Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, thời gian qua, Sở LĐ-TB&XH Vĩnh Phúc đã phối hợp với các ban, ngành chức năng tăng cường quản lý hoạt động dạy nghề, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về dạy nghề, quy chế chuyên môn, quản lý, sử dụng kinh phí hỗ trợ học nghề; xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị tại các cơ sở đào tạo nghề trên địa bà tỉnh; đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn theo quy định của Bộ LĐ-TB&XH; gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm thông qua việc ký kết các hợp đồng cung ứng lao động với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Tích cực đưa giáo viên, học sinh sinh viên đến doanh nghiệp để thực tập, nâng cao trình độ tay nghề, làm quen với tác phong lao động công nghiệp. Tăng cường các hoạt động hướng nghiệp, tư vấn, giới thiệu việc làm cho học sinh, sinh viên; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội nói chung và người lao động nói riêng về vai trò của đào tạo nghề đối với tạo việc làm tăng thu nhập.
Hiện nay, toàn tỉnh có 35 cơ sở dạy nghề có đăng ký hoạt động dạy nghề gồm: 4 trường cao đẳng nghề, 2 trường trung cấp nghề, 6 trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp có dạy nghề và 7 trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề, hàng năm đào tạo ra hàng nghìn lao động có tay nghề cao, đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Từ năm 2016 đến nay, Vĩnh Phúc tuyển mới hơn 37 nghìn học sinh, sinh viên, trong đó, trình độ cao đẳng nghề có 795 người; trung cấp, sơ cấp nghề, dạy nghề dưới 3 tháng khoảng hơn 36 nghìn người và hàng nghìn lao động được đào tạo tại các doanh nghiệp, các làng nghề tiểu thủ công nghiệp, bồi dưỡng nâng cao kiến thức. Các ngành, nghề đào tạo như: Xây dựng, du lịch, dịch vụ... Ngoài ra, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo thêm một số nghề mà người lao động có nhu cầu học: Nông nghiệp, chăn nuôi, thú y, lái xe ôtô, may mặc, cơ khí... Sau đào tạo, khoảng 80% số lao động tìm được việc làm ổn định.
Bên cạnh công tác dạy nghề, công tác giải quyết việc làm cho người lao động được tỉnh đặc biệt chú trọng. Từ đầu năm đến nay, Vĩnh Phúc giải quyết việc làm cho khoảng 12.153 lao động (đạt 52,8% kế hoạch năm, giảm 4,7% so với cùng kỳ năm 2016), trong đó, hơn 11 nghìn lao động làm việc trong nước, 847 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Để có được kết quả trên, Sở LĐ-TB&XH chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm đẩy mạnh công tác thông tin thị trường lao động, liên kết, tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp; đồng thời, tăng cường năng lực hoạt động của Sàn giao dịch việc làm bằng việc nâng từ 2 phiên lên 4 phiên hàng tháng; mở sàn giao dịch việc làm online; đặt văn phòng tư vấn, tuyển dụng lao động tại các huyện; tổ chức các buổi hội thảo, tư vấn; hướng dẫn người lao động quy trình thủ tục cần thiết khi có nhu cầu đi xuất khẩu lao động.
Trung bình mỗi năm, Trung tâm Dịch vụ việc làm tổ chức hàng chục phiên giao dịch việc làm, thu hút hơn 1.000 lượt doanh nghiệp tuyển dụng và từ 6.000 – 7.000 lao động tham gia đăng ký tìm việc; qua đó, hàng nghìn lao động tìm được việc làm mới ổn định với mức thu nhập khá.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế do học sinh học nghề phải học đồng thời cả 7 môn văn hóa theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo nên chưa có nhiều thời gian thực hành; công tác phối hợp giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp đã được quan tâm, nhưng còn nhiều hạn chế trong việc xây dựng chương trình đào tạo; phối hợp kiểm tra, đánh giá tốt nghiệp cho học sinh, sinh viên; công tác thực tập tay nghề.
Nguồn lao động của tỉnh dồi dào, tuy nhiên việc cung ứng lao động cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa thực sự hiệu quả do người lao động có tâm lý kén chọn công việc, doanh nghiệp còn tuyển nhiều lao động phổ thông, chưa có cơ chế đãi ngộ hợp lý với người lao động, đa số doanh nghiệp không tuyển lao động trên 30 tuổi, thường xuyên thay thế lao động nhất là đối với lao động phổ thông; hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động; công tác thống kê số lượng, chất lượng lao động và kết quả giải quyết việc làm ở các xã, phường, thị trấn chưa thường xuyên.
Để đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1956/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”; Nghị quyết 207/2015/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh về một số chính sách hỗ trợ giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016 - 2020; Chỉ thị số 04/CT-UBND của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về tăng cường công tác đưa lao động tỉnh Vĩnh Phúc đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; Kế hoạch số 5719/KH - UBND của UBND tỉnh về đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2017 - 2020.
Đẩy mạnh hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm bằng nhiều hình thức tư vấn: trực tiếp, qua điện thoại, trực tuyến qua internet... để cung cấp cho người lao động những thông tin cần thiết, cập nhật về ngành nghề đào tạo, nhu cầu sử dụng, tuyển dụng lao động trong và ngoài tỉnh, mở ra cho người lao động thêm nhiều cơ hội giải quyết việc làm; tăng cường liên kết đào tạo giữa cơ sở dạy nghề với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thông qua nhiều hình thức hợp đồng liên kết đào tạo và tuyển dụng sau đào tạo; phối hợp xây dựng chương trình đào tạo, tham gia vào quá trình giảng dạy, đánh giá kết quả học tập của người học, tư vấn, giới thiệu việc làm…
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách về dạy nghề, giải quyết việc làm, cung cấp thông tin về cơ sở dạy nghề, các nghề đào tạo, địa chỉ sử dụng lao động; điều kiện tuyển dụng và mức thu nhập trên Báo Vĩnh Phúc, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Cổng thông tin điện tử tỉnh Vĩnh Phúc và hệ thống loa truyền thanh xã, phường.