Bản án phúc thẩm do TAND tỉnh Vĩnh Long tuyên vào cuối tháng12/2019 thể hiện, Công ty Bột Quốc tế và Công ty Đại Nam là đối tác làm ăn. Tuy nhiên, qua quá trình giao dịch, Công ty Đại Nam đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán nên tòa buộc Công ty này phải trả cho Công ty Bột Quốc tế cả gốc lẫn lãi là trên 5,5 tỷ đồng.
Sau khi có bản án, Công ty Bột Quốc tế đã gửi đơn đến Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Vĩnh Long yêu cầu được thi hành án. Đầu năm 2020, cơ quan thi hành án đã có Quyết định thi hành án đối với Công ty Đại Nam. Liên tiếp sau đó, cơ quan thi hành án cũng đã ra quyết định về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với Giám đốc Công ty Đại Nam; gửi văn bản đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh không xem xét giải quyết các yêu cầu chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, tên công ty, người đại diện theo pháp luật của Công ty Đại Nam...
Tuy nhiên, theo Công ty Bột Quốc tế, từ thời điểm có quyết định thi hành án theo yêu cầu đến nay, Công ty Đại Nam đã không thanh toán dù vẫn hoạt động kinh doanh và là doanh nghiệp tiêu biểu của tỉnh...
Theo Công ty Bột Quốc tế, để trì hoãn việc thi hành án, Công ty Đại Nam đã có văn bản gửi cơ quan thi hành án, thể hiện, phía Công ty này đang tiến hành xây dựng nhà máy nên nguồn thu từ hoạt động kinh doanh chưa phát sinh. Dự kiến đến giữa tháng 5/2020, Công ty vận hành nhà máy và phát sinh nguồn thu. Công ty đề xuất sẽ trả nợ trên 2,5 tỉ đồng và sẽ trả trong vòng 18 tháng...
Công ty Bột Quốc tế cho biết, lý do mà Công ty Đại Nam đưa ra để trì hoãn việc thanh toán là không hợp lý. Bởi lẽ, việc xây dựng nhà máy, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh như văn bản mà Công ty Đại Nam gửi cho cơ quan thi hành án đã cho thấy khả năng tài chính của Công ty Đại Nam dư đủ để chi trả cho khoản nợ với Công ty Bột Quốc tế.
Ngoài ra, Công ty Đại Nam đề nghị kéo dài thời gian thanh toán 18 tháng thay vì 10 ngày kể từ ngày nhận được thông báo theo Quyết định thi hành án của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Vĩnh Long đã gây ảnh hưởng quyền lợi của người được thi hành án.
Luật sư Từ Tiến Đạt (Đoàn Luật sư TP HCM) nhận định, nếu không có sự đồng ý từ người được thi hành án thì yêu cầu tạm hoãn thi hành án, yêu cầu thanh toán nợ như trên của Công ty Đại Nam là không đúng. Trong trường hợp này, bản án cần phải được thực thi để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.