Nhà văn Nguyễn Quang Sáng là tác giả của khoảng 20 tác phẩm văn chương và khoảng 10 kịch bản phim, trong đó được nhớ đến nhiều nhất là Nhật ký người ở lại (tiểu thuyết, 1961), Đất lửa (tiểu thuyết, 1963), Chiếc lược ngà (truyện ngắn, 1966), Mùa gió chướng (tiểu thuyết, 1975), Bàn thờ tổ của một cô đào (truyện ngắn, 1985), Con mèo của Foujita (truyện ngắn, 1991), Cánh đồng hoang (kịch bản, 1978), Mùa nước nổi (1986)…
1. Trước đây, trong bài có tên Mấy lời tự kể, Nguyễn Quang Sáng từng tâm sự: “Thuở còn ngồi ghế nhà trường tôi không hề nghĩ sau này mình sẽ viết văn và bạn bè ai cũng nghĩ như vậy. Tôi giỏi môn toán, môn văn rất bình thường. Khi lên cấp hai, văn càng dở. Dở đến mức một bài luận văn chỉ được nửa điểm trên hai mươi. Văn chương như vậy thì làm sao mà trở thành nhà văn được. Tôi không mơ ước điều đó... Thằng bạn cùng lớp, bài luận văn được tới mười tám trên hai mươi điểm. Thầy đọc bài luận văn của nó cho cả lớp thưởng thức và lấy đó làm mẫu. Sau này nó trở thành nhà văn là cái chắc. Nhưng sự đời lại khác, sau khi ra trường, thằng bạn có khiếu văn chương ấy không hề viết văn mà trở thành nhà quân sự: chỉ huy cao xạ pháo.
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, hình chụp năm 2010. Ảnh: Trần Hoàng Nhân |
Còn tôi thì tôi viết văn. Lạ vậy! Giải thích hiện tượng này như thế nào.
Tôi chẳng biết tôi có khiếu văn chương hay không?. Tôi chỉ biết một cách thật rõ ràng rằng: Tôi viết là vì cảm xúc của tôi với cuộc sống, với từng số phận của mỗi con người mà tôi đã từng chia xẻ.
Mười tuổi, tôi đi học xa nhà, ở trọ và ăn cơm tháng. Mọi việc đều phải tự lo. Năm 1945, nhà trường bị quân Nhật lấy làm doanh trại.
Trở về nhà, gia đình sa sút, tôi ra đời ở tuổi mười ba. Một mình với cái rương gỗ, xuống tàu lên tận Tân Châu vấn thuốc lá mướn. Sau đó lại lên xe đò đi Sa Đéc làm việc vặt trong một tiệm vàng.
Đến 1946, mười bốn tuổi, tôi đi bộ đội làm giao liên.
Suốt 9 năm đánh Pháp, tôi đi khắp các chiến trường sông rạch miền Tây Nam bộ. Nếu tôi có chút năng khiếu văn chương ẩn giấu kín đáo chưa hề được bộc lộ thì chính là cuộc sống đã khơi dậy cho tôi.
Năm 1952, tôi bắt đầu viết tiểu thuyết, viết về làng, về những con người yêu thương trong gia đình, hàng xóm và bạn bè. Mười một năm sau (1963) tác phẩm đầu tay ấy ra đời. Tiểu thuyết mang tên Đất lửa.
Năm 1966 tôi lại vượt Trường Sơn từ Hà Hội về thẳng chiến trường Đồng Tháp Mười. Truyện ngắn Chiếc lược ngà được viết trên chiếc xuồng giữa đồng nước trong tầm bom đạn của giặc.
Từ ấy đến nay, tôi vẫn viết, viết đều không nghỉ...
Xin có mấy lời tự kể khi tập sách đến cùng bạn đọc”.
2. NV Nguyễn Quang Sáng sinh ra tại xã Mỹ Luông (nay là thị trấn Mỹ Luông), huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Tham gia kháng chiến chống Pháp tại chiến trường miền Nam, Việt Nam, khoảng 1952 bắt đầu viết văn. Khoảng giữa năm 1955, ông tập kết ra miền Bắc, Việt Nam, bắt đầu viết văn liên tục từ những năm này, đến 1963 ra tập sách đầu tiên - Đất lửa.
Đến thời kháng chiến chống Mỹ, ông quay lại miền Nam, Việt Nam, vẫn tiếp tục ở trong quân đội và viết văn. Ông là đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam và là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (năm 1957). Ông được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 2 năm 2000, trước đó, ông được trao nhiều giải thưởng và huy chương khác về văn học nghệ thuật.
Riêng về quan niệm văn chương, ít nhất với truyện ngắn, Nguyễn Quang Sáng bày tỏ: “Cái quan trọng của truyện ngắn là chỉ cần một chi tiết nhỏ có thể hư cấu để trở thành một tác phẩm lớn. Một tác phẩm hoàn chỉnh có nhiều chi tiết khác nhau, nhưng khi viết, người viết phải ráp chúng lại để hợp với bối cảnh nào, nhân vật nào. Song, vẫn phải có chi tiết nổi cộm nhất, sâu sắc nhất để làm điểm nhấn cho câu chuyện đó. Cái khéo của nhà văn là làm thế nào để đưa những chi tiết đắt giá ấy trở thành những chi tiết của đời thường, của hoàn cảnh mà làm nên tác phẩm thôi”.