Vinh danh hơn 50 nhân tài làm rạng danh Đất Việt

 Lễ Khen thưởng học sinh đoạt giải trong các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực năm 2010 với tên gọi Rạng danh Đất Việt đã tuyên dương 23 học sinh đoạt 25 giải thưởng Olympic quốc tế và khu vực, 26 cán bộ, giáo viên có thành tích trong công tác tuyển chọn, tập huấn các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế và khu vực năm 2010

Lễ Khen thưởng học sinh đoạt giải trong các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực năm 2010 với tên gọi Rạng danh Đất Việt đã tuyên dương 23 học sinh đoạt 25 giải thưởng Olympic quốc tế và khu vực, 26 cán bộ, giáo viên có thành tích trong công tác tuyển chọn, tập huấn các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế và khu vực năm 2010. Thầy và trò được tuyên dương đã góp phần tô thắm thêm truyền thống tôn sư trọng đạo, hiếu học, khơi lên niềm tự hào dân tộc, sự khát khao hướng tới chân trời tri thức.

Bí quyết dự thi ở đấu trường quốc tế

Em Phạm Văn Quyền (học sinh lớp 12 chuyên Lý, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định) - Huy chương Bạc Olympic quốc tế môn Vật lý hiện đang là sinh viên Khoa Lý, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội.

GS.TS.Đặng Vũ Luận - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu: “Những tấm gương tiêu biểu trở về từ các cuộc thi Olympic quốc tế đã mang về niềm tự hào cho đất nước khát khao hướng tới chân trời tri thức. Mang chuông đi đánh nước người, các em đã đánh hay, đánh giỏi, được thế giới công nhận. Thành công mà các em đạt được một phần là tự bản thân các em, một phần là công lao, sự tận tụy, bền bỉ của các thầy cô giáo. Đảng và Nhà nước tiếp tục tạo điều kiện cho các em được học tập, trở thành người có tài, có đức mang lại những thành quả to lớn hơn để đưa Việt Nam nhanh chóng bước lên đài vinh quang sánh vai cùng các cường quốc năm châu”.
Quyền cho biết: “Kỳ thi kéo dài 3 ngày nên độ căng thẳng dường như bất tận. Nếu không có nghị lực và quyết tâm thì khó có thể vượt qua.  Phần lý thuyết được luyện kỹ nên không quá khó. Khó nhất là phần thực hành”.

Nguyễn Hoành Đạo (học sinh lớp 12 chuyên Lý, Trường THPT chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa) - Huy chương Đồng Olympic quốc tế môn Vật lý bật mí: “Con đường khoa học rất chông gai, gian khổ. Ngoài học thầy, cần phát huy nội lực của mình: Tự học. Hiện nay, có thể tìm các tài liệu trên internet nên không sợ thiếu sách học. Khi đi thi, các đề thi thường rất dài, nếu chủ quan không đọc kỹ sẽ làm sai. Khẩu hiệu đi thi là: Bình tĩnh tự tin trước mọi hoàn cảnh”.

Vũ Thị Ngọc Oanh (học sinh lớp 12 chuyên Sinh, Trường THPT Chuyên, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, giành Huy chương Đồng Olympic quốc tế môn Sinh học) tâm sự: “Khi sang nước bạn dự thi, chúng ta sẽ phải nhanh chóng thích nghi với môi trường mới. Đất nước đó khác múi giờ, thức ăn, thời tiết, văn hóa nên điều đầu tiên cần làm là bảo vệ sức khỏe, có một tâm lý tốt, thoải mái. Không vì cuộc thi nước rút mà lao đầu vào học rồi đuối sức. Cần phân bổ thời gian hợp lý học tập, nghỉ ngơi. Để tránh tình trạng nhịn đói vì thức ăn không hợp khẩu vị nên mang thức ăn đi”.

Những người phía sau tấm huy chương

23 học sinh giỏi tham dự và đoạt giải trong các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực năm 2010 đến từ 10 trường THPT chuyên thuộc các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Phú Thọ, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nam Định, Hải Dương, Ninh Bình, Nghệ An và khối THPT chuyên của bốn trường ĐH là ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm TP.Hồ Chí Minh. Đây là những trường có truyền thống nhiều năm có học sinh tham gia các kỳ thi Olympic quốc tế và đoạt các giải cao.

Theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, tất cả học sinh đoạt giải Olympic quốc tế và khu vực năm nay đều có cơ hội nhận học bổng Chính phủ để du học tại các trường ĐH tiên tiến của Anh, Đức, Mỹ, Nga, Pháp, New Zealand, Hàn Quốc...

Một trong những học sinh đã hai lần đoạt huy chương vàng Olympic Toán quốc tế vào năm 1988 năm 1989 là Ngô Bảo Châu - Giáo sư trẻ nhất Việt Nam vừa nhận giải thưởng Fields 2010 nhờ công trình nổi tiếng chứng minh bổ đề cơ bản Langlands. Những thành tích của các học sinh giỏi có công lao đóng góp to lớn của các thầy cô giáo.

Em Phạm Văn Quyền cho biết, để tham dự thi quốc tế, có 20 thầy cô giáo dạy em. Tuy nhiên, người thầy gắn bó, hướng dẫn em những bước đi đầu tiên khi em là cậu học trò nhỏ ở đồng quê xã Yên Ninh, huyện Ý Yên, Nam Định ra thành phố học là thầy Vũ Đức Thọ (giáo viên chuyên Lý Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định).

Nhà cách trường gần 30 km, bố mẹ là cán bộ nghỉ hưu, chỉ biết chắt chiu cho con đi học. Một mình tự lập nơi thành phố, nếu không có các thầy cô chỉ bảo, hướng cho em con đường chinh phục tri thức, Quyền không có được ngày hôm nay.

