Vĩnh biệt một trái tim yêu thành phố Cảng

Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Hải sinh ngày 17-11-1939 tại Hà Nội, nhưng hầu như cả cuộc đời gắn bó với Hải Phòng, với sự nghiệp văn hóa, văn học nghệ thuật thành phố Cảng.

- Các cậu thấy không? Mình vừa ở  Vũng Tàu về. Những 15 ngày, mà có sao đâu!

 

Đó là lời của nhạc sĩ Ngọc Hải khi ông từ trại sáng tác văn học nghệ thuật trở về Hải Phòng gặp lại bạn bè hồi tháng 6 -2009. “Ông Hải người Nhật” cười rổn rảng, cả thân hình tròn cứ lúc lắc, nom đến là lạc quan. Sau đó, ông lại đi Hà Giang, tiếp tục hành trình sáng tác. Nhưng, ít ai nghĩ đó lại là hai chuyến “xuống biển, lên rừng” xa nhất và cũng là cuối cùng của ông trên trần thế. Bởi  ông đã ra đi về cõi vĩnh hằng hồi 3 giờ 5 sáng ngày 5-5- 2010, hưởng thọ 72 tuổi.

 

Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Hải sinh ngày 17-11-1939 tại Hà Nội, nhưng hầu như cả cuộc đời gắn bó với Hải Phòng, với sự nghiệp văn hóa, văn học nghệ thuật thành phố Cảng. Năm 1961, sau khi tốt nghiệp Trường âm nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Ngọc Hải làm diễn viên Đoàn văn công tổng hợp Hải Phòng. Năm 1968, ông được Bộ Văn hóa - Thông tin điều về Phòng văn nghệ Sở Văn hóa-Thông tin (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Đến năm 1986, ông là Phó giám đốc chỉ đạo nghệ thuật và đào tạo nghiệp vụ Nhà văn hóa Trung tâm thành phố. Từ năm 2000, sau khi nghỉ hưu, ông tham gia công tác Hội, đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian từ năm 2004 đến nay.

 

Hơn 50 năm gắn bó với thành phố cửa biển đầy sóng gió, tâm hồn người nhạc sĩ từng rung động với lứa tuổi thiếu nhi qua các bài hát trong sáng, rộn ràng “Biết ơn thầy cô giáo”, “Nhịp bước tuổi xuân”, “Thiếu nhi Hải Phòng hành quân vào kỷ nguyên mới”… Ông viết nhiều ca khúc  về Hải Phòng với âm hưởng chung ngợi ca thành phố từ thời chiến tranh đến thời kỳ đổi mới... Nhắc đến ông, những người làm văn hóa, văn nghệ quần chúng từ thành phố đến quận, huyện, xã, phường trân trọng ở ông cái tâm, cái tình của một  người sáng tác âm nhạc nhạy cảm, một cán bộ quản lý  giàu kinh nghiệm cùng các thế hệ lãnh đạo đơn vị làm nổi bật vai trò mẫu hình của Nhà văn hóa trung tâm (nay là Trung tâm văn hóa thành phố). Sự tận tâm, thường xuyên đi về xã, phường của ông góp phần khơi dậy những mạch nguồn văn nghệ từ cấp cơ sở, trong mỗi con người, tạo ra những hạt nhân cho phong trào văn hóa, văn nghệ Hải Phòng. Bản thân ông khi dàn dựng chương trình cho cơ sở, đơn vị đều để lại ấn tượng về một người nhạc sĩ làm văn nghệ trách nhiệm cao. Có một nét khác ở nhạc sĩ Ngọc Hải là ông biết quảng bá văn nghệ bằng nhiều cách. Với các nhà báo Hải Phòng, ông không chỉ cộng tác viết bài mà còn sẵn sàng giúp anh chị em viết về văn hóa, VHNT tiếp cận với lĩnh vực này ở nhiều khía cạnh. Đặc biệt, trong những sáng tác của ông được dàn dựng, góp phần tỏa sắc hương cho vườn hoa văn nghệ quần chúng, có bài hát “Báo Đảng, người bạn của chúng ta” của Báo Hải Phòng. Với những ngân vang: “Mùa xuân rộn ràng về trong hương biển/ Chúng ta cùng hát mừng báo Đảng náo nức đầy sức xuân” cùng hoạt cảnh hát múa sinh động, tiết mục gây bất ngờ cho các đồng nghiệp toàn quốc sau khi biểu diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội. Đây cũng là bài hát truyền thống của Báo Hải Phòng mỗi dịp kỷ niệm ngành nghề.

 

Luôn tin tưởng vào tình yêu văn nghệ của người Hải Phòng cũng như tin vào sự chuyển mình của đội ngũ những người làm văn hóa đất Cảng, nhạc sĩ Ngọc Hải đã có được tâm thế người nghệ sĩ thơ thới, lạc quan. Sau những năm tháng cống hiến cho sự nghiệp văn hóa quần chúng của Hải Phòng và gần 100 bản nhạc viết về Hải Phòng, nhạc sĩ Ngọc Hải tiếp tục đóng góp vào sự phát triển của lĩnh vực văn hóa, văn nghệ dân gian thành phố. Một số công trình nghiên cứu Văn nghệ dân gian của ông được giải thưởng VHNT thành phố và Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam như Hát Đúm Phục Lễ Thủy Nguyên (viết cùng con trai Nguyễn Đỗ Hiệp) là bằng chứng về sức lao động cũng như suy nghĩ đúng đắn của ông về cội rễ  của Văn nghệ dân gian từ  trong dân.

 

“Tôi yêu Hải Phòng từ thuở còn thơ/ Tôi yêu Hải Phòng mãi mãi chẳng phai mờ/ Tình yêu đó lớn lên cùng năm tháng/ Một Hải Phòng hoa phượng về rạo rực trái tim yêu”. Ông đã viết như vậy, thật nồng nàn và cũng thật trẻ trung trong ca khúc “Tình ca Hải Phòng” thời kỳ đổi mới  mà ông vô cùng tâm đắc !

 

Giờ thì bản nhạc đã tắt! Giờ thì tiếng đàn cũng ngưng! Còn đâu nữa một nhạc sĩ chân thành, một trái tim yêu Hải Phòng tha thiết?

 

“Người đi còn mãi bóng hình/ người đi còn mãi chút tình cố nhân”..  Xin vĩnh biệt ông và mãi nhớ ông  như ông từng yêu mến Hải Phòng.                 

 

Anh Thơ

Đọc thêm