự việc.

Vĩnh Bảo: Ruộng khát, trạm bơm “đắp chiếu” gần 20 năm ảnh 1

Trạm bơm cầu Sáu xã Tam Cường (Vĩnh Bảo) hoàn thành từ năm 1994 nhưng chưa được một lần sử dụng.

Ảnh: Minh Trí

Qua làm việc với lãnh đạo chính quyền xã Tam Cường, tìm hiểu thực tế,  được biết: Trạm bơm cầu Sáu xây dựng năm 1992 với mục tiêu đưa nước lên vùng cao, chống úng cho vùng trũng và cải tạo vùng bãi, phục vụ chống úng một phần diện tích vùng trũng cánh đồng thôn Đông Am và bơm nước ngọt phục vụ tưới trên 70 ha diện tích canh tác ngoài bãi đê sông Thái Bình gần đó. Tổng dự án đầu tư trên 600 triệu đồng. Công trình này do Trường đại học Thủy lợi thiết kế, Phòng thủy lợi huyện Vĩnh Bảo trực tiếp tổ chức thi công với hai trạm nhỏ Trạm 1 bên tây đầm (trên chân ruộng cao) trực tiếp đưa nước vào vùng cao. Trạm 2 bên đông đầm trực tiếp đưa nước ra sông chống úng và ra bãi. Cả 2 trạm được thiết kế đối xứng nhau. Đi cùng với đó, hệ thống điện cao áp, trạm biến áp 100 KVA, nhà trạm, nhà trông coi trạm bơm cũng được xây dựng. Năm 1994, 2 trạm xây xong và được chạy thử công suất. Bất cập nảy sinh ngay lúc đó, hệ thống máng dẫn nước từ trạm bơm có tác dụng chia nước tới các thửa ruộng lại không được quan tâm đầu tư xây dựng tiếp. Bởi vậy, khi bơm, nước chảy tràn ra chung quanh không biết xuống đâu. Do đó, mặc dù trạm bơm  xây xong, nhưng không thể bơm nước lên vùng cao, thoát nước cho vùng trũng. Và rồi dự án đành “đắp chiếu” kể từ đó (từ năm 1994), đến nay vẫn chưa tìm ra giải pháp khắc phục. 

Việc trạm bơm cầu Sáu được đầu tư kinh phí khá lớn nhưng không đưa vào khai thác, sử dụng gây nhiều tranh cãi, bức xúc trong nhân dân thôn Đông Am nói riêng, cử tri xã Tam Cường, huyện Vĩnh Bảo nói chung. Theo ông Lương Cao Nghị, nguyên Chủ tịch UBND xã Tam Cường, trạm bơm cầu Sáu chưa phát huy tác dụng có những nguyên nhân chủ yếu: Thứ nhất, thời điểm năm 1992 Nhà nước chỉ đầu tư phần cứng, gồm đường điện dẫn tới trạm bơm, nhà trạm, máy. Hệ thống máng không được đầu tư tiếp nên không thể vận hành trạm bơm. Thứ 2, thời điểm đó, Nhà nước chưa hỗ trợ nông dân tiền bơm nước hầu hết diện tích canh tác tại khu vực đó chủ yếu dùng nguồn nước tự chảy là chính. Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng, đặt máy sai thiết kế, không đúng công suất khi vận hành gặp khó khăn do không đồng bộ giữa công suất máy và nguồn điện cung cấp.

Trước thực trạng trên, năm 2006, xã làm tờ trình đề nghị huyện Vĩnh Bảo bố trí kinh phí xây dựng 700 mét máng kiên cố từ trạm bơm dẫn ra bãi ngoài đê sông Thái Bình. UBND huyện Vĩnh Bảo, nhất trí với đề nghị trên song vẫn có nhiều ý kiến cho rằng không nên xây dựng tiếp và ai là người trả tiền điện bơm nước; sau bao năm không vận hành liệu bây giờ có hoạt động được không… Lãnh đạo xã và nhân dân không thống nhất được phương án xây dựng máng nối tiếp trạm bơm. Nguồn vốn đầu tư xây dựng 700 mét máng dẫn nước ra bãi ngoài sông Thái Bình cũng không thực hiện được. Nguồn vốn này được chuyển sang xây dựng mương kiên cố khu mả Chiềng. Trong nhiều cuộc họp Đảng bộ xã, có ý kiến nên dỡ bỏ trạm bơm cầu Sáu, song cũng có nhiều ý kiến nên khôi phục hoạt động trở lại, để tiếp tục phục vụ việc tưới tiêu, khắc phục tình trạng khô hạn, khó lấy nước tự chảy như hiện nay; đồng thời tránh lãng phí.

Làm rõ trách nhiệm, sớm có phương án khôi phục

Công trình trạm bơm cầu Sáu phục vụ tưới, tiêu cả cánh đồng rộng lớn gần 1.000 ha đất canh tác ở xã Tam Cường, góp phần tưới, tiêu, thoát úng cho một số xã chung quanh. Việc công trình này nằm phơi sương, phơi nắng, xuống cấp theo thời gian, chính quyền xã Tam Cường, những người có trách nhiệm của huyện Vĩnh Bảo, một số Sở, ngành thành phố đều biết. Thế nhưng, việc xem xét, tìm giải pháp khắc phục lại thiếu sự quyết tâm của các cấp chính quyền. Người dân và nhiều cán bộ cho rằng, công trình này cần được các cơ quan chức năng, cơ quan chuyên môn xem xét có biện pháp khắc phục; đồng thời làm rõ trách nhiệm thuộc về đơn vị nào.

Những năm trước, việc cung ứng nguồn nước cho hơn 500 ha diện tích đất canh tác của thôn Đông Am chủ yếu dựa vào nguồn nước tự nhiên, nước tự chảy là chính. Tuy nhiên, khoảng 2 năm trở lại đây, việc lấy nước tự nhiên không thuận lợi, nhất là đối với diện tích canh tác vùng cao, nguồn nước mặn từ sông Thái Bình xâm lấn vào trong đồng ngày càng lớn bà con thôn Đông Am canh tác khó khăn. Bà con thôn Đông Am mong muốn, xã Tam Cường, huyện Vĩnh Bảo sớm có kế hoạch tu bổ, bảo dưỡng và đầu tư hệ thống máng dẫn nước của trạm để đưa trạm vào sử dụng. Lãnh đạo xã Tam Cường đề nghị các cơ quan chuyên môn xem xét thực tế thiết kế kỹ thuật của trạm trên cơ sở đó có kết luận chính thức về dự án để sớm có phương án đầu tư khôi phục ./.

Tiến Đạt

Đọc thêm