Đinh Anh Minh (Huy chương Vàng Olympic Vật lý quốc tế, học sinh lớp 12 chuyên Lý, Trường THPT chuyên Quốc học Huế) quê gốc Đông Hà, Quảng Trị. Hiện em là sinh viên Trường ĐH Bách Khoa TP.Hồ Chí Minh. Là con một, bố mẹ là doanh nhân, khi ra Huế học, Minh được bố mẹ mua sẵn nhà cho đi học.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Đặng Vũ Luận trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Đinh Anh Minh.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Đinh Anh Minh.

Minh cho biết: “Thành công của Minh có công rất lớn của cô giáo Thu Ân. Cô bắt đầu dạy em từ lớp 10. Minh cho biết thêm: Ngoài giải thưởng 15 triệu đồng mà em được nhận, Ngân hàng quốc tế VIB Bank - Nhà tài trợ chính cho chương trình cũng đã trao tặng trao tặng cho mỗi học sinh đoạt giải một phần quà là thẻ tín dụng trị giá 3 triệu đồng. Với số tiền đó em sẽ mua tặng các thầy cô một món quà có ý nghĩa nhân ngày 20/11”.

Không chỉ có cô giáo Thu Ân, để Minh có đủ điều kiện để ôn luyện, cả nhà trường và Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên-Huế cùng quan tâm, “chăm sóc” chàng trai “vàng”.

Cô Nguyễn Thị Thu Hà - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết: Kiến thức là vô cùng. Muốn có trò giỏi phải có trò giỏi. Vì vậy, Sở và trường đã cố gắng mọi điều kiện cho các em ôn luyện, những gì thầy đề nghị chúng tôi đều cố gắng đáp ứng như tài liệu, máy tính, lựa chọn giáo viên giỏi, cho các em được hưởng chế độ bồi dưỡng dù ít ỏi. Tuy nhiên, thành công chính là ở các em. Các em phải quyết tâm, say mê, chủ động thì mới chiến thắng được.

Chân dung một người thầy

GS.Đàm Trung Đồn - nguyên Chủ nhiệm bộ môn Vật lý chất rắn (ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) được Bộ Giáo dục và Đào tạo tín nhiệm nhiều lần giao nhiệm vụ lãnh đạo đoàn học sinh giỏi Việt Nam đi tham dự Olympic Vật lý quốc tế. Ông là một nhà Vật lý nổi tiếng, một nhà giáo đầy tâm huyết.  

GS. Đàm Trung Đồn
GS. Đàm Trung Đồn

Một đời cống hiến cho khoa học, GS.Đàm Trung Đồn là tác giả của nhiều công trình có giá trị. Các công trình nghiên cứu khoa học của GS không những có đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo nói chung mà còn có nhiều đóng góp đối với y tế, nông nghiệp, quân đội, cơ khí điện tử... khiến cho những nghiên cứu cơ bản của vật lý trở nên gần gũi, có ý nghĩa thực tiễn với sản xuất hơn.

Là nhà giáo có tâm huyết với thế hệ trẻ, với cương vị lãnh đạo đoàn học sinh giỏi Việt Nam đi tham dự Olympic Vật lý quốc tế, ông đã góp phần tích cực trong việc nâng số lượng và chất lượng giải của đoàn. GS kể lại: “Năm đầu tiên nhận nhiệm vụ lãnh đạo đoàn học sinh giỏi Việt Nam đi thi, tất cả các em đều về không. Nghiên cứu đề và bài giải của các em, tôi thấy học sinh Việt Nam có hai điểm yếu là chương trình học không cập nhật và ít hiểu biết về thực nghiệm”.

Biết học sinh yếu cái gì thì ông luyện cái đó. Khi mạng internet chưa thông dụng, ông nhờ học sinh cũ của mình đang theo học ở các nước khác thu thập các tài liệu, các đề thi và bài giảng Vật lý để truyền dạy những kiến thức cho học sinh. Về thực nghiệm Vật lý, ông dạy các em học bằng các dụng cụ thông thường và dụng cụ tự tạo. Ông đã cùng với GS.Dương Trọng Bái biên soạn hai tập sách “Bài thi Vật lý quốc tế”, trong đó hướng dẫn cụ thể, chi tiết cả các bài giải lý thuyết và thực hành trong các kỳ thi Olympic. Cuốn thứ hai là “Tuyển tập các bài toán Vật lý nâng cao trung học phổ thông” (viết chung) dành cho các học sinh khá đang phấn đấu thành học sinh giỏi. 

Cô Nguyễn Thị Thu Hà - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên-Huế và cô Lâm Thị Hồng Liên - Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Quốc học Huế.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên-Huế và bà Lâm Thị Hồng Liên - Phó Hiệu trưởng THPT chuyên Quốc học Huế.

Với sự quan tâm hết lòng, GS.Đàm Trung Đồn cung cấp cho các em học sinh phổ thông không chỉ kiến thức, phương pháp làm việc khoa học mà còn cả lòng say mê đối với khoa học Vật lý. Kết quả là hầu như tất cả học sinh Việt Nam tham dự các kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế và Olympic Vật lý châu Á đều có giải, trong đó có nhiều giải vàng, giải bạc.

Công lao của ông trong việc đào tạo học sinh giỏi Vật lý được Bộ Giáo dục và Đào tạo rất trân trọng, vì thế trong kỳ thi Olympic Vật lý châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 5 tổ chức tại Hà Nội năm 2004, ông được mời làm Chủ tịch.

Lam Hạnh

Đọc thêm