Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 15/CT-TTg, Chỉ thị số 16/CT-TTg, Văn bản số 2601/VPCP-KGVX của Văn phòng Chính phủ và tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện nội dung các văn bản nêu trên tại các doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sản xuất, kinh doanh.
Theo đó UBND tỉnh quy định 11 cơ sở sản xuất kinh doanh và ngành hàng được phép hoạt động trong thời gian cách ly phòng, chống dịch Covid -19, đồng thời yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố chỉ đạo thực hiện nghiêm việc tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn tỉnh trừ các cơ sở kinh doanh hàng hóa dịch vụ thiết yếu.
UBND tỉnh cũng yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, công trình được phép hoạt động thực hiện các nội dung quy định về người làm việc, thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư thiết bị cần thiết để phòng, chống dịch theo khuyến cáo của cơ quan y tế;
Yêu cầu người lao động khai báo y tế, tuân thủ các biện pháp hạn chế di chuyển, giao tiếp; tạm dừng các hoạt động không cần thiết, cấp bách, giảm mức độ tập trung người lao động; tổ chức quản lý việc đưa đón người lao động (nếu có) đến nơi làm việc đảm bảo ngăn ngừa rủi ro lây nhiễm dịch bệnh; thực hiện vệ sinh, khử khuẩn tại nơi làm việc đảm bảo đúng quy định.
Danh mục 11 cơ sở sản xuất kinh doanh và ngành hàng được phép hoạt động trong thời gian cách ly phòng, chống dịch Covid -19 tại Vĩnh Phúc:
1. Nhà máy, cơ sở sản xuất; công trình xây dựng; cơ sở giáo dục (không thực hiện hoạt động dạy và học tại trường), ngân hàng, kho bạc, bảo hiểm, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm...), chứng khoán, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ...
2. Các cơ sở kinh doanh hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm: gạo tẻ, gạo nếp, vừng, đậu; bột, tinh bột; thịt và các sản phẩm từ thịt; thủy sản và sản phẩm thủy sản; rau, củ, quả và sản phẩm rau, củ, quả; trứng và các sản phẩm từ trứng; bánh; muối; bột nêm; gia vị; nước mắm; đường; dầu thực vật; sữa chế biến và một số mặt hàng lương thực, thực phẩm khác phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu hàng ngày của người dân; nước uống đóng chai...; thiết bị y tế; thuốc chữa bệnh; khẩu trang; sản phẩm dùng để tẩy rửa, tắm giặt, gội; nước kháng khuẩn, giấy vệ sinh; xăng dầu, gas...
3. Trung tâm thương mại, siêu thị tổng hợp, siêu thị mini (trong siêu thị phải đóng cửa, không được kinh doanh, bán các loại hàng hóa không thiết yếu, dịch vụ ăn uống tại chỗ, vui chơi, giải trí).
4. Chợ (chỉ cho phép hoạt động các điểm kinh doanh, ki-ốt kinh doanh các loại hàng hóa thiết yếu).
5. Các cơ sở sản xuất điện, cung ứng và vận hành hệ thống nguồn lưới điện.
6. Các cơ sở cung cấp nước sinh hoạt và nước sản xuất (kể cả phục vụ cho sản xuất nông nghiệp).
7. Các cơ sở cung cấp dịch vụ (bưu chính, viễn thông; truyền hình; máy tính, camera, thiết bị hội nghị trực tuyến...).
8. Các cơ sở sản xuất dược phẩm; thiết bị y tế.
9. Các cơ sở thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải.
10. Dịch vụ vận tải: Xe công vụ, xe đưa đón công nhân, chuyên gia, người cách ly, xe chuyên chở nguyên vật liệu, hàng hóa; xe vận chuyển vật liệu phục vụ công trình xây dựng; Xe ô tô vận chuyển người đi cấp cứu. Hạn chế tối đa hoạt động của các phương tiện cá nhân.
11. Các cửa hàng kinh doanh mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất nông nghiệp (giống, vật tư phân bón, thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản, thuốc bảo vệ thực vật, thú y...); Cung ứng vật tư phục vụ các công trình xây dựng (xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng) và các trường hợp khẩn cấp khác (cấp cứu; thiên tai, hỏa hoạn...).